Vùng cao Khánh Thượng, 5 năm sau mở rộng địa giới

VOV.VN -5 năm mở rộng địa giới hành chính, các địa phương miền núi, xa thủ đô đều có những đổi thay, nhất là hạ tầng

Theo đường lộ 414, từ Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây tới Đá Chông, nơi có di tích K9 nổi tiếng, từng đặt thi hài Bác trong những ngày đầu tiên. Không sai khi gọi đây là “Con đường du lịch” của Ba Vì, Hà Nội bởi con đường này dẫn tới nhiều khu du lịch đang trở thành điểm đến hấp dẫn du khách như: Ao Vua, Khoang Xanh – Suối Tiên, Thiên Sơn – Suối Ngà, Tản Đà, Đầm Long – Bằng Tạ và Vườn quốc gia Ba Vì...

Đường dẫn tới các khu du lịch Ba Vì, Hà Nội

Tới Đá Chông, rẽ trái theo đường 415, vượt qua 13 km ngoằn ngoèo đèo dốc và cua tay áo của dãy núi Ba Vì là Khánh Thượng- xã miền núi, vùng sâu vùng xa nhất của Hà Nội, có địa bàn giáp ranh với 2 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ. Địa hình vùng núi hoang sơ khiến Khánh Thượng có một cảnh quan thiên nhiên cực hấp dẫn khách du lịch. Thế nhưng, nguồn lợi du lịch này đến nay vẫn chưa được quan tâm.

Cuộc sống người dân xã nghèo này vẫn là thuần nông. Trên địa bàn cũng có một vài công ty buôn bán hay các đại lý nhưng mức độ quy mô chưa thấm vào đâu. Tiếng là công ty nhưng chỉ như một đại lý nhỏ.

Ở đây duy nhất có xí nghiệp khai thác núi đá Chẹ, nhưng là trước kia. Từ sau khi sáp nhập vào Hà Nội, núi đá Chẹ đã bị cấm hoạt động. Đơn vị giải thể. Công nhân hết việc. Một bộ phận nhỏ dịch vụ ăn theo sức ăn tiêu của công nhân cũng không còn. Công nhân ở công trường đá lại trở về thuần túy với nghề nông.

Phiên chợ Chẹ chủ yếu theo hình thức tự cung, tự cấp

Trần Việt Bảy là một trong số những công nhân như thế. Giờ đây anh là người nông dân thực thụ. Anh Bảy vừa bó xong đống khoai dọc mùng xanh mướt vừa cắt, chiếc áo công nhân xanh ướt sũng mồ hôi. Anh đang loay hoay buộc giúp chủ hàng những bó dọc mùng xếp ngất ngưởng lên xe máy, mặt sân la liệt những lá vừa chặt bỏ. Tất tật chỉ giá 100.000 đồng. Mỗi tháng được 3 lần bán. Đây là một trong những khoản thu từ vườn nhà của gia đình Bảy. Ngoài ra, cũng giống hầu hết những người dân miền núi Khánh Thượng, Ba Vì này, chủ yếu sống bằng nguồn thu từ đồi rừng, gia đình anh Bảy trồng thêm vài sào cây đót, một loại cây giống dong riềng cho củ để làm miến. Cây đót cho giá trị kinh tế cao hơn lúa, công chăm sóc, đầu tư lại ít. Tuy nhiên, thu nhập từ củ đót cũng rất bấp bênh phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.

Lê Công Quang cùng thôn Bưởi, xã Khánh Thượng, người anh vợ của Trần Việt Bảy cho biết: “Bên gia đình tôi trồng 6 sào đót, nếu phát triển tốt thì được 3 tấn/sào, được giá thì thương lái trả 2.000-2.200 đồng/kg, trừ  chi phí phân bón được lãi 26 -28 triệu đồng. Nếu cây đót phát triển xấu sản lượng thấp thì thương lái bỏ giá cũng thấp lãi rất ít”.

Không có nghề phụ, người dân vùng núi Khánh Thượng này khi nông nhàn họ đi các chợ phiên buôn bán vặt các nông sản phẩm của chính mình, để có thêm tiền chi tiêu.

Khánh Thượng là vùng khó khăn có 13 thôn với ngót 1 vạn dân, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 60% trong đó, người dân tộc Mường chiếm trên 52%.

Nhìn toàn cảnh 5 năm mở rộng địa chính Hà Nội, Thành phố đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân tương đối tích cực. Cơ bản hệ thống giao thông nông thôn được bê tông hóa. Hệ thống kênh mương và các công trình thủy lợi được hoàn tất. Hiện nay đang tiếp tục tích cực triển khai xây dựng nông thôn mới. Cơ sở giáo dục đã và đang được tiếp tục đầu tư xây dựng, từ chỗ nhà học tạm, nhà cấp 4 trước đây thì đến nay đã dần được kiên cố hóa trong cả ba cấp học.  Phải nói rằng, đây là sự quan tâm đầu tư hết sức nỗ lực của Nhà nước và Thành phố.


