VOV đoạt Giải A báo chí: Sức hút từ “bước ngoặt lịch sử”
(VOV)- Những câu chuyện, khoảnh khắc và chi tiết lần đầu được đề cập… tạo nên sức hấp dẫn của chương trình “Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử”.
Hiệu ứng từ một chương trình phát thanh đặc biệt
Một đề tài “đậm chất lịch sử” nhưng với sự chuẩn bị chu đáo, tâm huyết và nỗ lực tìm tòi, nhóm tác giả Mỹ Hà, Lê Tuyết, Đàm Hoa, Việt Nga cũng như toàn bộ ê kíp thực hiện chương trình đã mang đến một “luồng gió mới”, không chỉ thu hút khán thính giả mà còn tạo ra hiệu ứng tích cực.
Ê kíp kỹ thuật âm thanh luôn sẵn sàng để có thể chuyển tải âm thanh tốt nhất đến thính giả nghe chương trình phát thanh đặc biệt vào ngày 29/12/2012 (Ảnh: Việt Đức) |
Cụm chương trình “Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử” nhấn mạnh thời khắc lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, một bước chuyển cơ bản buộc đế quốc Mỹ phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán ký kết Hiệp định Paris, lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Bước ngoặt đó không chỉ phải trả bằng máu và nước mắt của quân và dân ta mà còn là sự hy sinh thầm lặng của những “chiến sĩ” trên bàn đàm phán cách đây 40 năm. Với nguồn tư liệu chân thực và cách thực hiện chương trình mới mẻ, sinh động, trong vòng 60 phút, nhóm tác giả đã dẫn người nghe hình dung được cục diện lịch sử trên bàn đàm phán dẫn tới ký kết Hiệp định Paris.
Thực hiện chương trình phát thanh trực tiếp theo hướng mở với thời lượng lên tới 14 tiếng đồng hồ thực sự là một thử thách và thực tế ê kíp đã phải đối diện với nhiều khó khăn và áp lực. Chính vì vậy, ngoài Giải A báo chí Quốc gia dành cho cụm "Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử” như một sự ghi nhận chính thức thành quả lao động sáng tạo, có thể nói con số thống kê trong suốt thời gian phát sóng có đến 945 cuộc điện thoại của thính giả khắp cả nước trực tiếp tham gia và bày tỏ cảm xúc khi nghe chương trình, những phản hồi tích cực trên Báo điện tử VOV, thực sự là những “phần thưởng” quý giá mà mỗi nhà báo VOV luôn mong đợi.
Xin trích 2 ý kiến phản hồi của thính giả trên VOV.VN khi theo dõi chương trình: “Tôi không tài nào rời khỏi radio, một chương trình quá hay và xúc động, giúp cả những người thời ấy sống lại ký ức những năm tháng hào hùng. Một cách dạy lịch sử thật hay và hiệu quả. Mong rằng chúng tôi sẽ được nghe nhiều chương trình công phu như thế này. Tầm vóc báo chí là đây, truyền thống lịch sử của VOV là đây”.
“Cảm ơn VOV đã có chương trình rất công phu và ý nghĩa này. Tôi là chiến sỹ Trung đoàn 95 Sư đoàn 325, khi đó đang chiến đấu ở Quảng Trị… khi nghe tin Hà Nội bắn rơi máy bay B52 thì chúng tôi vui sướng vô cùng, ôm nhau nhảy lên, reo lên…. Ai cũng tin rằng nhất định Mỹ phải chịu thua, Mỹ phải ký Hiệp định Paris và rút khỏi nước ta, và Hòa bình thống nhất đất nước sẽ sớm được thực hiện. Chương trình của Đài rất sống động, nhiều nhân chứng và nhân vật lịch sử đã cho chúng tôi hiểu biết sâu hơn về cuộc đọ sức cả về trí lực quân sự và ý chí tinh thần quyết thắng của Việt Nam”.
Tâm sự của “bộ Tứ”
Nhà báo Mỹ Hà cho biết, ban đầu việc được Lãnh đạo Hệ VOV1 giao làm chủ biên kịch bản tổng thể chương trình phát thanh đặc biệt “Bản anh hùng ca Hà Nội tháng 12-1972” đối với chị dường như là quá sức. Nhưng sau những ngày lục tung những tài liệu có được và tham khảo ý kiến chuyên gia, các đồng nghiệp lớn tuổi, cuối cùng chị cũng hoàn thành kịch bản tổng thể 14 tiếng của chương trình phát thanh đặc biệt và được Lãnh đạo Đài duyệt, trong đó có cụm “Bước ngoặt thần kỳ của lịch sử”.
“Lãnh đạo Hệ và anh em trong nhóm đều xác định phải chọn được những nhân chứng lịch sử mang tính điển hình, chi tiết đắt giá và những câu chuyện cảm động nhất mới mong thính giả ở lại liên tục với mình trong suốt chương trình dài cả tiếng đồng hồ”, nhà báo Mỹ Hà chia sẻ.
