Vụ ô tô lao xuống sông Hồng: Cho ô tô đi làn xe máy là sai thiết kế
Sau vụ ô tô đâm đổ lan can cầu Chương Dương rơi xuống sông Hồng, nhiều chuyên gia cho rằng việc cho xe ô tô đi vào làn xe máy là làm sai so với thiết kế.
Vào tối ngày 3/11 vừa qua, 2 người đã thiệt mạng khi xe ô tô Mercedes đâm đổ lan can cầu Chương Dương lao xuống sông Hồng khi đang lưu thông trên cầu thuộc làn đường dành cho xe máy.
Hiện trường khi xảy ra vụ việc xe ô tô lao xuống sông.
Nhiều chuyên gia cho rằng việc phân luồng cho xe ô tô đi vào làn xe máy trên cầu Chương Dương là làm sai so với thiết kế.
Tai nạn thảm khốc
Theo một số nhân chứng, khoảng hơn 19h ngày 3/11, một ôtô đi trên cầu Chương Dương hướng từ quận Long Biên về trung tâm Hà Nội. Khi đến nhịp cầu số 19 phía quận Long Biên, chiếc ô tô này mất lái, đâm văng vài mét lan can cầu và lao xuống sông Hồng, 5m lan can thuộc nhịp cầu số 19 bị gãy rơi xuống sông.
Lực lượng chức năng đã phong tỏa làn đường phía ngoài hướng về trung tâm Hà Nội; 5m lan can thuộc nhịp cầu số 19 bị gãy và rơi xuống sông. 2 xe cứu hộ của lực lượng PCCC&CNCH có mặt tại khu vực này.
Ngoài ra, lực lượng chức năng cũng điều một chiếc cano tìm kiếm trên sông. Rạng sáng 4/11, lực lượng chức năng đã trục vớt và đưa thi thể 2 người trong chiếc xế hộp tông qua lan can cầu Chương Dương (Hà Nội) lao xuống sang Hồng sau nhiều giờ tìm kiếm.
Sau khi nhận được thông tin vụ việc, Chủ tịch TP Nguyễn Đức Chung, đã chỉ đạo Phó Chủ tịch UBND TP - ông Nguyễn Văn Sửu trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy cả hai người tử nạn đều là nữ và độ tuổi khá trẻ.
Cho phép ô tô chạy vào làn xe máy có đúng quy định?
Theo Tổng Công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (Bộ GTVT), cầu Chương Dương bắc qua sông Hồng, trên quốc lộ 1A tại km170+200, nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và là cửa ngõ giao thông huyết mạch của Hà Nội. Chiều dài cầu 1.230m gồm 21 nhịp: 11 nhịp thép; 10 nhịp bê tông trong đó 7 nhịp ở phía Hoàn Kiếm và phía Long Biên có 3 nhịp. Tải trọng: H30.
Lan can cầu tại vị trí tai nạn vừa được sửa lại. |
Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều. Phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Hai làn xe ô tô chạy phần giữa cầu. Cầu được xây 10/10/1983, đưa vào sử dụng 30/6/1985 và đã tiến hành sửa chữa từ năm 2002.
Như vậy có thể thấy, theo thiết kế đường “cánh gà” hai bên cầu Chương Dương chỉ dành cho xe máy, mặt đường và hệ thống lan can sắt (dạng răng lược) được xây dựng ở đây cũng chỉ đảm bảo cho xe máy lưu thông an toàn. Việc cho xe ô tô đi vào là không đúng thiết kế và hệ thống lan can ở đây cũng không đảm bảo khi có va chạm giao thông với ô tô xảy ra.
Trao đổi về chức năng và thiết kế của làn đường cánh gà hai bên cầu Chương Dương, cả đại diện Bộ GTVT (đơn vị xây dựng cầu) và các đội CSGT đảm bảo giao thông trên cầu Chương Dương đều khẳng định, chỉ 2 làn đường ở giữa dành cho ô tô, còn làn đường 2 bên cánh gà chỉ dành cho xe máy.
Đại diện Đội CSGT số 1 Phòng CSGT Hà Nội (đảm bảo giao thông trên cầu Chương Dương) cho rằng, vào các năm trước 1990 cầu Chương Dương được tổ chức phân luồng giao thông theo đúng thiết kế. Theo đó làn đường hai bên cánh gà chỉ dành cho xe máy lưu thông; nhưng sau mốc thời gian trên, Đội CSGT số 1 và các đội địa bàn nhận được phương án tổ chức giao thông của thành phố Hà Nội cho cả ô tô đi vào làn đường dành cho xe máy.
Đánh giá về việc phân luồng trên, đại diện Đội CSGT số 1 cho biết, phân luồng là để giảm tải cho 2 làn cầu ở giữa trước mật độ ô tô ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc kéo dài. Tuy nhiên việc này cũng gây khó khăn cho việc điều tiết, đảm bảo giao thông trên cầu. Do lòng đường hẹp phương tiện lại lưu thông hỗn hợp giữa xe máy và ô tô nên việc va chạm giữa 2 loại xe này thường xuyên xảy ra và vụ tại nạn của ô tô 5 chỗ Mercedes xảy ra tối 3/11 một ví dụ là điển hình.
Cũng theo đại diện Đội CSGT số 1, cầu Chương Dương đang được quản lý về mặt giao thông bởi 2 Đội CSGT địa bàn thuộc Phòng CSGT Hà Nội là Đội CSGT số 1 và Đội CSGT số 5, sự việc chiếc ô tô 5 chỗ Mercedes rơi xuống sông xảy ra ở phần cầu thuộc địa bàn quận Long Biên do Đội CSGT số 5 đảm nhiệm.
Còn theo đại diện Bộ GTVT, cầu Chương Dương được xây dựng sau cầu Thăng Long chỉ vài năm, tức vào thời điểm 1980. Sau đó được Bộ GTVT bàn giao cho Hà Nội quản lý và tổ chức về mặt giao thông.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, trước đây qua sông Hồng bằng ô tô tại khu vực nội thành chỉ có cầu Chương Dương nên việc làn cầu 2 bên cánh gà được tổ chức cho cả ô tô đi chung với xe máy là do sức ép giao thông.
Tuy nhiên khi khu vực này có thêm cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì được thông xe thì việc này cần phải xem xét, điều chỉnh lại cho hợp lý. “Công trình được sử dụng đúng thiết kế không chỉ đảm bảo về tuổi thọ mà còn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông qua”, ông Liên nói./.
Đã xác định chủ xe Mercedes lao từ cầu Chương Dương xuống sông Hồng
Trục vớt hai thi thể vụ xe Mercedes đâm gãy thành cầu Chương Dương
Đã trục vớt ô tô đâm gãy thành cầu Chương Dương rơi xuống sông Hồng