Xâm hại tình dục ở trường học: Ai phải chịu trách nhiệm?
VOV.VN - Không chỉ thủ phạm, những người liên quan, mà lãnh đạo ngành giáo dục cũng cần chịu trách nhiệm trước vụ hàng loạt học sinh bị xâm hại tình dục.
Nhà trường được cho là nơi an toàn với trẻ, thế nhưng, thời gian gần đây, không chỉ xảy ra những vụ bạo lực học đường giữa giáo viên với học sinh, đáng sợ hơn thế là những vụ xâm hại tình dục ngay phía sau cánh cổng trường học.
Việc thầy giáo Đinh Bằng My (hiệu trưởng trường Dân tộc Nội trú THCS Thanh Sơn huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vừa bị bắt giam về tội dâm ô nhiều học sinh nam trong thời gian dài đã khiến dư luận không khỏi phẫn nộ, hoang mang, đặt ra câu hỏi, đâu là nơi an toàn với trẻ?
BS Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH). |
BS Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng, đây là câu chuyện đáng buồn của ngành giáo dục: “Trong môi trường giáo dục sạch sẽ là thế, nhưng lại để xảy ra các vấn đề như vậy, khiến bất cứ ai cũng phải ghê tởm. Là một hiệu trưởng, đi rao giảng đạo đức, phòng chống xâm hại tình dục lại có hành vi xâm hại nhiều em, nhiều lần, đến giờ mới bị phanh phui. Để đến khi các em phải sợ hãi, đòi bố mẹ chuyển trường, nghỉ học, mọi chuyện mới được đưa ra ánh sáng”. Đặc biệt, BS Nguyễn Trọng An cũng bất ngờ, khi sự giả dối, xấu xa được che đậy bởi cái danh của “người thầy”.
Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ và Chăm sóc trẻ em cũng cho rằng, không thể có chuyện sự việc diễn ra trong thời gian dài, nhưng lại không ai biết. “Cần điều tra và xử lý nghiêm yêu râu xanh, nhưng cũng cần truy trách nhiệm những kẻ liên quan, dù biết nhưng vẫn che giấu mọi việc. Thậm chí có em học sinh đã nói rằng có lúc do cô tổng phụ trách dẫn các em lên gặp thầy Hiệu trưởng, có thầy giáo trong trường còn hỏi trêu chọc các em rằng có được thầy hiệu trưởng cho ăn kẹo mút không. Nhưng sao họ lại không dám tố cáo. Câu trả lời có lẽ là sợ áp lực cấp trên, sợ bị trù dập, ảnh hưởng của cá nhân. Đây thực sự là sự xuống cấp của đạo đức. Trong khi đó, hiệu phó nhà trường vẫn khăng khăng bảo vệ danh dự của trường, cần điều tra và xử lý nghiêm những kẻ che giấu và đồng lõa với tội ác’, ông An bức xúc.
Từ thực tế kinh nghiệm của bản thân, ông An cho rằng, đây là sự việc được bộc lộ, tuy nhiên, nhiều trường dân tộc nội trú, các lớp học biệt lập ở vùng sâu vùng xa vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về xâm hại tình dục, nhưng thủ phạm lại không bị phanh phui. Do đó, cần có sự rà soát lại toàn bộ các trường dân tộc nội trú biệt lập.
Bảo vệ trẻ bằng cách nào?
Cũng theo BS Nguyễn Trọng An, khi nói đến xâm hại tình dục, thường nhắc nhiều đến trẻ em gái. “Thậm chí nhiều người lớn, bố mẹ còn cho rằng, trẻ em trai nếu bị xâm hại cũng sẽ không nguy hiểm. Nhưng bản thân tôi đã từng chứng kiến những bé trai ở các phố tây như Phạm Ngũ Lão TP HCM bị nhiều ông Tây ấu dâm, xâm hại tình dục, hậu môn lở loét, nhiễm HIV/AIDS. Những gì mà các em phải chịu đựng thực sự kinh khủng, chứ không chỉ đơn giản là sờ mó. Các em bị tổn tại về tinh thần vô cùng nghiêm trọng, thậm chí còn nặng nề hơn cả các bé gái”.
Bác sỹ An cho rằng, những trẻ em nam bị xâm hại thường có nguy cơ bị trầm cảm, tự tử, có xu hướng tự làm thương chính mình, trở nên hung hãn, tủi hổ và bị ám ảnh cả đời. Những bé trai lớn lên nếu không được giáo dục tốt, sẽ có nguy cơ xâm hại những người khác.
Để phòng ngừa, giữ an toàn cho trẻ trước nguy cơ bị xâm hại, BS Nguyễn Trọng An cho rằng, các bậc phụ huynh cần đặc biệt quan tâm đến giáo dục trong gia đình, cần trang bị cho trẻ những kiến thức để bảo vệ bản thân trước những nguy hiểm.
Bố mẹ nên cho con biết cơ thể là sự riêng tư mà không ai được động vào. Khi con gặp nguy hiểm, cần biết nói không, gào khóc, kêu to và báo cho người lớn biết.
Muốn vậy, tại các địa phương cần có mạng lưới đội ngũ CTV bảo vệ trẻ em ở cộng đồng, phát hiện nguy cơ cao, tuyên truyền những kiến thức cho chính những bậc cha mẹ và chăm sóc trẻ. Cùng với đó, trong nhà trường cũng cần lồng ghép các giờ dạy về kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ.
Cuối cùng, cần đẩy mạnh cơ chế giám sát. UBND các xã, huyện phải giám sát chặt các văn hóa phẩm đổi trụy, các phim ảnh dâm dục. Cơ quan bảo vệ pháp luật phải thực thi nghiêm minh các vụ việc, tránh đánh tráo khái niệm, giảm nhẹ tội. đó là sự bất công, không minh bạch, khiến nhiều vụ xâm hại tiếp tục bùng phát.
Hơn hết, cần nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu khi cấp dưới đã có những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật./.
Từ vụ Hiệu trưởng xâm hại tình dục: Cách nào để bảo vệ học sinh?
Vì thành tích, nhiều vụ xâm hại tình dục không được đưa ra ánh sáng