WHO khuyến cáo Việt Nam sau khi COVID-19 không còn là tình trạng y tế khẩn cấp
VOV.VN - Sau tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về việc COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu, trưởng đại diện WHO tại Việt Nam đã có khuyến cáo cụ thể về phòng, chống dịch thời gian tới.
Theo nhận định của TS Angela Pratt - Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, COVID-19 có điểm tương đồng với cúm mùa. Tuy nhiên, COVID-19 không bùng phát theo mùa: "Các nhà khoa học đang tiếp tục nghiên cứu về COVID-19 và có thể nói rằng quá sớm để khẳng định COVID-19 giống như bệnh cúm mùa".
Chiều 8/5, tại cuộc họp báo về công tác phòng, chống dịch COVID-19, TS Angela Pratt đã lý giải thêm về lý do WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn câu (PHEIC). Bà Angela Pratt cho biết, hiện nay tình trạng thích ứng với COVID-19 đã tốt hơn, mức độ nghiêm trọng lây truyền của dịch bệnh đã giảm, tương tự số ca nhập viện, ca nặng cũng giảm và COVID-19 đã không còn là sự kiện khẩn cấp.
Tuy nhiên, đại diện WHO tại Việt Nam một lần nữa khẳng định, WHO tuyên bố COVID-19 không còn là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp gây quan ngại toàn cầu nhưng không có nghĩa là COVID-19 không còn là mối đe dọa hay COVID-19 ít nguy hiểm hơn.
"Tôi luôn mang theo khẩu trang, điều này có nghĩa là COVID-19 không biến mất mà luôn hiện hữu bên cạnh chúng ta. WHO tuyên bố chấm dứt tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu nhưng không có nghĩa là đại dịch COVID-19 chấm dứt", Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc nếu chuyển bệnh COVID-19 từ nhóm A sang nhóm B thì liệu có nên coi COVID-19 như bệnh cúm mùa? Trưởng đại diện WHO đưa ra 2 luận điểm: Thứ nhất, có điểm tương đồng giữa COVID-19 và cúm mùa. Thứ hai, tuy vậy, COVID-19 không bùng phát theo mùa. COVID-19 đã xuất hiện ở các nước, nhiều khu vực khác nhau. Do đó, COVID-19 vẫn là căn bệnh vô cùng mới.
Tại cuộc họp báo, TS Angela Pratt cũng bày tỏ đánh giá cao các biện pháp ứng phó của Việt Nam trước đại dịch COVID-19. Với tất cả các biện pháp phòng, chống dịch đã triển khai, Việt Nam đã thành công trong kiểm soát đại dịch. Ngay từ khoảng cuối năm 2021 đến nay, Việt Nam đã chuyển biện pháp ứng phó linh hoạt với COVID-19 để vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế xã hội.
TS Angela Pratt nhấn mạnh: "Đây không phải là lúc chúng ta nghỉ ngơi, số ca mắc vẫn tăng, vẫn có ca bệnh cần chăm sóc đặc biệt và vẫn có tử vong. Vì thế, dù miễn dịch trong cộng đồng do mắc phải và tiêm vaccine cao nhưng chúng ta vẫn phải cảnh giác và có biện pháp thích hợp".
Thống kê mới nhất ngày 8/5 do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho thấy, trong 24 giờ qua, Việt Nam ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mới.
Cùng ngày, có 474 bệnh nhân được công bố điều trị khỏi. Trong số các ca đang điều trị có 84 bệnh nhân đang thở oxy, gồm 74 ca thở oxy qua mặt nạ, 7 ca thở oxy dòng cao HFNC, 2 ca thở máy không xâm lấn, 1 ca thở máy xâm lấn. Trong ngày ghi nhận 1 ca tử vong tại Tây Ninh./.
Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.197 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/231 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 141/231 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/50(xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 29/50 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).