40 năm đã trôi qua, những nhân chứng lịch sử tiêu biểu người còn người mất. Những người còn sống thì có người không còn minh mẫn. Và theo nhà báo Mỹ Hà, điều này lại càng thôi thúc nhóm lưu lại trong không gian của một chương trình đặc biệt những những nhân chứng quý giá mà vài chục năm nữa khó có thể tìm được…
Bên cạnh góc nhìn của các nhà ngoại giao về sự kiện Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không, các phóng viên VOV thực hiện chương trình còn đưa thính giả gặp lại những sử gia Mỹ và những người đã tham gia chiến dịch “ném bom Giáng sinh”, nhìn lại nỗi tủi hổ của những người từng tham gia vào cuộc chiến tranh phi nghĩa, gặp lại những người từng phải chịu cảnh đau thương dưới làn bom định mệnh… “Thực tại, quá khứ đan xen, tôi và người dẫn chương trình Hoàng Dũng cố gắng dẫn dắt câu chuyện một cách tự nhiên. Một giờ đồng hồ trôi qua thật nhanh, chúng tôi thầm cảm phục các phóng viên hiện trường đã giúp chúng tôi kể những câu chuyện lịch sử như đời thường vậy.”
Các nhà báo: Lê Tuyết, Đàm Hoa, Mỹ Hà, Việt Nga (từ trái qua) |
Nhà báo Lê Tuyết nhận làm kịch bản chi tiết cụm 3 mang tên “Bước ngoặt thần kì của lịch sử” cách ngày phát sóng trực tiếp đúng 1 tuần, nên hầu như chị dành “một tuần trọn vẹn với những thông tin về Hiệp định Paris, về tên các nhân vật và có cả những câu chuyện thú vị lần đầu tiên cập nhật”.
Theo nhà báo Lê Tuyết, viết về đề tài lịch sử đã rất khó, huống hồ lại làm một chương trình phát thanh trực tiếp có thời lượng lớn và với mong muốn tránh cách diễn đạt nhàm chán với những con số và gạch đầu dòng. Nhưng chính gợi ý của Lãnh đạo Hệ rằng “hãy chi tiết, chi tiết những chi tiết đời thường của các nhân vật lịch sử sẽ có những câu chuyện thú vị” đã giúp chị gỡ được nút thắt. Và để có được những chi tiết ấy, chị đã đến nhà gặp Nhà báo Hà Đăng, Nguyên Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, thành viên đoàn đám phán Paris năm 1973 để nghe những câu chuyện ngày xưa rồi hình thành nên kịch bản.
“Để có một chương trình phát thanh hoàn chỉnh cần có sự tham gia của cả tập thể. Thành công của “Bước ngoặt thần kì của lịch sử” có sự góp sức của các phóng viên thường trú, các kĩ thuật viên, nhiều anh chị em khác và đặc biệt là sự tương tác của quý vị thính giả”, nhà báo Lê Tuyết nhấn mạnh.
Còn nhà báo Đàm Hoa thì tâm sự, “thực hiện chương trình tôi đã học được nhiều điều, đặc biệt là những thông tin, những chi tiết lịch sử mà cho đến bây giờ qua lời kể của các vị khách mời tôi mới biết”.
Theo nhà báo Đàm Hoa, nội dung chương trình tái hiện một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc, do vậy, sự thận trọng và chính xác được đặt lên hàng đầu. Do vậy, khi có yêu cầu chỉnh sửa những chi tiết cho dù là nhỏ nhất, mọi người đều thực hiện nghiêm túc.
“Kịch bản chi tiết được các khách mời đọc và “soi” từng chữ. Đặc biệt, trước khi phát sóng trực tiếp chương trình, các vị khách mời còn cẩn thận dò lại từng đoạn, từng câu trong kịch bản để đảm bảo sự chân thực, chính xác”, nhà báo Đàm Hoa cho biết.
Còn nhà báo Việt Nga cho biết, dù chương trình phát thanh đặc biệt diễn ra vào ngày 29/12 nhưng từ tháng 9, chị đã bắt đầu việc trao đổi với đại diện cơ quan thường trú của VOV ở nước ngoài, như ở Mỹ, Pháp, Nga.
Nhà báo Việt Nga nhớ lại: “Trao qua đổi lại tới cả chục bức thư, có những lúc tưởng bế tắc vì không tìm được nhân vật, hoặc nhân vật không đồng ý trả lời phỏng vấn... Vậy là lại tiếp tục tìm kiếm, rồi thảo luận để hai bên có thể khớp với nhau và các anh chị thường trú có khi phải di chuyển cả ngàn cây số để gặp nhân vật".
“Các anh, chị phóng viên thường trú đã làm rất nhiều việc trong vài tháng liên tục để có được những sản phẩm có thời lượng chỉ vài phút đóng góp vào chương trình. Nếu thiếu họ sẽ không có được tác phẩm sinh động, nhiều chiều và rất cảm động như vậy”, nhà báo Việt Nga chia sẻ./.