Vinaconex lên tiếng về việc bị Tòa áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời
VOV.VN -Đại hội cổ đông, bầu HĐQT công khai, nhưng Vinaconex đang bị toà án quận Đống Đa (Hà Nội) áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khiến đơn vị này gặp khó.
Chiều 1/4, Tổng Công ty cổ phần Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức buổi trao đổi và thông tin bất thường liên quan đến việc Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với đơn vị này.
Vinaconex trao đổi và thông tin bất thường liên quan đến việc Toà án ND quận Đống Đa quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với doanh nghiệp này. |
Cuộc họp bất thường do ông Đào Ngọc Thanh - Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2017-2022 và ông Dương Văn Mậu - Phó Tổng giám đốc chủ trì với sự tham gia của một số cổ đông và các cơ quan báo chí.
Ông Đào Ngọc Thanh, Chủ tịch HĐQT của Vinaconex cho biết, sau khi ĐHCĐ bất thường, các cuộc họp của Vinaconex đều được diễn ra một cách công khai minh bạch và có sự tham gia của tất cả các thành viên HĐQT, bao gồm cả ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà (hai thành viên vừa khởi kiện Vinaconex - PV).
Trình tự và thủ tục triệu tập, kết quả cuộc họp đều được công bố công khai. Sau khi ban hành nghị quyết ĐHĐCĐ thì nhóm 4 tổ chức/cá nhân gồm Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest, ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà không có ý kiến, kiến nghị hay yêu cầu gì đối với vấn đề tổ chức đại hội.
Tại đại hội này, Vinaconex đã bầu Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2017 - 2022 sau khi các cổ đông lớn Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) thoái vốn.
Sau khi ĐHĐCĐ bất thường, các cuộc họp của Vinaconex đều được diễn ra một cách công khai minh bạch và có sự tham gia của tất cả các thành viên HĐQT, bao gồm cả ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà.
"Tất cả mọi hoạt động đều diễn ra bình thường. Tuy nhiên, hai thành viên HĐQT nói trên lại đột ngột khởi kiện công ty", ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, sau khi có HĐQT mới, Vinaconex đã có những thay đổi tích cực. Trong thời gian ngắn, cổ phiếu VCG tăng từ 18.000 đồng/cp lên khoảng 28.000 đồng/cp, vốn hóa công ty tăng hàng nghìn tỷ đồng, mang lại giá trị cho cổ đông.
Cùng thời gian qua, Vinaconex cũng khởi động nhiều dự án như: khởi công một khách sạn cho Nhật Bản tại Đà Nẵng giá trị hợp đồng hơn 1.000 tỷ đồng; khởi động lại và thuê công ty tư vấn triển khai dự án Cái Giá - Hải Phòng sau thời gian dài bất động...
Vinaconex đang bị đặt vào thế khó khi Tòa án nhân dân quận Đống Đa (Hà Nội) có Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Tổng công ty này. |
Tuy nhiên, ngày 27/3/2019, Vinaconex nhận được hai văn bản của Tòa án nhân dân quận Đống Đa gồm: Thông báo thụ lý việc kinh doanh thương mại về việc “Yêu cầu hủy bỏ Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông” theo đơn yêu cầu của hai pháp nhân là Công ty TNHH Bất động sản Cường Vũ, Công ty TNHH Đầu tư Star Invest và hai cá nhân là ông Nguyễn Quang Trung và ông Thân Thế Hà; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Tòa án yêu cầu Vinaconex dừng thực hiện Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) ngày 11/1/2019 và Quyết định này có hiệu lực thi hành ngay và được thi hành theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự.
"Trong khi hoạt động của Vinaconex đang vào guồng quay thì sự việc nói trên diễn ra một cách bất ngờ. Sự bất ngờ theo đánh giá của tôi là hậu quả khôn lường", ông Thanh nói.
Thuê công ty độc lập định giá thiệt hại
Thông tin tại buổi họp báo, ông Dương Văn Mậu, Phó Tổng giám đốc, Thành viên HĐQT Vinaconex, cho hay, trước đó ngày 27/3, Vinaconex nhận được đồng thời 2 văn bản của Toà án nhân dân quận Đống Đa, bao gồm: thông báo thụ lý vụ kiện và quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Theo đó, buộc Vinaconex tạm dừng việc thực hiện Nghị quyết ĐHCĐ bất thường ngày 11/1/2019 cho đến khi có bản án, quyết định của toà án.
“Văn bản thụ lý từ ngày 25/3 nhưng Tổng công ty không nhận được. Tới ngày 27/3, không hiểu sao lại đến cùng lúc với văn bản quyết định áp dụng biện pháp tạm thời. Trước thời điểm đó, khoảng 12h trưa thì văn bản này đã có trên mạng rồi, không hiểu có nhóm nào đó với động cơ gì mà có văn bản đó”, ông Mậu nói.
Cùng với việc công bố thông tin về các quyết định của Tòa án, ông Dương Văn Mậu cho biết, doanh nghiệp đã có văn bản khiếu nại gửi Tòa án, kiến nghị hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nói trên; đồng thời, yêu cầu các bên liên quan bồi thường toàn bộ tổn thất cho doanh nghiệp và các cổ đông của Vinaconex từ việc áp dụng quyết định này; trong đó có việc giá cổ phiếu sụt giảm.
“Sau khi có quyết định của toà án, cổ phiếu Vinaconex phiên hôm đó giao dịch tới 4,9 triệu cổ phiếu ở giá sàn, khiến cổ đông thiệt hại khoảng 1.236 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hàng loạt thiệt hại khác nữa, chúng tôi đang thuê công ty định giá toàn bộ thiệt hại này”, ông Mậu nói./.
Kiến nghị rút ngay quyết định này:
Luật sư Lê Thanh Sơn - người bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Vinaconex bày tỏ lo lắng cho tình trạng hiện nay của doanh nghiệp này.
Tòa án ra văn bản này tức là phải tạm dừng thực hiện nghị quyết ĐHĐCĐ, khi đó HĐQT mới bầu được hiểu là vô hiệu. Như vậy, Tòa án đang đặt Vinaconex vào thế khó. Trường hợp Tòa án vẫn giữ quyết định này thì các văn bản đã ban hành, hoạt động đã ký kết sẽ phải xử lý như thế nào.
Thậm chí, các văn bản mà HĐQT giao cho các Ban, đơn vị thành viên, Ban giám đốc điều hành...sẽ không có giá trị. Vinaconex sẽ gặp khó khi bị dừng nhiều hoạt động, nhất là với các dự án cần thông qua nghị quyết của HĐQT hoặc liên quan đến cơ quan chức năng...Như vậy, chỉ có Ban điều hành, từ Tổng giám đốc trở xuống hoạt động thực hiện theo điều lệ của Tổng công ty và quyết định của ĐHĐCĐ trước đây thì mới có hiệu lực.
Do đó, Luật sư Sơn đã tư vấn Vinaconex ngay lập tức có văn bản kiến nghị yêu cầu Tòa án rút ngay quyết định này. Còn nếu áp quyết định của Tòa án hiện nay thì Vinaconex lại phải quay lại làm việc dưới sự điều hành của HĐQT cũ.