Đường bê tông vào tận các thôn làng

Theo Chủ tịch UBND xã- Nguyễn Văn Trường, 5 năm qua, 200 tỷ đồng đã được đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển nông thôn mới ở xã vùng núi Khánh Thượng.

Ông Trường cho biết thêm: Nếu không có sự đầu tư mạnh thì nơi đây còn hết sức khó khăn. Dấu ấn rõ rệt nhất là tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Vào năm 2007, hộ nghèo ở Khánh Thượng là 47% thì đến thời điểm này còn hơn 13%. Đó là một trong những dấu ấn cho thấy sự chuyển biến tích cực của địa phương.

Năm 2007, tổng thu nhập bình quân của Khánh Thượng mới đạt 5,1 triệu đồng/người/năm đến năm 2012 đã đạt trên 9 triệu đồng/người/năm.

Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng - Nguyễn Trung Thành cho biết: “So với cả huyện, tổng thu nhập đầu người của chúng tôi còn thấp. Cơ sở hạ tầng, giáo dục đào tạo, nguồn nhân lực được quan tâm nhưng so với nhu cầu vẫn còn hạn chế. Nói thế để biết rằng so với nội thành đời sống người dân còn khoảng cách rất xa”.

Đi đâu, gặp ai là người dân vùng đất này, họ đều có chung một niềm tự hào quê hương mình đã thay đổi diện mạo tương đối rõ nét trong 5 năm qua. Trước đây, thời điểm chưa mở rộng địa chính Hà Nội, đường chính vào đồng nội chưa có, bây giờ đã có đường bê tông tới tận thôn; dân trí mở mang…

Anh Lê Công Bính, ở thôn Bưởi phấn khởi cho biết: “Nguồn lực đầu tư của thành phố rất tập trung. Cùng là chương trình 135 hay 134, trước đây tỉnh Hà Tây (cũ) thực hiện thì rất chậm, nhỏ giọt. Là người dân ở đây nhiều khi tôi cũng ngỡ ngàng về tốc độ đổi thay của thôn bản mình”.

Nhiều ngôi trường mới được xây dựng

Ông Chương Văn Mến- một người dân xã Minh Quang, mừng rỡ cho biết thêm: “Từ ngày sáp nhập về Hà Nội được sự giúp đỡ của chính quyền thành phố, đơn giản nhất là học sinh rất ít bỏ học, số lượng học sinh đỗ đại học cũng rất nhiều.

Theo tôi biết, nhiều cháu trước kia không nghĩ đến chuyện thi đại học thì này lại  quyết tâm vào đại học. Được sự hỗ trợ miễn giảm học phí cho các xã nghèo nên các cháu quyết tâm nỗ lực học ngay từ đầu, nên lực học và phong trào học của các cháu ngày càng rầm rộ. Sự hỗ trợ miễn giảm học phí đã làm thay đổi suy nghĩ của phụ huynh cũng như học sinh, hướng tới con đường học vấn để thay đổi cuộc sống.

Cuộc sống sinh hoạt cũng dễ dàng hơn xưa, hộ gia đình “rủng rỉnh” chi tiêu may quần áo, sắm sửa cái tủ, cái đài, TV… Gia đình tôi có cháu thứ ba được hoàn trả tiền học, để dành ra cũng mua được cái TV 5 triệu đồng.

Đời sống dân cư phát triển tốt, người dân phấn khởi, chúng tôi ra khỏi cổng đã có đường bê tông, có đại lý việc mua bán không mất ngày, mất buổi nữa”.

Phó Chủ tịch xã Nguyễn Trung Thành cho rằng: “Đối với một học sinh số tiền hỗ trợ không nhiều, nhưng với đồng bào ở đây, hộ nghèo có 2-3 con đi học thì đó là số tiền đáng kể. Tính tổng thể trong cả địa phương cũng là vấn đề không nhỏ. Xã, huyện cũng không thể hỗ trợ được nếu như không có chủ trương đó. Chúng tôi rất biết ơn chính sách này dành cho đồng bào các xã khó khăn”.

Đời sống người dân dần thay đổi, nhà cửa khang trang

Tuy nhiên, theo người dân, hiện Khánh Thượng mới chỉ có trung tâm phố Chẹ mới có mạng internet, thua xa những xã giáp ranh thuộc tỉnh Hòa Bình đường dây mạng vào tận bản thôn, thậm chí sóng Đài PT-TH Hà Nội cũng không bắt được. Người dân phải sử dụng thuê bao của các đài kỹ thuật số, nhưng đa số dân chưa có điều kiện để trang bị đầu thu số này.

Với nguồn lực đầu tư lớn của Thành phố trong suốt 5 năm qua, vùng cao Khánh Thượng đang dần chuyển mình là lẽ đương nhiên. Nhưng điều trăn trở nhất với đội ngũ lãnh đạo Khánh Thượng là tiềm năng du lịch của Khánh Thượng chưa được quan tâm đúng tầm để phát triển phù hợp với thực tế của địa phương, giải quyết thu hút sức lao động, thu hút nguồn cung của nông sản thực phẩm trong khu vực tăng thu nhập cho bà con.

