Xây dựng thành phố thông minh không thể quên nhóm yếu thế
VOV.VN - Tiếp cận thành phố thông minh theo hướng đặt các nhu cầu con người làm trung tâm, đặc biệt nhóm yếu thế như trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật…
Cuối năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển Đô thị thông minh (ĐTTM) bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Hiện đã có 28 địa phương ban hành đề án, chương trình, kế hoạch phát triển ĐTTM, 11 địa phương đã ban hành kiến trúc công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) phát triển ĐTTM. Phát triển ĐTTM bước đầu ghi nhận một số kết quả khả quan nhưng vẫn còn nhiều tồn tại cần giải quyết. Một trong số đó là đối tượng được thụ hưởng.
Nhóm yếu thế cần được chú trọng khi xây dựng thành phố thông minh
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp khoa học công nghệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), đối với các nước đang xây dựng mô hình ĐTTM, sự phát triển của công nghệ mới rất nhanh chóng, giúp cho con người có cuộc sống tốt hơn, đem đến lợi ích to lớn. Tuy nhiên điều này cũng đem đến bất bình đẳng trong xã hội bởi những người yếu thế như người già, người khuyết tật càng có nguy cơ bị bỏ lại xa lại phía sau, do không được trang bị kiến thức, thiết bị để theo kịp công nghệ mới. Đây chính là thách thức vô cùng lớn cho mỗi gia đình, địa phương và cả xã hội.
“Tại Việt Nam, nhận thức về vấn đề này còn hạn chế. Nhiều chương trình đào tạo, huấn luyện trong các lĩnh vực về chuyển đổi số, song vẫn chưa bao quát đến được nhóm người yếu thế, khuyết tật… bị hạn chế khi tham gia vào môi trường công nghệ mới đó. Việt Nam đang phải đối mặt nhiều vấn đề lớn, thì các nhóm yếu thế cũng là đối tượng cần chú trọng. Đây là cơ hội để các bạn trẻ đưa ra các sáng kiến trợ giúp cho đối tượng này”, ông Phạm Hồng Quất nói.
Theo thống kê, hiện Việt Nam có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (chiếm 7% dân số Việt Nam). Ngoài những không gian riêng biệt dành cho người khuyết tật, họ không dễ hòa nhập, tham gia các hệ thống cơ sở hạ tầng chung của xã hội, chưa tính đến cơ sở hạ tầng hiện đại phục vụ cho ĐTTM.
“Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy cứ 100 người có khoảng 7 người khuyết tật. Nhưng ngay tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hoặc nhiều đô thị lớn khác của Việt Nam, chúng ta không mấy khi gặp được người khuyết tật trên đường phố, trong siêu thị, rạp chiếu phim hay những sự kiện giao lưu, ngày hội cộng đồng”, bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý phát triển bền vững (MSD) cho biết.
“Trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Chính phủ, có riêng mục tiêu số 11 là xây dựng các đô thị và khu dân cư rộng mở, an toàn, vững chắc và bền vững, trong đó điều kiện thiết yếu là thành phố an toàn và tiếp cận, thành phố bền vững cho tất cả mọi người, đặc biệt chú ý đến nhu cầu của những người dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, những người khuyết tật và người lớn tuổi. Rõ ràng thành phố thông minh không phải phục vụ một nhóm người, không chỉ là công nghệ mà đó còn là thái độ, cam kết phục vụ con người, đồng thời phải đảm bảo bình đẳng cho mỗi người, trong đó có người khuyết tật”, bà Linh nêu rõ.
“Tôi mong rằng tại thành phố thông minh, chúng ta sẽ được thấy người khuyết tật được tham gia giao thông, đi lại, ăn uống, tham gia các hoạt động cộng đồng mà không gặp phải rào cản cả về cơ sở vật chất lẫn rào cản về văn hóa… Thành phố thông minh cần có cách tiếp cận là nơi đặt các nhu cầu con người làm trung tâm, đặc biệt nhóm yếu thế: trẻ em, phụ nữ, người già, người khuyết tật”, bà Linh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, bà Trịnh Tú Anh, Viện trưởng Viện đô thị thông minh và quản lý – Đại học Kinh tế TP.HCM cũng cho rằng, đô thị thông minh là con đường đi, không phải là đích đến cuối cùng của tất cả thành phố, không phải hướng đến cái gì đó hoàn hảo, mà chúng ta ứng dụng công nghệ để giải quyết các vấn đề phát sinh trong chính thành phố đó bằng sự cân đối nguồn lực thực tế và hướng đến sự phát triển bền vững.
“Tiêu chí “Thành phố thông minh” đó là thuận tự nhiên, quyết tâm của chính quyền - chính phủ, con người, sự di chuyển và sự sống. Tất cả các thành phố lớn trên thế giới được gọi là “thành phố thông minh” đều đo lường theo chỉ số output, tức là đo lường kết quả đầu ra theo mục tiêu đã đề ra. Nếu không xác định được rõ từ đầu, rất có thể việc xây dựng đô thị thông minh của chúng ta sẽ mãi là chạy đuổi, bởi thế giới họ có tiêu chí của họ và Việt Nam cũng cần thích ứng tiêu chí của mình”, bà Tú Anh bày tỏ.
Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những cách tiếp cận khả thi trong việc xây dựng ĐTTM gắn với nhóm người yếu thế, dễ bị tổn thương chính là tiếp cận với nhóm người trẻ để xây dựng tầm nhìn, giúp những người trẻ tuổi hình thành thói quen quan sát và nhìn nhận vấn đề từ khi còn bé, nhận ra được vấn đề để phần nào giúp họ định hướng được những hành động có thể thực hiện để giúp đỡ nhóm người yếu thế.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có thể chia sẻ tầm nhìn với giới trẻ vì người trẻ có sự tiếp thu rất nhanh, họ rất giỏi trong việc sử dụng công nghệ và chính họ sẽ là những người tạo ra các sản phẩm tốt nhất và phù hợp nhất để giúp đỡ nhóm người khuyết tật./.