Xây dựng nông thôn mới góp phần tăng chất lượng cuộc sống người dân
VOV.VN - Phải có sự phân vùng và phân chia các loại nông thôn để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kể cả trung ương và địa phương.
Tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với nhận thức: Xây dựng nông thôn mới sẽ góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, qua đó, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.
Phóng viên VOV- Tây Bắc phỏng vấn ông Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên về việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương.
PV: Thưa ông, những năm qua, tỉnh Điện Biên đã tích cực triển khai chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Được biết cho đến nay, tỉnh mới có 6 xã đạt nhóm 3, từ 10 đến 14 tiêu chí và chưa có xã nào đạt nhóm 1 và nhóm 2, tức là từ 15 đến 19 tiêu chí. Xin ông cho biết những nguyên nhân cơ bản nào dẫn đến tình trạng này?
Ông Mùa A Sơn: Chương trình xây dựng nông thôn mới được Quốc hội và Chính phủ đặt ra là chương trình rất quan trọng, được đông đảo cấp ủy Đảng, chính quyền, nhất là nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy vậy, với các tỉnh miền núi biên giới phía Bắc, trong đó có tỉnh Điện Biên thì việc thực hiện các chương trình nông thôn mới gặp không ít khó khăn.
Do các xã của tỉnh Điện Biên chủ yếu là các xã có xuất phát điểm thấp, hạ tầng kinh tế - xã hội khó khăn, trình độ dân còn hạn chế. Đây là thách thức lớn trong quá trình thực hiện.
Nhu cầu cho xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn lực đầu tư thì rất lớn, nhưng tỉnh Điện Biên lại phụ thuộc chủ yếu vào ngân sách trung ương; việc huy động sức trong dân hạn chế; các doanh nghiệp trên địa bàn hoạt động cũng khó khăn, do vậy việc huy động các nguồn lực cho nông thôn mới có nhiều khó khăn. Ngoài ra, một bộ phận nhân dân, trong đó có trách nhiệm của cấp ủy Đảng tuyên truyền chưa tốt, nên nhận thức của nhân dân về chương trình nông thôn mới cũng còn hạn chế, do vậy chưa thật sự tích cực tham gia thực hiện chương trình.
PV: Xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Dù còn nhiều khó khăn như ông vừa chia sẻ, nhưng được biết trong năm nay tỉnh Điện Biên quyết tâm xây dựng 1 xã cơ bản đạt 19 tiêu chí nông thôn mới và có 2 xã đạt từ 15 đến 18 tiêu chí. Vậy tỉnh sẽ trú trọng các giải pháp gì để hoàn thành mục tiêu này?
Ông Mùa A Sơn: Có thể nói đây là mục tiêu lớn, nhưng quyết tâm chính trị của tỉnh Điện Biên cũng rất cao và chúng tôi đã quyết tâm thực hiện mục tiêu này.
Để thực hiện tốt các tiêu chí đó, chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Đây là vấn đề rất quan trọng để các cấp ủy đảng và nhân dân hiểu được nội dung của chương trình xây dựng nông thôn mới gồm có 19 tiêu chí, được phân ra nhiều nhiệm vụ để tập trung.
Đối với tỉnh Điện Biên, chúng ta phải làm thế nào tập trung để nhân dân hiểu được để tập trung thực hiện các tiêu chí về xây dựng Đảng, tiêu chí về an ninh quốc phòng và tiêu chí về giải quyết việc làm trước. Còn những tiêu chí về tăng thu nhập, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và các tiêu chí khác thì phải từng bước tiếp tục thực hiện trong thời gian tới. Như vậy là chúng tôi đã thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng là những vấn đề phù hợp thiết thực tại địa phương thì chúng ta phải làm trước.
PV: Để triển khai hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương, tỉnh Điện Biên có kiến nghị, đề xuất gì về cơ chế, chính sách, thưa ông?
Ông Mùa A Sơn: Chúng tôi thấy chủ trương của Trung ương là hoàn toàn đúng. Nhưng theo chúng tôi thì phải có sự phân vùng và phân các loại nông thôn để chúng ta đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, kể cả trung ương và địa phương. Nếu chúng ta chỉ đưa ra các tiêu chí và đưa thành nhiệm vụ chung cho các địa phương trong phạm vi toàn quốc thì rõ ràng các địa phương có điều kiện sẽ có nhiều điều kiện ưu tiên tập trung đầu tư hơn. Hai là bản thân nội tại của các xã ở các vùng đồng bằng thì đã có thực lực để phát triển rồi.
Do vậy, chúng tôi nghĩ nên có trọng tâm trọng điểm và ưu tiên nguồn lực nhiều hơn nữa từ trung ương cho các tỉnh, nhất là các xã khó khăn của các tỉnh miền núi, và các tỉnh miền núi cũng phải phân ra các loại xã khu vực 1, loại xã khu vực 2, khu vực 3…để tập trung đầu tư cho tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn ông!./.