Vùng đất La Bá không còn “khô, khó, khổ”

VOV.VN - Nói đến vùng đất cách mạng huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, không thể không kể đến La Bá - một địa danh ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử hào hùng của dân tộc. La Bá - vùng đất “khô, khó, khổ” ngày nào, nay đang từng ngày đổi thay, vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

 

Vượt lên gian khó

Theo chân các cựu chiến binh xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, chúng tôi tìm về với vùng đất La Bá trong những ngày tháng 4 này, trời nắng hanh khô, lá rừng rụng nhiều, còn lại đó là những thân cây gầy xơ trơ lá. Điểm đầu tiên mà các cựu binh đưa chúng tôi đến là bia tưởng niệm vùng kháng chiến chống Mỹ cây Dầu Ba.

Ông Nguyễn Văn Minh, người đã từng sống và làm việc ở nơi này cách đây hơn 49 năm cho biết, tại đây, từ ngày 11-13/5/1972, quân ta tổ chức “Đại hội nhân dân đổi đời” có 25 đại biểu các dân tộc ở trong vùng căn cứ, vùng tạm chiến trong huyện về tham dự.

“Đây là vùng kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là địa điểm mà các cơ quan, quân khu, tỉnh, huyện  tập trung tại đây, cây Dầu Ba này. Thời đó khó khăn lắm, di chuyển theo con đường dốc này”, ông Minh nói.

Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, hàng trăm thanh niên xung phong tình nguyện lên La Bá xây dựng khu kinh tế mới. Đến năm 1978 đã hình thành các khu kinh tế mới gồm khu 1, khu 2 - La Bá. Tại khu kinh tế lúc này có lớp học văn hóa, có cán bộ y tế khám chữa bệnh. Sau đó, 267 hộ dân với 983 khẩu (có 258 lao động) đã đồng ý ở lại và bắt tay vào sản xuất. Bước đầu còn gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn và bệnh tật nên có hộ bỏ về địa phương cũ hoặc sống theo kiểu "2 chân".

Ông Lê Sĩ Hùng, ở thôn La Bá, xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, người đã có mặt ở vùng đất La Bá từ năm 1989 cho biết, càng về sau cuộc sống được cải thiện do có sản phẩm sản xuất tại chỗ (lúa, cây ăn quả, các loại cây ngắn ngày, chăn nuôi bò đàn) cộng với sự hỗ trợ của Nhà nước về lương thực và các mặt hàng thiết yếu, đời sống các hộ dân ngày càng ổn định, gắn bó với vùng đất mới.

“Lúc mới lên đây ở đây có gì đâu, chưa có nhà, chỉ có chòi, mà dân bỏ vào rừng lấy dầu thông, khai thác gỗ. Sau đó, khoảng 9-10 năm, Nhà nước đầu tư làm đường rồi kêu gọi người dân ở trong rừng xuống đây ở. Đầu tiên là tôi trồng xoài, sau đó là cà phê, rồi trồng nho”, ông Hùng cho hay. 

Đổi thay từng ngày

Vùng đất La Bá trước đây nay là thôn La Bá, xã Phong Phú và xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, La Bá ngày nay đã có những đổi thay mạnh mẽ. Những con đường đất gồ ghề, sỏi đá ngày nào đã được thay thế bằng những con đường bê tông phẳng lì, rộng rãi. Hệ thống điện lưới được kéo về tận thôn, xóm, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Các trường học được xây dựng khang trang, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em. Hệ thống y tế được quan tâm đầu tư, đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Bên cạnh những đổi thay về cơ sở hạ tầng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân La Bá cũng được cải thiện rõ rệt. Nhờ có hệ thống thuỷ lợi, bà con nơi đây đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi sang các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: cà phê, sầu riêng, điều,... Nhờ đó, thu nhập được nâng lên đáng kể, đời sống của người dân ngày càng sung túc.

Trước đây, La Bá là thôn đặc biệt khó khăn của xã Phong Phú và xã Phan Dũng cũng là xã đặc biệt khó khăn. Nay, cả thôn La Bá và xã Phan Dũng đều không còn là vùng đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận cho biết: “Trên La Bá đất rất phì nhiêu, đây là vùng đất mới nên cũng nhiều mô hình như: dừa, táo, mít... rất phát triển. Đặc biệt là bưởi với sầu riêng, hiện nay có một số hộ làm khá tốt, thu nhập cao. Vùng đất La Bá giáp với Phan Dũng thời tiết mát lạnh, thiên nhiên ưu ái nên những cây trồng trên vùng đất này cũng rất tốt”.

Với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ và những di tích lịch sử giá trị, La Bá đang thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan. Nơi đây được xem là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích khám phá và trải nghiệm với cung đường Tà Năng – Phan Dũng. La Bá - vùng đất cách mạng đang đổi thay từng ngày.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đổi thay trên vùng đất Căn cứ cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa
Đổi thay trên vùng đất Căn cứ cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa

VOV.VN - Đây là căn cứ địa cách mạng của Cơ quan Khu ủy khu V, Bộ Tư lệnh Quân khu V và các cơ quan ban ngành khu V trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 - 1973).

Đổi thay trên vùng đất Căn cứ cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa

Đổi thay trên vùng đất Căn cứ cách mạng Trung Trung Bộ - Nước Oa

VOV.VN - Đây là căn cứ địa cách mạng của Cơ quan Khu ủy khu V, Bộ Tư lệnh Quân khu V và các cơ quan ban ngành khu V trong kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1960 - 1973).

Tình đất, tình người ở vùng quê cách mạng
Tình đất, tình người ở vùng quê cách mạng

VOV.VN - Xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo là một trong những địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường của tỉnh Tiền Giang.

Tình đất, tình người ở vùng quê cách mạng

Tình đất, tình người ở vùng quê cách mạng

VOV.VN - Xã Thanh Bình, huyện Chợ Gạo là một trong những địa phương có truyền thống cách mạng kiên cường của tỉnh Tiền Giang.

Đổi thay trên vùng đất cách mạng Ma Ly Pho
Đổi thay trên vùng đất cách mạng Ma Ly Pho

VOV.VN - Từ vùng đất in dấu nhiều chứng tích lịch sử trong chiến tranh bảo vệ biên giới xưa, ngày nay quân và dân Ma Ly Pho đã luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau, viết tiếp trang sử cha ông để lại, xây dựng quê hương trở thành một điểm sáng vùng biên.

Đổi thay trên vùng đất cách mạng Ma Ly Pho

Đổi thay trên vùng đất cách mạng Ma Ly Pho

VOV.VN - Từ vùng đất in dấu nhiều chứng tích lịch sử trong chiến tranh bảo vệ biên giới xưa, ngày nay quân và dân Ma Ly Pho đã luôn đoàn kết, sát cánh bên nhau, viết tiếp trang sử cha ông để lại, xây dựng quê hương trở thành một điểm sáng vùng biên.