Vướng mặt bằng, thiếu vật liệu, thi công cao tốc Bắc-Nam kiểu “xôi đỗ”
VOV.VN - Ngoài nguồn cung nguồn vật liệu, các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng và việc hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, còn nhà thầu vẫn đang phải thi công kiểu “xôi đỗ”.
Mặt bằng, khu tái định cư cản tiến độ
Theo thống kê Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT, các dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 vẫn đang vướng mặt bằng để các ban quản lý dự án, nhà thầu thi công. Nếu công tác này không hoàn thành đúng hẹn, công trình này sẽ khó có thể về đích đúng thời gian theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ GTVT.
Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho biết, đến nay công tác giải phóng mặt bằng Cao tốc Bắc-Nam đã hoàn thành và bàn giao khoảng 653/721,25km (đạt khoảng 90,5%). Tuy nhiên, nhiều dự án thành phần hiện nay đang vướng mặt bằng “xôi đỗ,” chờ hoàn thành các khu tái định cư.
Cụ thể, hiện có tổng số 41.290 hộ dân có đất phải thu hồi, trong đó khoảng 5.806 hộ dân phải bố trí tái định cư tại 150 khu tái định cư, gồm 147 khu xây dựng mới và 3 khu đã có sẵn.
Tính đến nay, mới có 42/147 khu tái định cư được hoàn thành (đạt khoảng 28,5%). Các dự án còn lại vẫn đang trong quá trình lập dự án và triển khai thi công, chưa đáp ứng giao nền tái định cư cho hộ dân, làm chậm công tác giải phóng mặt bằng.
Về công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật, đối với đường dây 220-500kV đang triển khai di dời 77/143 vị trí; đường dây 110kV và đường dây trung, hạ thế, đang triển khai di dời 562/1531 vị trí, hoàn thành 257/562 vị trí.
Khẳng định toàn bộ công tác giải phóng mặt bằng hiện nay được giao cho địa phương làm chủ đầu tư tiểu dự án, tổ chức triển khai thực hiện, tuy nhiên, phía Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho rằng năng lực của chủ đầu tư là cấp huyện còn hạn chế so với chủ đầu tư là các đơn vị cấp tỉnh, nhất là đối với việc di dời hạ tầng kỹ thuật.
“Dù được Chính phủ cho áp dụng cơ chế đặc thù về tái định cư nhưng thủ tục triển khai vẫn cần có thời gian, từ việc phê duyệt quy hoạch, lập dự án đầu tư, lựa chọn nhà thầu tư vấn, lựa chọn nhà thầu xây lắp…”, đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng cho hay.
Thiếu cát và vật liệu thi công
Là chủ đầu tư dự án Cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn với chiều dài hơn 88km, tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng, ông Cao Việt Hùng, Phó Giám đốc Ban QLDA 2 đánh giá sau 8 tháng dự án khởi công, đến nay mặt bằng vẫn chưa được bàn giao như kế hoạch đề ra.
Cụ thể, nhà thầu thi công dự án mới tiếp cận thi công được hơn 46/60,3km. Trong đó, gói thầu XL1 nhận bàn giao hơn 25/30km, trong đó chiều đoạn tuyến đã bàn giao thực địa gần 24km và chiều dài đoạn tuyến đủ điều kiện thi công hơn 22km.
Gói thầu XL02, tiếp nhận gần 25/27,2km nhưng chiều đoạn tuyến có thể tiếp cận thi công mới nhỉnh hơn 20km, bao gồm cửa vào các vị trí hầm số 1 và 2. Riêng gói thầu XL03 cơ bản mặt bằng đáp ứng tốt.
“Để đảm bảo mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án thuận lợi, ban quản lý dự án đề nghị tỉnh quan tâm thực hiện rốt ráo công tác giải phóng mặt bằng, nhất là giải quyết các tồn tại, vướng mắc trên các đoạn đã được bàn giao và tháo gỡ các điểm nghẽn cần ưu tiên giải quyết tại huyện Mộ Đức 6 vị trí và thị xã Đức Phổ 20 vị trí ngay trong tháng 8 này. Đẩy nhanh công tác di dời công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến”, ông Hùng kiến nghị.
Tại dự án cao tốc Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau, hiện nay còn nhiều vị trí chưa thi công được do mặt bằng chưa liên tục, còn nhiều vị trí "xôi đỗ", nhiều đoạn chưa thể thi công.
Ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết, sau gần 8 tháng thi công, cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau sản lượng thi công dự án đạt 8,1% hợp đồng, chậm 5,6% so với tiến độ dự án.
Trong đó, tỉnh Hậu Giang có hai vị trí (cầu Giải Phóng, cầu Giồng Cấm); tỉnh Kiên Giang có ba vị trí tiếp giáp (cầu Cái Nhum, cầu Cạnh Đền - Phó Sinh, cầu Láng Cùng).
