Việt Nam kiến nghị điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên dòng Mê Kông
VOV.VN - Các nước cần điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông để đảm bảo sử dụng hài hòa nguồn nước giữa các quốc gia.
Đồng bằng sông Cửu Long đang bị thiệt hại nghiêm trọng do hạn hán và xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến đời sống của người dân và sản xuất nông nghiệp, thủy sản. Do đó, Việt Nam đang tích cực kiến nghị với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông để đảm bảo việc sử dụng hài hòa nguồn nước giữa các quốc gia nằm trong lưu vực. Phóng viên VOV phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển về vấn đề này:
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển. |
PV: Thưa ông, trước tình hình hạn và mặn xâm nhập đang diễn ra gay gắt hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường có giải pháp gì để khắc phục tình trạng này?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cung cấp thông tin kịp thời về tình hình thời tiết, đặc biệt là hạn hán và xâm nhập mặn để các địa phương có thể chủ động đưa ra các giải pháp, các biện pháp ứng phó với tình trạng này và có dự báo.
Cục Quản lý tài nguyên nước và Văn phòng Ủy ban sông Mê Kông cung cấp các thông tin về nguồn nước ngầm để các địa phương có thể chủ động khai thác nước ngầm, phục vụ trước hết là cho sinh hoạt của người dân ở những vùng thiếu nước sinh hoạt, vùng bị xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long; Hỗ trợ các địa phương về lực lượng cũng như phương tiện trong việc khoan, khai thác nguồn nước ngầm.
Quỹ Môi trường và phòng chống thiên tai ủng hộ mỗi địa phương 500 triệu đồng để khắc phục thiên tai, chủ yếu là hỗ trợ việc cung cấp nước ngọt cho người dân địa phương.
PV: Việc giám sát vận hành thủy điện hồ chứa trên lưu vực các sông được thực hiện như thế nào để có thể đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế, cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của người dân, thưa ông?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Hiện nay, chúng ta phải ban hành 12 quy trình vận hành liên hồ chứa của 12 lưu vực sông chính. Đến nay, Bộ Tài nguyên Môi trường đã tham mưu cho Chính phủ phê duyệt 11 quy trình vận hành liên hồ chứa.
Hiện còn lưu vực sông Đồng Nai, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ và xin ý kiến các Bộ, ngành có liên quan trước khi phê duyệt. Đồng thời, Bộ yêu cầu Cục Quản lý tài nguyên nước tiến hành kiểm tra việc vận hành liên hồ chứa. Tại các lưu vực sông, Bộ tiến hành thanh tra, cũng đã phát hiện ra những vi phạm trong việc thực hiện quy trình vận hành liên hồ chứa.
Chúng tôi yêu cầu các cơ quan có liên quan thực hiện nghiêm túc quy trình này. Qua việc thanh tra, kiểm tra này sẽ xem xét lại việc ban hành quy trình như vậy đã hợp lý hay chưa, đã đảm bảo việc sử dụng nước hiệu quả và bền vững hay chưa để điều chỉnh quy trình, để làm sao tạo được sự đồng thuận của các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, dân cư, cùng chung tay thực hiện nghiêm quy trình phát huy việc sử dụng nước một cách hiệu quả, bền vững.
PV: Theo đánh giá thì cơ chế bảo vệ khu vực sông Mê Kông hiện nay vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Bộ Tài nguyên và Môi trường có đề xuất gì để việc đảm bảo an ninh nguồn nước khu vực được tốt hơn, thưa ông?
Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển: Trong thời gian vừa qua, Ủy Hội sông Mê Kông quốc tế cũng có hợp tác rất chặt chẽ giữa các nước trong Ủy Hội là Việt Nam, Campuchia, Lào, Thái Lan, chủ yếu mới chỉ dừng ở việc cung cấp, trao đổi, chia sẻ thông tin về nguồn nước và sự biến động của nguồn nước ở lưu vực này.
Hiện nay, Ủy hội này hoạt động dựa trên Hiệp định Mê Kông 95 mà 4 nước đã ký kết trên nguyên tắc đồng thuận. Nếu trong 4 nước mà có 1 nước không đồng ý thì không thực hiện được. Đây là tồn tại mà hiện nay có những vấn đề mặc dù là có lợi cho các nước khác nhưng không có lợi cho một nước. Đây là cái khó, chúng ta được biết việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông.
Dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, chúng ta đã có một dự án nghiên cứu tác động của các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Đối với vùng đồng bằng sông Cửu Long. Các nước trong Ủy hội sông Mê Kông quốc tế cũng đánh giá rất cao nghiên cứu này. Để làm được việc này thì đòi hỏi phải có sự đồng thuận của các nước.
Việt Nam cũng đang tích cực kiến nghị với Ủy hội sông Mê Kông quốc tế điều chỉnh quy hoạch thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông để đảm bảo việc sử dụng hài hòa nguồn nước giữa các quốc gia nằm trong lưu vực, đặc biệt, đảm bảo cho các quốc gia cuối nguồn có sự phát triển bền vững.
PV: Xin cảm ơn ông./.