Vướng mắc trong sửa chữa tàu vỏ thép 67 bị hư hỏng
VOV.VN - Những ngày này, các ngư dân có tàu cá đóng mới theo NĐ 67 của Chính phủ bị hỏng đã kéo tàu lên bờ để tiến hành sửa chữa.
Hiện, Công ty này đã đưa công nhân vào Hoài Nhơn để tiến hành sơn lại vỏ tàu, đợi khi có máy mới chuyển về sẽ lắp cho ngư dân. Tuy nhiên, 5 tàu cá bị hỏng vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng vẫn chưa thống nhất được phương án sữa chữa, khiến ngư dân bất an.
Vỏ thép của con tàu lộ rõ phần bị nước biển ăn mòn
Được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận, từ ngày 13/7, Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) tiến hành sửa chữa 15 tàu cá vỏ thép của ngư dân đóng mới theo NĐ 67 bị hư hỏng.
Địa điểm đưa tàu lên sửa chữa là Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan, huyện Hoài Nhơn. Hiện nay, 5 tàu cá ở huyện Hoài Nhơn được đưa lên bờ để vệ sinh vỏ tàu, sau đó phun cát, làm sạch bề mặt và sơn lại vỏ tàu theo đúng hợp đồng đã ký kết giữa ngư dân và Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an).
Ông Nguyễn Công Đồng, chủ tàu cá vỏ thép BĐ-99047TS ở xã Hoài Thanh, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định cho biết, hàng ngày, ngư dân ra tàu phụ giúp công nhân Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) sửa chữa tàu cho kịp ra khơi.
Tuy nhiên, việc khắc phục, sửa chữa tàu cá của ngư dân Trần Đình Sơn ở huyện Phù Mỹ vẫn còn vướng mắc. Tàu cá của ông Sơn được lắp đặt máy chính hiệu Doosan, Hàn Quốc, nhưng phía đơn vị cung cấp máy không chấp nhận thay máy mới mà chỉ đồng ý thay linh kiện mới. Do đó, ngư dân Trần Đình Sơn không đồng tình, nên việc sửa chữa tàu này tiếp tục thương thảo.
Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Bộ Công an) cho biết: Đơn vị đang huy động công nhân phun nước ngọt, vệ sinh sạch sẽ vỏ tàu. Sau đó, tiến hành sơn 5 lớp theo đúng quy chuẩn, dưới sự giám sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định và Cục Đăng kiểm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Về trường hợp tàu của ngư dân Trần Đình Sơn, ông Bùi Hữu Hùng cho biết: "Về phía tỉnh đề nghị Công ty và hãng máy thay máy mới. Nhưng vướng mắc là phía hãng DOOSAN (Hàn Quốc) chỉ chấp thuận việc thay toàn bộ linh kiện mới và đề nghị làm rõ nguyên nhân hư hỏng máy. Đến giờ phút này về phía công ty vẫn giữ quan điểm nếu như hãng DOOSAN không đồng ý thay máy mới thì sẽ tổ chức cuộc họp, mời Trung tâm Đăng kiểm, Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn, hãng máy DOOSAN, chủ tàu cùng bàn thống nhất phương án sửa chữa tàu cho ông Trần Đình Sơn sớm nhất."
Trong khi ngư dân huyện Hoài Nhơn ngày ngày tất bật với con tàu của mình, hy vọng sớm ra khơi, thì ở các huyện Phù Cát, Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, ngư dân lại đứng ngồi không yên. 5 tàu vỏ thép được đóng mới tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đều bị hỏng phần vỏ thép.
Tàu của ngư dân huyện Hoài Nhơn đang được phun nước ngọt vệ sinh vỏ tàu
Phía sau đuôi con tàu lộ rõ bị ăn mòn khi phun nước ngọt
Theo kết luận của Tổ công tác thẩm định tỉnh Bình Định, 5 tàu cá này được đóng bằng thép Trung Quốc không đúng theo hợp đồng; trong đó có 3 tàu đóng bằng thép chất lượng A, còn lại 2 tàu không đảm bảo chất lượng A. Tỉnh Bình Định yêu cầu Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải thay toàn bộ bằng thép đúng theo hợp đồng đối với 2 tàu cá này.
Những con tàu đã được kéo lên đà đợi sửa chữa |
Khi kéo lên bờ mới thấy rõ phần vỏ tàu chìm dưới nước bị hư hỏng hết |
6 tàu vỏ thép của ngư dân huyện Hoài Nhơn bị hỏng đã được kéo lên bờ để tiến hành sửa chữa |
Ông Nguyễn Văn Mạnh, chủ tàu cá BĐ 99567TS ở huyện Phù Mỹ than phiền, 5 gia đình gồm ông và các con cứ chờ đợi kéo dài chắc không sống nổi. Ông Mạnh nói: "Bây giờ mà thay toàn bộ tôn Hàn Quốc hay tôn Nhật Bản, thời gian từ 6 tới 8 tháng thử hỏi sức lực đâu nữa. 8 tháng nữa mới đi làm thì kinh tế ở đâu để trang trải cuộc sống hàng ngày chứ chưa nói tới chuyện nợ nần của ngân hàng hay nhà nước. Cũng mong các cơ quan ban ngành tạo điều kiện thế nào để hài hòa đôi bên."