Xã đảo Tam Hiệp, Bến Tre vào Xuân
VOV.VN - Cùng với các nơi, không khí mùa Xuân đã tràn về cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Dù nằm giữa dòng sông Tiền nhưng không khí vui Xuân, đón Tết nơi đây không kém phần vui tươi, ấp áp.
Bến phà ngang sông Tiền đưa khách qua lại cồn Tam Hiệp những ngày Xuân về, Tết đến khá nhộn nhịp, ai cũng mong sớm qua phà để về nhà vui Xuân, đón Tết với gia đình.
Năm qua, nhờ nỗ lực trong lao động, sản xuất, đời sống người dân xã Tam Hiệp ổn định và vươn lên. Mô hình kinh tế vườn với gần 600 ha đất trồng các loại nhãn, bưởi da xanh, dừa xiêm xanh đã giúp nông dân ổn định cuộc sống; mức bình quân bình quân đầu người ở xã là 65 triệu đồng/năm.
Gần đây, tại xã Tam Hiệp còn phát triển nhiều mô hình du lịch sinh thái, home stay, thu hút cả khách ngoài nước đến tham quan, nghỉ mát. Vào dịp Tết này, lượng du khách có tăng lên nhiều so với ngày thường. Những tiến cười, tiếng hát vang lên vào ngày Tết đã làm cho xứ cồn nơi đây nhộn nhịp hẳn lên.
Ông Nguyễn Văn Chấn, nông dân ở ấp 1, xã Tam Hiệp trồng 05 công lá sâm, sản xuất cây giống cung cấp cho thị trường các nơi và kết hợp phục vụ khách tham quan, giải khát cho thu nhập vài trăm triệu đồng/năm. Tết này gia đình ông Chấn rất vui, vì mô hình sản xuất, kinh doanh ngày càng hiệu quả, ổn định cuộc sống: “Vườn này trồng 9 năm rồi, vườn lá sâm lớn nhất Miền Tây. Mình đã kết hợp với người dân đem con giống lại cho người ta trồng, hướng dẫn cho người ta trồng mấy ha rồi. Mình lấy lá lại đưa đi thành phố, trồng dễ lắm, không khó gì. Ngày 30 tết thì con cháu về chơi mười máy đứa, thịt cá mình mua đầy đủ. Hàng hóa ngoài chợ đầy đủ hết, cò tiền mua gì chẳng có”.
Những ngày cận Tết cổ truyền, nhà vườn cồn Tam Hiệp rất phấn khởi vì giá nhãn Xuồng Cơm Vàng sốt giá, từ vài chục nghìn đồng/kg tăng lên trên 50 nghìn đồng/kg, có nguồn thu nhập khá. Đây là nguồn thu nhập quan trọng của người dân xã đảo Tam Hiệp cũng như các xã viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Tam Hiệp. Ông Lê Quốc Dũng, Giám đốc HTX Nông nghiệp Tam Hiệp cho biết, hầu hết các mặt hàng của HTX sản xuất gần Tết khá hút hàng nên bà con xã viên rất hân hoan vui Xuân, đón Tết.
Ông Dũng nói: “Dịp Tết cổ truyền chỗ HTX nông nghiệp Tam Hiệp đưa ra một số sản phẩm; trong đó có Tắc- Xí muội- Mật ong và một số sản phẩm khác như: nhãn xuồng cơm vàng, dừa xiêm xanh giao cho các đối tác. Đời sống của các thành viên trong HTX ổn định ăn Tết vui vẻ, ấm áp”.
Là xã đảo bốn bề sông nước, thời gian gần đây, Tam Hiệp được sự quan tâm, hỗ trợ của các Bộ, ngành Trung ương và tỉnh Bến Tre đã giúp người dân nơi đây nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là đường giao thông nông thôn, đê kè. Toàn xã chỉ còn 24 hộ nghèo, chiếm tỉ lệ 3,28%. Đường sá, cơ sở hạ tầng được đầu tư, nâng cấp. Tam Hiệp đã xây dựng đạt 16/19 tiêu chí xã của nông thôn mới và phấn đấu đến quý 2 năm nay ra mắt xã nông thôn mới.
Để giúp người dân xã đảo vui Xuân đón Tết cổ truyền, chính quyền, đoàn thể địa phương đã vận động kinh phí từ các doanh nghiệp, nhà hảo tâm tổ chức tặng quà cho tất cả các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn từ 3-4 phần quà/hộ, mỗi phần quà trị giá từ 300.000-500.000 đồng. Do đó, không khí vui Xuân, đón Tết cổ truyền Giáp Thìn 2024 nơi sông nước này vẫn vui tươi, khí thế như trong đất liền.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Chủ tịch UBND xã Tam Hiệp cho biết thêm: “Tết năm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Tam Hiệp có bước chuẩn bị. Trước hết vận động bà con vui Xuân, đón Tết an toàn, tiết kiệm, đầm ấm, mỗi gia đình đều có Tết. Về góc độ của chính quyền địa phương cũng vận động các mạnh thường quân để hỗ trợ quà cho gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xã cũng tổ chức các hoạt động văn nghệ tại địa bàn của trung tâm xã, các trường học mẫu giáo, cấp 1, cấp 2 để vui Xuân, đón Tết”.
Cồn Tam Hiệp, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre những ngày này gió chướng từ biển thổi vào rất mạnh nhưng người dân nơi đây cảm thấy ấm áp giữa tình đất, tình người. Xuân về, Tết đến là dịp để mọi người nơi đây chia sẻ niềm vui, xích lại gần nhau để cùng thắp lên ngọn lửa yêu thương nghĩa tình, xây dựng niềm tin để năm mới thành tích mới, người dân được ấm no, hạnh phúc.