Phía các nhà thầu cũng chưa quyết liệt khắc phục khó khăn, chưa tìm giải pháp thi công, huy động thiết bị chưa kịp thời và chưa đủ như cam kết.
“Đoạn Cao tốc Cần Thơ-Hậu Giang, hai khu tái định cư tại Hậu Giang mới bắt đầu triển khai từ cuối tháng 8 nên chưa xong. Dự án đoạn Hậu Giang-Cà Mau, 2 khu tái định cư trên địa bàn tỉnh Hậu Giang cũng đang được xây dựng, dự kiến cuối tháng 9 này mới có thể bàn giao nền. Một khu tái định cư tại Kiên Giang mới hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa xây dựng”, ông Tuân cho hay.
Ngày 5/9, tại TP Cần Thơ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác đã đi khảo sát các tuyến cao tốc trên địa bàn TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang; làm việc với các địa phương về triển khai các dự án giao thông trọng điểm vùng ĐBSCL.
Tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, rất lo lắng về chuyện thiếu vật liệu - thiếu cát xây dựng các tuyến cao tốc trọng điểm trong vùng. Đồng thời yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, nhà thầu và lãnh đạo các địa phương vùng ĐBSCL chỉ ra nguyên do chậm tiến độ thi công. Phải tìm nguyên nhân để tháo gỡ khó khăn, có giải pháp xoay chuyển, giữ đúng tiến độ thi công các công trình cao tốc.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà lưu ý các địa phương ĐBSCL: "Cần phải đảm bảo cung đủ nguồn vật liệu cát cho đơn vị thi công, nhưng cũng phải thận trọng đánh giá tổng thể các tác động môi trường, nhất là không để xảy ra sạt lở, để cân bằng trong sự phát triển của ĐBSCL”.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các bộ ngành cùng các địa phương phải phối hợp với nhà thầu, điều phối linh động để đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến cao tốc. Trong đó, 3 địa phương như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long phải đảm bảo cung cấp số lượng cát như cam kết trước đây. Sẽ thành lập tổ công tác để phối hợp tháo gỡ khó khăn trong quá trình thi công các tuyến cao tốc trọng điểm tại ĐBSCL. Không thể để tình trạng họp đi họp lại mà không giải quyết được vấn đề.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tin tưởng, khi các bộ ngành, địa phương và nhà thầu phối hợp chặt chẽ, quyết liệt vào cuộc sẽ vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ thi công các dự án giao thông trọng điểm trong vùng.
Trước việc cao tốc Bắc –Nam tiếp tục bị chậm, Bộ GTVT đề nghị các địa phương liên quan khẩn trương thực hiện các thủ tục, bàn giao nền tái định cư cho các hộ dân. Đặc biệt, nếu công tác tái định cư còn chậm trễ, cao tốc Bắc-Nam sẽ khó có được mặt bằng sạch 100% trong quý 3/2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ GTVT, khu vực ĐBSCL có 4 dự án trọng điểm với tổng chiều dài là 355km, tổng mức đầu tư khoảng 82.871 tỷ đồng. Tổng nhu cầu đá các loại khoảng 6,6 triệu m3, đất đắp khoảng 4,7 triệu m3, cát đắp nền khoảng 53,68 triệu m3. Đối với vật liệu đá, đất tại các mỏ đang khai thác trong khu vực đã cơ bản đảm bảo đủ trữ lượng, chất lượng đáp ứng nhu cầu theo tiến độ các dự án.
Đối với vật liệu cát, theo số liệu khảo sát đến thời điểm hiện tại, nguồn cát sông đảm bảo chất lượng cung cấp cho các dự án chủ yếu tại các tỉnh ven sông Tiền và sông Hậu đi qua. Trong đó, trữ lượng lớn tập trung tại tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Sóc Trăng; là các tỉnh có nguồn cát đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cho các dự án.
Để bảo đảm đủ nguồn cát đắp cho các dự án, Thủ tướng Chính phủ đã hết sức quan tâm, trực tiếp kiểm tra, làm việc và có nhiều văn bản chỉ đạo các tỉnh bố trí đủ nguồn vật liệu để đẩy nhanh tiến độ các dự án và giao chỉ tiêu cho các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long ưu tiên bố trí ngay cho dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau.
Tổng nhu cầu cát cho Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau khoảng 18,1 triệu m3. Trong đó năm 2023 cần 9,1 triệu m3, năm 2024 cần 9,0 triệu m3. Đối với Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, tổng nhu cầu cát đắp nền cho dự án khoảng 28,91 triệu m3. Trong đó năm 2023 cần 6,8 triệu m3, năm 2024 cần 13,16 triệu m3, năm 2025 cần 8,95 triệu m3.
Cao tốc Bắc - Nam phía đông đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 110km được phân thành hai dự án thành phần gồm Cần Thơ - Hậu Giang và Hậu Giang - Cà Mau.
Thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km, trong đó qua địa bàn thành phố Cần Thơ khoảng 600m, qua tỉnh Hậu Giang hơn 37km. Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.