Ông Thành cho biết: “Hiện tại, bà con nuôi con lợn, con gà hay mớ rau thì bán cũng rẻ hơn vùng khác. Thậm chí sức lao động dôi dư cũng rẻ hơn. Những cái khó trên dẫn đến tỷ trọng kinh tế so với vùng đồng bằng còn hạn chế”.

Vị Phó Chủ tịch xã trăn trở: Sự chuyển biến từ khi sáp nhập về Hà Nội không phải chỉ là cơ sở hạ tầng, của cải vật chất mà còn có sự chuyển động về ý thức công việc. Từ đó người dân ý thức vị trí, khả năng và cả những khó khăn của mình để phấn đấu, tự thân thoát nghèo.

 “Từ thực tế nỗ lực của người dân cho thấy, đời sống của người dân Thủ đô nói chung và người dân vùng xa ở đây thì để có một cuộc sống tương đương với ngoại thành Hà Nội còn là cả một quá trình và chỉ hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng là chưa đủ. Chính vì thế, chúng tôi hy vọng đào tạo nghề đáp ứng được phần nào nguồn nhân lực lao động nông thôn”- Ông Thành cho biết.

Từ năm 2012 đến nay, địa phương đã mở được 16 lớp học nghề với trên 550 người. Tuy nhiên, điều trăn trở là khi đã có nghề rồi thì động lực nào để người nông dân phát triển được nghề bởi liên quan đến đồng vốn cho sản xuất và nguồn cung cầu. Vấn đề này ở góc độ địa phương không thôi thì khó có thể giải quyết được!?.

Hiện nay, Khánh Thượng trọng tâm đào tạo các nghề phù hợp với điều kiện địa phương như trồng nấm, 175 học viên nghề nấm đã được cấp chứng chỉ nghề. Một số điểm đã trồng nấm bán ra thị trường và để sinh hoạt gia đình. Nhưng chỉ sản xuất nấm rơm thông thường thì họ làm quá đơn giản, có thu nhập nhưng không phải để làm giàu được. Nếu có sự hỗ trợ đầu mối tiêu thụ hay cộng tác khác để làm ra nấm dược liệu như nấm linh chi hay một số loại nấm khác thì sẽ bền vững, lâu dài và thu nhập sẽ cao hơn. Nếu người học nghề nấm không có khả năng mở xưởng chế biến trồng nấm sẽ được tuyển dụng để làm xí nghiệp hay một HTX sản xuất nấm và đương nhiên người làm nghề nấm có việc làm ổn định. Ngoài ra, xuất phát từ thực tế địa phương tổ chức dạy nghề cho người chăn nuôi sơ cấp thú y, dạy may công nghiệp, tận dụng sức lao động nông nhàn và thời gian dôi dư.

Nằm bên con sông Đà, Khánh Thượng có vị trí thuận lợi cho phát triển du lịch

Sở hữu một núi Tản giàu huyện thoại, cùng phong cảnh tự nhiên phong phú suối, thác, núi, đồi, rừng… nếu Sơn Tây, Ba Vì mở ra vùng rừng sinh thái có các trung tâm để tổ chức hội nghị, hội thảo sẽ kéo theo được các dịch vụ ăn theo của đồng bào ở đây. Người dân có thể bán được nông sản phẩm, hoa cây cảnh, vật nuôi họ làm ra đúng tầm giá trị.

Những vấn đề này, được nhìn nhận có chiến lược và cụ thể thì đây sẽ là cơ hội để vùng đất này thoát ra khỏi lề lối sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung, tự cấp.

Trước khi chia tay, Phó Chủ tịch Nguyễn Trung Thành chia sẻ: “Những khó khăn này của địa phương không phải hôm nay, ngày mai và trước mắt mà rất cần tầm nhìn xa đối với sự phát triển của vùng đất này”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Ðiều chỉnh địa giới 2 tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang
Ðiều chỉnh địa giới 2 tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang

Chính phủ vừa ra 2 Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang

Ðiều chỉnh địa giới 2 tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang

Ðiều chỉnh địa giới 2 tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang

Chính phủ vừa ra 2 Nghị quyết điều chỉnh địa giới hành chính hai tỉnh Tiền Giang và Kiên Giang

Cấp nào quyết định điều chỉnh địa giới hành chính?
Cấp nào quyết định điều chỉnh địa giới hành chính?

(VOV) -Nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền quyết định điều chỉnh địa giới hành chính là Quốc hội, UBTV Quốc hội.

Cấp nào quyết định điều chỉnh địa giới hành chính?

Cấp nào quyết định điều chỉnh địa giới hành chính?

(VOV) -Nhiều ý kiến cho rằng thẩm quyền quyết định điều chỉnh địa giới hành chính là Quốc hội, UBTV Quốc hội.