“Vũ khí đặc biệt” trên mặt trận Điện Biên Phủ
VOV.VN - Báo Quân đội nhân dân được trở thành “vũ khí đặc biệt” của bộ đội ta ở chiến trường Điện Biên Phủ lúc bấy giờ.
Trong các cuộc hội ngộ của những cựu chiến binh Điện Biên năm xưa, tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận là một phần ký ức, là món ăn tinh thần đặc biệt. Tờ báo ra đời ngay tại mặt trận, bám theo từng diễn biến của chiến dịch và nhanh chóng trở thành “vũ khí đặc biệt” của bộ đội ta ở chiến trường Điện Biên Phủ lúc bấy giờ.
Báo Quân đội nhân dân được xuất bản ở mặt trận Điện Biên Phủ (Ảnh: Vietnamnet) |
60 năm về trước, đồng bào người Thái ở Tây Bắc đã vô cùng ngạc nhiên, trong đội hình hành quân lên mặt trận, có những người mang vác những vật dụng gì đó mà không phải là pháo, súng, lựu đạn hay là lương thực như đồng bào vẫn thấy. Những người đó phải dùng đến cả tính mạng của mình để bảo vệ những thứ được cho là bảo vật ấy.
Sau này, khi chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đồng bào mới biết đó là những người thợ in, được lệnh đưa máy in, giấy in, mực in, quý không thua kém gì những khẩu trọng pháo lên chiến trường Điện Biên, đồng hành cùng chiến dịch. Tờ báo xuất bản ngay tại mặt trận được Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng tư lệnh và Tổng cục Chính trị coi như một công cụ chính trị tư tưởng đặc biệt giải quyết tại chỗ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp mong muốn tư tưởng của Bộ tổng tư lệnh, của Trung ương phải được truyền xuống tận từng người lính, được người lính hưởng thụ và tiếp nhận chính xác.
Đại tá, nhà báo Phạm Phú Bằng - Nguyên phóng viên báo Quân đội nhân dân tiền phương tại mặt trận Điện Biên Phủ kể lại: Tất cả các vấn đề như gia đình bộ đội thế nào, cải cách ruộng đất lúc bấy giờ ở hậu phương ra sao… rồi tin tức trên các chiến trường phối hợp với chiến trường Điện Biên như chiến trường Lào, chiến trường Bình - Trị - Thiên, chiến trường Nam Bộ, thế trận của hai bên như thế nào, kẻ địch ra sao… đều được thông tin trên báo Điện Biên Phủ. Từ các chủ trương đường lối chiến dịch đến những bức thư nhà kể chuyện hậu phương làm an lòng chiến sỹ, đều được chọn lựa đăng tải trên tờ báo.
Làm sao để vừa thu thập tin tức, biên tập, tổ chức in ấn rồi phát hành ngay tại mặt trận để đưa tờ báo đến với bộ đội nhanh nhất? Câu trả lời chính là sự ra đời của một "Tòa soạn tiền phương" với 5 người làm báo. Ông Hoàng Xuân Tùy, phụ trách chung tờ báo; ông Trần Cư, phụ trách thư ký tòa soạn; hai phóng viên là ông Phạm Phú Bằng và ông Nguyễn Khắc Tiếp. Họa sĩ trình bày báo là ông Nguyễn Bích.
5 cán bộ, phóng viên, họa sĩ này đã tham gia xuất bản từ số báo đầu tiên đến số báo cuối cùng tại mặt trận Điện Biên Phủ, với tổng cộng 33 số báo. Báo vừa in tối hôm trước, sáng hôm sau đã đến tay chiến sỹ Điên Biên ngay tại mặt trận.
Ông Nguyễn Bội Giong cùng phóng viên VOV thăm lại Mường Phăng (Ảnh: Hằng Nga) |
Đại tá Nguyễn Bội Giong - Nguyên chuyên viên cao cấp Bộ Tổng tham mưu về tổng kết chiến tranh, đồng thời là một chiến sỹ Điện Biên vẫn cười rổn rảng với những bức tranh mà họa sỹ Nguyễn Bích biếm họa trên báo, mô tả cảnh lính Pháp rón rén không dám rời hào công sự để đi vệ sinh cá nhân mà phải thực hiện ngay tại chỗ, để đến nỗi tiến không được, lui cũng không xong, phải sống chung với mùi xú uế bốc lên nồng nặc.
Những bức tranh biếm họa kiểu như vậy trên báo đã gợi ý thêm những cách đánh mới cho quân ta. Bộ đội ta đã sử dụng cách bắn tỉa, canh không cho bất kỳ tên lính Pháp nào rời đường hầm để đi vệ sinh. Tất cả các cây súng cầu vồng bắn lựu đạn của lực lượng bộ binh cũng được huy động tối đa, mục tiêu là đường hào của giặc cách khoảng 200m là hứng trọn lựu đạn của bộ binh ta, gây thêm nhiều thương vong cho giặc, khiến quân giặc càng thêm kinh hoàng, hoảng sợ, chạy tới chạy lui dưới đường hào mà không dám ló mặt lên.
Cũng có lúc chỉ huy của ta cho quân sỹ bí mật rải một số tờ báo có thông tin kiểu như vậy sang phía chiến trường của địch, khiến cho những lính Pháp chưa rơi vào tình cảnh như vậy cũng bị hoang mang. Đây là một kiểu làm nhụt tinh thần, nhuệ khí của lính Pháp vô cùng hiệu quả, khiến cho nhiều trận đánh đã nhìn thấy chắc thắng ngay từ khi bắt đầu.
Chiến trường Điện Biên Phủ lúc bấy giờ có khoảng 5 vạn quân ta, có nhu cầu rất lớn về thông tin. Khi mà báo Nhân dân, báo Cứu Quốc, báo Tiền Phong… không thể đưa đến nơi thì tờ báo Quân đội nhân dân xuất bản tại mặt trận chính là tờ báo duy nhất tác động trực tiếp đến đời sống tinh thần chiến đấu của bộ đội ta, trở thành một “vũ khí đặc biệt” góp phần làm nên chiến thắng chấn động địa cầu Điện Biên Phủ./.