Việt Nam - Thái Lan xúc tiến hợp tác toàn diện về lao động

VOV.VN -Một số Bộ, ngành hai nước đã tiến hành các cuộc gặp tiến tới việc ký
kết thỏa thuận đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan.

Nhằm đẩy mạnh hợp tác toàn diện về lao động giữa Việt Nam và Thái Lan, tiến tới giải quyết dứt điểm tình trạng người Việt Nam sang lao động không hợp pháp tại Thái Lan, trong thời gian vừa qua, một số Bộ, ngành hai nước đã tiến hành các cuộc gặp để trao đổi, tìm hiểu tình hình, tiến tới việc ký kết thỏa thuận đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan.

Mặc dù Việt Nam và Thái Lan chưa có thỏa thuận hợp tác lao động, tuy nhiên hiện có hàng chục ngàn lao động Việt Nam đang ở Thái Lan và nhập cảnh vào nước này thông qua hình thức du lịch và lưu trú 30 ngày theo quy định. Trong số đó có một số lượng lao động đã lưu trú quá thời hạn, vi phạm pháp luật Thái Lan và có thể bị trục xuất ngay nếu chính quyền Thái Lan phát hiện. Theo kết quả khảo sát từ ngày 21 - 23/2/2015 (3 - 5 Tết Ất Mùi) của phóng viên VOV thường trú Thái Lan tại 2 cửa khẩu BANLAEM và PAKARD giáp Campuchia, hàng trăm lao động Việt Nam đã tới đây đóng dấu thị thực xuất, nhập cảnh để tiếp tục lưu trú tại Thái Lan.

 Xe ôm Campuchia làm dịch vụ đưa đón đưa người lao động Việt Nam khi chờ làm thủ tục xuất nhập cảnh

Trong cuộc họp Nội các mới đây, Thái Lan đã thông qua Nghị quyết về hướng quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, theo đó tiến hành đăng ký lao động mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày 10/2/2015.

Đối tượng được áp dụng là những người tính đến thời điểm ngày 10/2/2015 đã quá hạn lưu trú, là lao động trong các nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong ngành xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng. Các đối tượng này phải đến đăng ký cùng với chủ lao động tại các Trung tâm đăng ký lao động nước ngoài một cửa (OSS) theo hướng cho phép tạm trú lâu nhất là đến ngày 28/2/2016 và không được thay đổi chủ lao động.

Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan trong thời gian vừa qua đã thúc đẩy việc tìm hiểu các nhóm lao động Việt Nam tại Thái Lan cũng như làm việc với các cấp chính quyền Thái Lan, hướng tới giải quyết dứt điểm vấn đề lao động Việt Nam vốn đã tồn tại nhiều năm qua.

Sau đây là Thông báo ngày 22/2/2015 về việc đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam tại Thái Lan của Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan:

"Việc đăng ký và cấp phép cho lao động Việt Nam tại Thái Lan là thỏa thuận đạt được tại cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng với Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha tại Hà Nội ngày 27 - 28/11/2014. Hợp tác toàn diện về lao động, trong đó có việc hợp pháp hóa lao động Việt Nam tại Thái Lan, sẽ giúp làm sâu sắc quan hệ Đối tác chiến lược, đem lại lợi ích thiết thực cho nhân dân và doanh nghiệp hai nước. Để triển khai, Bộ Ngoại giao đã nhất trí với đối tác Thái Lan tiến hành đàm phán liên ngành từ tháng 3/2015 để sớm ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về hợp tác lao động.

 Cửa khẩu BANLAEM nơi lao động Việt Nam vẫn tấp nập xếp hàng đóng dấu xuất nhập cảnh trong những ngày Tết Ất Mùi 2015

Theo đó, Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen trân trọng thông báo:

1/ Mục đích của việc Thái Lan đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam là tạo thêm nguồn cung ứng lao động cho các ngành đang thiếu nhân công, tăng cường quản lý lao động nước ngoài, đồng thời bảo đảm lợi ích chính đáng cho người lao động Việt Nam tại Thái Lan, nhất là về mức lương tối thiểu, thời gian làm việc, chế độ nghỉ phép và bảo hiểm y tế.

2/ Tiến trình chuẩn bị đăng ký, cấp phép cho lao động Việt Nam tại Thái Lan gồm ba bước chính: Thái Lan thông qua chủ trương về hợp tác lao động với Việt Nam; hai nước trao đổi về hợp tác lao động, trong đó có việc đăng ký, cấp phép; và Thái Lan thông báo rộng rãi thủ tục cụ thể trước khi triển khai. Việc đăng ký này là bắt buộc; những đối tượng thuộc diện quy định tại Phụ lục nhưng không đăng ký sẽ bị coi là lao động bất hợp pháp.

