Vụ sập hầm thủy điện: Cơ quan công an và chủ đầu tư nói gì?

Theo lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công và chủ đầu tư từng bị xử lý sai phạm vì thi công không đảm bảo an toàn.

>> Mái hầm thủy điện Đạ Dâng có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng 
>> Sức khỏe 12 công nhân vụ sập hầm phục hồi nhanh chóng
>> Đề nghị miễn viện phí cho 12 nạn nhân vụ sập hầm thủy điện
>> Khám nghiệm hiện trường vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng

Theo lãnh đạo chủ đầu tư công trình thủy điện Đạ Dâng, do địa chất yếu nên việc thi công đường hầm dẫn nước cho tổ máy phát điện bị chậm tiến độ và phải thay nhiều đơn vị. Theo lãnh đạo Công an tỉnh Lâm Đồng, đơn vị thi công và chủ đầu tư từng bị xử lý sai phạm vì thi công không đảm bảo an toàn. 

Hầm thủy điện Đạ Dâng từng phải thay nhiều đơn vị thi công vì địa chất yếu. Ảnh: L.H.V.
Hầm thủy điện Đạ Dâng từng phải thay nhiều đơn vị thi công vì địa chất yếu. Ảnh: L.H.V.

Phải dừng thi công vì địa chất yếu

Ông Vũ Đức Toàn, Phó TGĐ TCty CP Thương mại Xây dựng (Vietracimex) - Công ty mẹ của Cty CP Đầu tư và Xây dựng Điện Long Hội (chủ dự án thủy điện Đạ Dâng) cho biết: Ngay khi nhận được tin báo xảy ra sự cố sập hầm, Tổng Cty đã cử cán bộ từ Hà Nội vào phối hợp với các lực lượng khác tham gia cứu hộ, cung cấp hậu cần. Công ty hỗ trợ trước mắt mỗi nạn nhân 5 triệu đồng. “Chúng tôi sẽ phối hợp Bộ Xây dựng, UBND tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan khác tìm nguyên nhân sập hầm, trách nhiệm các bên”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, dự án thủy điện Đạ Dâng trước đây do TCty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5) làm chủ đầu tư, tháng 3/2006 dự án được chuyển giao cho Cty Long Hội làm chủ đầu tư và thực hiện. Tuy nhiên, khoảng 3 năm trước, dự án phải tạm dừng. “Do quá trình thi công địa chất có thay đổi, một nửa quả đồi phía thượng lưu là đá nhưng phía hạ lưu lại chủ yếu đất pha cát việc thi công tiếp hầm gặp nhiều khó khăn. Do nền đất yếu nên phải tính toán lại vấn đề kỹ thuật”, ông Toàn nói. 

Theo ông Toàn, một số hố sụt trên đỉnh đồi cũng là một dấu hiệu liên quan để chủ đầu tư phải tạm dừng thi công để khảo sát lại địa chất và phương án thi công. Ngoài ra, đoạn đường hầm trước đây do Cty CP Xây dựng Công trình Ngầm Vinavico thi công, nhưng do đơn vị này không đảm bảo tiến độ nên phải thay đơn vị khác.

Mới đây, Cty CP Sông đà 505 được lựa chọn thi công phần gia cố đường hầm đã thực hiện xong trước đó, còn Cty CP Sông Đà 10 thi công tiếp phần đường hầm vẫn chưa thông (dài khoảng 80m). Trước khi Cty CP Sông Đà 10 nhận dự án và bắt đầu thực hiện từ khoảng 2 tháng trước, vị trí đường hầm này đã có một số đơn vị nhận thi công nhưng đều thất bại do nền đất yếu.

Theo lãnh đạo TCty Vietracimex, trước khi thi công trở lại chủ đầu tư và đơn vị thi công đều đã kiểm tra thực tế. “Thời điểm thi công lại đường hầm không có gì bất thường. Sập hầm là sự cố bất ngờ, do trong lòng đất không thể biết trước. Khi khảo sát cũng chỉ dự báo được phần nào đó”, Phó TGĐ Vietracimex nói.

Từng bị xử phạt vì thi công không an toàn

Chiều 21/12, Thiếu tướng Bùi Văn Sơn, Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng cho biết: Sau khi khám nghiệm hiện trường, Công an tỉnh sẽ trưng cầu giám định của Bộ Công an. “Qua kiểm tra hồ sơ, trước đây tỉnh Lâm Đồng đã một lần lập đoàn liên ngành để kiểm tra về vấn đề thi công không đảm bảo an toàn. Sau đó, tỉnh đã cảnh cáo và nhắc nhở đơn vị thi công, chủ đầu tư”, tướng Sơn nói.

Về thông tin đơn vị thiết kế công trình thủy điện Đạ Dâng là một công ty Trung Quốc, tướng Sơn cho biết: “Cũng có một số người hỏi tôi điều này, nhưng tôi chưa nắm được, hiện đang cho anh em kiểm tra”.

Theo Phó TGĐ Vietracimex Vũ Đức Toàn, dự án thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo có hai đập, đập Đạ Dâng đang thi công thì gặp sự cố là phía thượng nguồn thuộc huyện Lạc Dương (Lâm Đồng); còn đập Đạ Chomo nằm xuôi về hạ du khoảng 1-2km, thuộc địa bàn huyện Lâm Hà (Lâm Đồng). Tổng vốn đầu tư toàn dự án ban đầu là hơn 500 tỷ đồng, nhưng tới nay có thể lên hơn 600 tỷ đồng, tổng công suất lắp máy 23MW. Dự kiến tổ máy phát điện đập Đạ Dâng sẽ đi vào hoạt động trong năm 2015./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên