Các nước tiểu vùng sông Mê Kông tăng cường hợp tác phòng chống ma túy
VOV.VN -Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận các sáng kiến hợp tác mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tiểu vùng sông Mê Kông.
Sáng nay (19/5), tại Hà Nội, Bộ Công an và Cơ quan thường trực về phòng, chống ma túy của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm Việt Nam tổ chức Hội nghị Quan chức cấp cao các nước tiểu vùng sông Mê Kông về hợp tác và phòng, chống ma túy trong khuôn khổ hội nghị cấp Bộ trưởng và Hội nghị cấp Quan chức cao cấp các nước tiểu vùng sông Mê Kông về phòng chống ma túy.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an cho biết: 20 năm qua, cơ chế hợp tác phòng, chống ma túy giữa Campuchia, Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam và cơ quan phòng, chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc đã trở thành diễn đàn đa phương quan trọng trong khu vực, có những đóng góp tích cực trong đấu tranh phòng, chống ma túy. Các nước đã thiết lập được một cơ chế hợp tác thống nhất với sự cam kết, quyết tâm cao của các Chính phủ và sự ủng hộ hiệu quả, nhiệt tình của các tổ chức quốc tế.
Qua đó, các hoạt động hợp tác đa phương và song phương thông qua cơ chế tiểu vùng ngày càng đi vào chiều sâu và có hiệu quả hơn. Hội nghị Quan chức cấp cao các nước tiểu vùng sông Mê Kông là diễn đàn quan trọng để các nước gặp gỡ, trao đổi tình hình, kinh nghiệm và kết quả công tác phòng, chống ma túy của mỗi nước. Đồng thời, thảo luận, xây dựng và thống nhất những giải pháp chiến lược về công tác hợp tác phòng, chống ma túy, nâng cao hiệu quả của cơ chế hợp tác đa phương cũng như song phương trong vùng.
Trung tướng Phan Văn Vĩnh cho biết, Hội nghị diễn ra trong bối cảnh nguồn lực quốc tế dành cho công tác phòng, chống ma túy suy giảm. Do vậy, việc duy trì hiệu quả cơ chế hợp tác tiểu vùng phụ thuộc rất lớn vào sự tham gia tích cực của các nước thành viên. Điều đó, đòi hỏi các nước cần phải nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược kiểm soát ma túy; tăng cường hơn nữa tính tự chủ, trực tiếp tham gia xây dựng các sáng kiến phòng, chống ma túy của khu vực và chia sẻ kinh nghiệm huy động các nguồn lực cho công tác này.
Tại hội nghị, các đại biểu kiểm điểm, đánh giá tình hình và kết quả thực hiện Bản Thỏa thuận về hợp tác phòng chống ma túy tiểu vùng sông Mê Kông; kế hoạch hành động tiểu vùng, những thảo thuận đạt được tại hội nghị cấp Bộ trưởng năm 2013 tại Myanmar và Hội nghị cấp Quan chức cao cấp năm 2014 tại Trung Quốc; rà soát hiện trạng tài chính và thảo luận cơ chế huy động các nguồn lực. Đồng thời, thảo luận các sáng kiến hợp tác mới nhằm tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống ma túy trong tiểu vùng; hoàn thiện, thống nhất các văn kiện để trình hội nghị cấp Bộ trưởng thông qua.
Sông Mê Kông chảy qua 6 nước là: Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Cùng với thời gian và trải qua nhiều biến cố lịch sử, sông Mê Kông vừa là biên giới tự nhiên, vừa là mạch máu giao thông quan trọng nối liền các nước trong vùng, đồng thời là nguồn nước ngọt quan trọng để nhân dân các nước ven bờ làm ăn, sinh sống.
Tuy nhiên, trong quá trình phát triển đi lên của thế giới và khu vực, do nhiều nguyên nhân địa lý, lịch sử, phong tục…các quốc gia trong vùng đã và đang phải đối mặt với hiểm họa ma túy. Để đối phó với hiểm họa này, năm 1993, bốn nước tiểu vùng và cơ quan phòng chống ma túy của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã cùng nhau ký kết Bản thỏa thuận (MOU) về hợp tác phòng, chống ma tuý. Đến năm 1995 Việt Nam và Campuchia tham gia Bản thỏa thuận này.
Hai mươi năm qua, kể từ khi chính thức trở thành thành viên của Bản thỏa thuận, Việt Nam đã tích cực tham gia vào kế hoạch hành động hợp tác quốc tế tiểu vùng, có tiếng nói quan trọng tại các diễn đàn khu vực và quốc tế./.