Việt Nam quyết tâm phòng chống rửa tiền
(VOV) - Việt Nam đặc biệt quan xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Sáng nay (19/11), Hội nghị mô hình lần thứ 15 về phòng chống rửa tiền và chống tài trợ cho khủng bố của Nhóm châu Á – Thái Bình Dương (APG) khai mạc tại Hà Nội.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh khẳng định: Nhiều năm qua, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực cùng hợp tác với nhiều sáng kiến đồng bộ nhằm ngăn chặn hoạt động rửa tiền và tài trợ khủng bố. Đặc biệt là mô hình định kỳ hàng năm của APG, đã tạo lập được một diễn đàn các thành viên trong nhóm chia sẻ thông tin và kinh nghiệm một cách hiệu quả.
Việt Nam quyết tâm thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp; trong đó đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý tiếp cận chuẩn mực quốc tế. Trước khi gia nhập APG, Việt Nam đã ban hành Pháp lệnh chống rửa tiền.
Từ khi gia nhập APG (5/2007), Việt Nam đã hình sự hóa hành vi rửa tiền và tài trợ khủng bố thông qua việc bổ sung tội danh này vào Luật Hình sự được thông qua năm 2009. Gần đây nhất, tháng 6/2012, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Phòng chống rửa tiền và sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2013; cơ bản hoàn thiện dự thảo Luật Phòng chống khủng bố và dự kiến trình Quốc hội thông qua trong năm 2013...
Chính phủ Việt Nam cũng quyết tâm trong công tác phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố theo các khuyến nghị và cam kết quốc tế, đặc biệt là các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế và APG.
Trong quá trình đánh giá, xếp hạng, Việt Nam mong muốn các tổ chức quốc tế quan tâm, lưu ý đến đặc thù của hệ thống pháp luật Việt Nam để đánh giá, ghi nhận những kết quả và nỗ lực Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo Phòng chống rửa tiền, chống tài trợ khung bố tại Việt Nam chia sẻ: Rửa tiền và tài trợ khung bố là vấn nạn làm cản trở và đe dọa sự minh bạch của hệ thống tài chính toàn cầu. Các thủ đoạn và phương thức rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp thông qua các kênh tài chính, ngân hàng, hoạt động thương mại... Vì vậy, cần thiết phải nghiên cứu phương thức rửa tiền và tài trợ khủng bố nhằm xây dựng, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, hoạch định chính sách tài chính để phòng chống hiệu quả các hành vi, hoạt động này.
Hội nghị diễn ra trong 5 ngày với sự tham gia của Ban Thư ký APG, các quốc gia thành viên, quan sát viên cùng nhiều tổ chức quốc tế, đồng thời mở ra cơ hội hợp tác toàn diện nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, biện pháp hữu hiệu trong đấu tranh chống rửa tiền và tài trợ khung bố theo chuẩn mực quốc tế, dựa trên tình hình thực tế của các quốc gia, vùng lãnh thổ, khu vực châu Á – Thái Bình Dương./.