Xây đập ngăn mặn kiên cố trên sông Cẩm Lệ có ảnh hưởng thoát lũ?

VOV.VN - Việc xây dựng đập ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp cầu giao thông có ảnh hưởng đến việc thoát lũ hay không?

Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng vừa có văn bản gửi HĐND, UBND thành phố về việc bổ sung công trình ngăn mặn vào quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Theo Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng, UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất xây dựng mở rộng cầu Hòa Xuân tại vị trí cách cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ khoảng 4.500m về phía hạ lưu. Từ chủ trương này, Công ty đề xuất phương án xây dựng công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp cầu giao thông. Công trình này nhằm đảm bảo nguồn cấp nước thô ổn định cho thành phố Đà Nẵng tiết kiệm chi phí đầu tư chung cho Nhà nước.

Công trình ngăn mặn trên sông Cẩm Lệ kết hợp mở rộng cầu Hòa Xuân gồm các hạng mục đầu tư xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp cầu giao thông rộng 12,75m gồm 7 nhịp, mỗi nhịp dài 42m. Ngoài ra, công trình còn có âu thuyền ở bờ phải để đảm bảo giao thông đường thủy. Tổng chi phí đầu tư dự kiến khoảng 410 tỉ đồng.

Ông Hồ Minh Nam, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng khẳng định, phương án xây dựng công trình ngăn mặn kết hợp cầu giao thông sẽ có chi phí đầu tư thấp, vận hành thuận lợi, tiết kiệm ngân sách. Công trình cũng góp phần tạo thêm một nhánh sông nước ngọt từ cầu Hòa Xuân đến Túy Loan giảm nhiễm mặn cho sản xuất nông nghiệp các xã ven sông Cẩm Lệ thuộc huyện Hòa Vang.

Việc kết hợp này cũng giúp vùng ngọt hóa rộng hơn, chất lượng nước sau khi xử lý tốt hơn, chủ động phát triển nguồn cấp nước theo tốc độ phát triển đô thị, đảm bảo nguồn nước cho thành phố.

Trả lời câu hỏi về việc công trình này có ảnh hưởng việc thoát lũ hay không, ông Hồ Minh Nam cho biết, khi xây dựng đập sẽ tính toán triệt để vấn đề thoát lũ. Công nghệ xây dựng đập hiện nay rất nhiều tỉnh thành ở miền Trung đã áp dụng thành công.

“Khi có lũ, các cửa phay sẽ nằm hết xuống dưới đáy để tăng thoát lũ. Còn các trụ pin để dựa các cánh phay thì dựa theo các trụ cầu. Cho nên đập này không ảnh hưởng nhiều thoát lũ”, ông Nam cho biết thêm.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh, Phó Viện trưởng Viện Thủy điện và Năng lượng tái tạo thuộc Viện Khoa học Thủy lợi- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, hiện chỉ có 2 giải pháp xử lý vấn đề xâm nhập mặn là tăng lưu lượng xả và ngăn mặn. Tiến sĩ Đỗ Ngọc Ánh cho rằng, đối với thành phố Đà Nẵng xây đập ngăn mặn là giải pháp hợp lý bởi không ảnh hưởng việc thoát lũ.

“Về khả năng thoát lũ, gần như không ảnh hưởng. Đập này có cửa van, khi có lũ đến thì người ta hạ hoàn toàn xuống mặt đáy sông, sẽ không ngăn cản gì. Trừ trụ pin, chúng tôi tính toán diện tích của mặt cắt lòng sông tại chỗ xây dựng cống ngăn mặn này chiếm 94% mặt cắt lòng sông cũ. Cứ có lũ về là hạ xuống. Nhiễm mặn cao thì lúc đấy, đập mới được nhấc lên để tăng đầu nước từ phía trên, tăng cao trình dòng nước phía trên thân đập, xâm nhập mặn không sâu vào được”, ông Ánh cho hay.

Được biết, nguồn nước thô chính để cung cấp cho các nhà máy nước ở Đà Nẵng được lấy từ sông Cẩm Lệ nhưng những năm qua luôn bị nước mặn xâm nhập nặng. Công ty Cổ phần Cấp nước Đà Nẵng đã đắp đập tạm ngăn mặn nhưng chỉ là giải pháp tức thời.

Hiện nay, các tỉnh từ Quảng Trị đến Ninh Thuận đều đã xây dựng đập ngăn mặn kết hợp giao thông. Trong đó đập ngăn mặn Thảo Long trên sông Hương tỉnh Thừa Thiên Huế phát huy tốt tác dụng. Đập ngăn mặn kết hợp giao thông trên sông Trà Khúc, tỉnh Quảng Ngãi vốn đầu tư cả ngàn tỷ đồng. Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, vốn đầu tư hơn 700 tỷ đồng cũng đang khẩn trương xây dựng./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khánh Hòa đẩy nhanh nhiều dự án để phát huy hiệu quả đập ngăn mặn
Khánh Hòa đẩy nhanh nhiều dự án để phát huy hiệu quả đập ngăn mặn

VOV.VN - Để đối phó với hạn mặn, nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa phải làm đập ngăn mặn bằng rọ đá tạm thời nhưng không phát huy hiệu quả.

Khánh Hòa đẩy nhanh nhiều dự án để phát huy hiệu quả đập ngăn mặn

Khánh Hòa đẩy nhanh nhiều dự án để phát huy hiệu quả đập ngăn mặn

VOV.VN - Để đối phó với hạn mặn, nhiều năm qua, tỉnh Khánh Hòa phải làm đập ngăn mặn bằng rọ đá tạm thời nhưng không phát huy hiệu quả.

TPHCM ngăn nguy cơ nhiễm Covid-19 cho người bệnh mãn tính, người già
TPHCM ngăn nguy cơ nhiễm Covid-19 cho người bệnh mãn tính, người già

VOV.VN - Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh siết chặt kiểm soát khoa có người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi đang điều trị.

TPHCM ngăn nguy cơ nhiễm Covid-19 cho người bệnh mãn tính, người già

TPHCM ngăn nguy cơ nhiễm Covid-19 cho người bệnh mãn tính, người già

VOV.VN - Sở Y tế TPHCM yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh siết chặt kiểm soát khoa có người mắc bệnh mãn tính, người cao tuổi đang điều trị.

Đã khắc phục xong việc vỡ đập ngăn mặn vào rừng U Minh hạ
Đã khắc phục xong việc vỡ đập ngăn mặn vào rừng U Minh hạ

VOV.VN -UBND xã Khánh Lâm (huyện U Minh, Cà Mau) cho biết, hiện đã khắc phục xong sự cố vỡ đập ngăn mặn trên địa bàn.

Đã khắc phục xong việc vỡ đập ngăn mặn vào rừng U Minh hạ

Đã khắc phục xong việc vỡ đập ngăn mặn vào rừng U Minh hạ

VOV.VN -UBND xã Khánh Lâm (huyện U Minh, Cà Mau) cho biết, hiện đã khắc phục xong sự cố vỡ đập ngăn mặn trên địa bàn.