Đến nay, bước đầu tiên đã cơ bản hoàn tất. Ngày 10/2/2015, Nội các Thái Lan đã thông qua Nghị quyết về hướng quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam (Phụ lục đính kèm). Theo Nghị quyết này, công dân Việt Nam nhập cảnh Thái Lan vì mục đích lao động trước ngày 10/02/2015 có thể được cấp giấy phép lao động với thời hạn 01 năm, hưởng đầy đủ các quyền lợi như lao động Thái Lan, với điều kiện: có hộ chiếu Việt Nam; làm giúp việc tại gia hoặc lao động chân tay trong một số lĩnh vực như xây dựng, nghề cá, phục vụ tại nhà hàng; và được chủ lao động Thái Lan xác nhận nhu cầu tuyển dụng nhân công. Các “Trung tâm đăng ký lao động nước ngoài một cửa” (OSS) dành cho lao động Việt Nam sẽ được thành lập tại Bangkok (miền Trung), Chiang Mai (miền Bắc), Rayong (miền Đông), Nakhon Phanom (miền Đông Bắc) và Song Khla (miền Nam).

3/ Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan và Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khon Kaen khuyến khích các công dân Việt Nam hiện đang làm việc tại Thái Lan chưa có giấy phép lao động chuẩn bị sẵn sàng cho việc đăng ký để được cấp phép lao động. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa về mặt thông tin và thủ tục để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động được cấp phép. Mọi thông tin cần thiết sẽ được cập nhật và giải đáp tại các trang thông tin điện tử của hai Cơ quan đại diện: vietnamembassy-thailand.org, facebook.com/vnembkk và vietnamconsulate-khonkaen.org.

** PHỤ LỤC:

Công bố của Văn phòng Thủ tướng Thái Lan về quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam do Nội các thông qua ngày 10/2/2015.

________________

Ngày 10/02/2015, Nội các Thái Lan đã thông qua Nghị quyết về hướng quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, gồm những nội dung sau:

1/ Đăng ký lao động Việt Nam

Tiến hành đăng ký lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày Nội các ra Nghị quyết về hướng quản lý lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam (gọi tắt là “Nghị quyết”) nhưng thời hạn ở Thái Lan đã hết, cho phép họ tiếp tục tạm trú tại Thái Lan, đối tượng áp dụng là lao động trong các nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong ngành xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng. Những lao động này cần đến trình diện, đăng ký và xin giấy phép lao động tại các Trung tâm đăng ký lao động nước ngoài một cửa (OSS).

Trách nhiệm của các cơ quan liên quan của Thái Lan:

1.1. Bộ Nội vụ:

(i) Mở rộng đối tượng cấp giấy phép lao động tạm thời của các OSS cho lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam. Bộ Nội vụ là cơ quan phụ trách chính, phối hợp với Bộ Lao động, Bộ Y tế, Cảnh sát Hoàng gia và các cơ quan liên quan khác. Tiến hành tại Bangkok và một số khu vực khác, gồm: miền Bắc tại tỉnh Chiang Mai, miền Đông tại tỉnh Rayong, miền Đông Bắc tại tỉnh Nakhon Phanom, miền Nam tại tỉnh Song Khla và các tỉnh khác mà Bộ Nội vụ, Bộ Lao động, Bộ Y tế và Cảnh sát Hoàng gia thấy cần thiết. Các chủ lao động cần đưa lao động Việt Nam mà mình thuê đến trình diện, đăng ký lý lịch và nộp đơn 
xin phép lao động tại các OSS.

(ii) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày Nghị quyết được thông qua, với sự chấp thuận của Nội các và phù hợp với Điều 17 Luật Quản lý Xuất nhập cảnh năm 1979, Bộ Nội vụ ra Thông tư hướng dẫn thủ tục linh hoạt cho những người mang hộ chiếu Việt Nam nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày 10/02/2015 và đã lưu trú quá hạn, đượ tiếp tục lưu trú cho đến ngày 28/02/2016 để chờ trục xuất về nước mà không phải thực thi theo Điều 12 (3), Điều 54 và Điều 81, Luật Quản lý Xuất nhập cảnh năm 1979. Quy định này chỉ áp dụng cho những lao động giúp việc tại gia, lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng, đánh bắt cá và phục vụ nhà hàng.

(iii) Trong vòng 30 ngày kể từ ngày thực hiện đăng ký, Bộ Nội vụ nhận trình diện và lưu hồ sơ, lý lịch của lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam và nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước khi Nội các thông qua Nghị quyết nhưng đã hết hạn tạm trú tại Thái Lan, áp dụng cho lao động trong các nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng, đồng thời chuyển thông tin cho Bộ Lao động để cấp giấy phép lao động.

1.2. Bộ Lao động:

(i) Nhận đăng ký nhu cầu tuyển dụng lao động của chủ lao động Thái Lan, những người cần dẫn lao động Việt Nam cùng đến OSS để xin giấy phép lao động.

(ii) Xem xét cấp giấy phép lao động theo Điều 13 Luật Quản lý Lao động nước ngoài năm 2008 đối với những lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam đến đăng ký làm việc trong những nghề giúp việc tại gia, lao động chân tay trong lĩnh vực xây dựng, đánh bắt cá, phục vụ nhà hàng. Giấy phép có thời hạn 01 năm và không cho phép thay đổi chủ lao động; tiến hành thu phí theo quy định.

(iii) Liên hệ để các chủ lao động đưa lao động Việt Nam đến trình diện nhằm lập hồ sơ và đăng ký lao động theo quy định.

1.3. Cảnh sát Hoàng gia:

(i) Kiểm tra tình trạng lao động Việt Nam về các điều kiện: nhập cảnh Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước ngày Nội các thông qua Nghị quyết; và thời gian được phép lưu trú tại Thái Lan đã hết.

(ii) Xử lý nghiêm khắc theo đúng thẩm quyền đối với những trường hợp lao động bất hợp pháp sau khi đã hết thời hạn đăng ký, áp dụng đối với chủ lao động, người dẫn mối cũng như người lao động.

1.4. Bộ Y tế:

Kiểm tra sức khỏe và cấp bảo hiểm y tế cho lao động nước ngoài mang quốc tịch Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam, vào Thái Lan lần cuối một cách hợp pháp trước khi Nội các thông qua Nghị quyết, đã tiến hành đăng ký lao động và được lập hồ sơ lý lịch.

2/ Ngành nghề được cấp phép cho lao động Việt Nam

Văn phòng Thủ tướng sẽ quy định các ngành nghề cho phép người nước ngoài làm theo Điều 13, Luật Lao động nước ngoài năm 2008, trong đó sẽ xác định hai ngành nghề lao động Việt Nam được làm là lao động chân tay và giúp việc tại gia.

3/ Tiếp nhận lao động Việt Nam

Triển khai tiếp nhận lao động Việt Nam nhằm giải quyết vấn đề thiếu lao động. Chính phủ Thái Lan sẽ trao đổi với Chính phủ Việt Nam nhằm đạt được thỏa thuận về việc đưa lao động Việt Nam sang làm việc tại Thái Lan trong các lĩnh vực nghề cá và xây dựng.)"

Như vậy theo Nghị quyết của Nội các Thái Lan, chậm nhất đến ngày 12/3/2015, Bộ Nội vụ nước này sẽ ra thông tư hướng dẫn để các Bộ, ngành liên quan của Thái Lan tiến hành việc đăng ký lao động theo thông tin mà phóng viên VOV thường trú Thái Lan có được, vấn đề hợp tác lao động cũng như giải quyết tình trạng người lao động Việt Nam tại Thái Lan là một trong những trọng tâm trong các cuộc gặp vào đầu tháng 3 sắp tới khi Bộ Lao động và Bộ Ngoại giao Thái Lan thăm và làm việc tại Việt Nam cũng như sẽ được bàn trong cuộc họp Ủy ban hỗn hợp hai nước dự kiến trong tháng 3 tại Việt Nam./.                                                      

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Năm 2015 sẽ mở rộng thị trường lao động có thu nhập cao
Năm 2015 sẽ mở rộng thị trường lao động có thu nhập cao

VOV.VN - Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo gia tăng.

Năm 2015 sẽ mở rộng thị trường lao động có thu nhập cao

Năm 2015 sẽ mở rộng thị trường lao động có thu nhập cao

VOV.VN - Với việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN năm 2015, số lượng người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài dự báo gia tăng.

Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động
Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động

VOV.VN -Các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường mới có chất lượng và đàm phán ký kết hợp đồng để đưa lao động đi. 

Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động

Nâng cao chất lượng hoạt động của doanh nghiệp xuất khẩu lao động

VOV.VN -Các doanh nghiệp chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường mới có chất lượng và đàm phán ký kết hợp đồng để đưa lao động đi. 

Gần 8.700 lao động ra nước ngoài làm việc trong tháng đầu năm
Gần 8.700 lao động ra nước ngoài làm việc trong tháng đầu năm

VOV.VN -Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 1/2015 là 8.669 lao động.

Gần 8.700 lao động ra nước ngoài làm việc trong tháng đầu năm

Gần 8.700 lao động ra nước ngoài làm việc trong tháng đầu năm

VOV.VN -Theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 1/2015 là 8.669 lao động.

Tết của công nhân, lao động nghèo Đà Nẵng
Tết của công nhân, lao động nghèo Đà Nẵng

VOV.VN - Năm nay, đã có hơn 1.000 chiếc bánh chưng xanh và hàng trăm suất quà Tết đã kịp đến tay  công nhân, lao động nghèo.

Tết của công nhân, lao động nghèo Đà Nẵng

Tết của công nhân, lao động nghèo Đà Nẵng

VOV.VN - Năm nay, đã có hơn 1.000 chiếc bánh chưng xanh và hàng trăm suất quà Tết đã kịp đến tay  công nhân, lao động nghèo.