Xe tăng giá vé, nhồi nhét khách dịp lễ, Tết: Bó tay?
(VOV)-Tình trạng xe khách vòng vo bắt khách dọc đường, nhồi nhét, tự ý tăng giá vé vẫn còn diễn ra nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để.
Chỉ còn ít ngày nữa là đến dịp nghỉ lễ giỗ tổ Hùng Vương và ngày lễ 30/4, 1/5, chính vì thế nhu cầu đi lại bằng xe khách trong dịp này sẽ tăng cao.
Theo ông Nguyễn Hoàng Trung - Giám đốc Công ty Quản lý bến xe (QLB) Hà Nội, để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân bằng xe khách trong đợt cao điểm này, Công ty QLBX Hà Nội dự kiến tăng cường khoảng 600 xe khách, và phối hợp với các phòng nghiệp vụ Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng cường nhiều chuyến xe bus tại 3 bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát, Gia Lâm để giải tỏa hành khách.
Cùng với đó, công ty đã yêu cầu các xí nghiệp bến xe phối hợp chặt chẽ với lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông, công an các quận, huyện tại 3 bến xe để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông. Đặc biệt xử lý nghiêm đối với những trường hợp xe ép giá, nhồi nhét hành khách, và kiên quyết chỉ cho xe đảm bảo chất lượng xuất bến.
Bến xe Mỹ Đình |
Tuy nhiên, trong những đợt cao điểm vận tải khách vài năm trở lại đây, "đến hẹn lại lên", tình trạng xe khách vòng vo bắt khách dọc đường, nhồi nhét, tự ý tăng giá vé vẫn còn diễn ra nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để ngăn chặn tình trạng trên, nhất là việc tự ý tăng giá cước. Bởi lẽ, những ngày này, lái xe thường tìm đủ mọi cách để tăng giá bù đắp cho những ngày vắng khách.
Nếu theo đúng Thông tư 129 giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Tài chính thì doanh nghiệp vận tải phải đăng ký trước mới được tăng giá vé, nhưng do thủ tục mất nhiều thời gian và chi phí cao nên nhiều doanh nghiệp để lái xe tự tiện nâng giá vé khi bắt khách trên đường. Trong đó, phổ biến nhất là việc lái xe viện dẫn, lợi dụng việc giá xăng dầu cao để có thể “móc” thêm hầu bao của hành khách, mà thực chất xe khách sử dụng dầu diezel là chính, tác động do giá xăng dầu mặc dù cao nhưng không đến mức phải điều chỉnh giá cước.
Không những thế đối với những trường hợp xe khách bị người dân phản ánh thu giá cước quá quy định như vậy, thì lái xe vẫn "nhởn nhơ", vì việc xác minh cũng rất phức tạp, thường hành khách khi phản ánh phải làm đơn về bến xe, và bến xe sẽ xác minh lại thông tin trên có đúng hay không, sau đó mới có căn cứ để xử phạt đối với những xe vi phạm.
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Hoàng Trung, Giám đốc Công ty QLBX Hà Nội kiến nghị việc tăng giá vé cũng cần phải có sự định hướng, chỉ đạo của của cơ quan quản lý nhà nước, như trong những ngày cao điểm, ngày lễ tết trong năm, thì được tăng bao nhiêu ngày và tăng bao nhiêu % để doanh nghiệp có điều chỉnh cho hài hòa với lợi ích của nhân dân. Được biết, tính đến ngày 10/4 đã có 5 doanh nghiệp gửi văn bản yêu cầu điều chỉnh giá cước từ 7-22%.
Trong số những bến xe ở Hà Nội thì bến xe Mỹ Đình hiện là bến xe lớn nhất, mặc dù chỉ là ngày thường nhưng lưu lượng người và xe khách ra vào bến vẫn rất tấp nập. Cũng chính vì lẽ đó, từ khi đưa vào khai thác đến nay, bến xe Mỹ Đình luôn được xem là địa điểm lý tưởng để những xe dù, bến cóc hoạt động công khai, bắt chẹt hành khách gây mất an ninh trật tự và mất an toàn giao thông.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc bến xe Mỹ Đình, những hoạt động gây mất trật tự an ninh và an toàn giao thông bên ngoài bến đang ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh của bến xe trong mắt hành khách.
Do những khu vực quanh bến không phải trong thẩm quyền của bến xe, nên bến xe thường xuyên kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp kịp thời để giải quyết tình trạng trên giúp lấy lại hình ảnh thân thiện của bến xe. Đối với những trường hợp xe khách trong bến lèn khách, thu quá giá vé quy định khi có văn bản, xác minh đúng xe trong bến vi phạm thì bến sẽ cương quyết xử lý với hình thức cao nhất là đình tài.
Ông Nguyễn Mạnh Tiến cũng khuyến cáo hành khách khi đến bến xe Mỹ Đình thì nên vào trong bến mua vé vì sẽ đảm bảo quyền lợi vé mua đúng giá quy định, có chỗ ngồi, tránh được tình trạng mất trộm mất cắp. Nếu hành khách thiếu ý thức đứng ngoài đường vẫy xe sẽ ảnh hưởng tới giao thông, và kẻ gian dễ trà trộn, lái phụ xe có thể tùy tiện ép giá, nhồi khách, tùy tiện nâng giá vé.
Có thể nói, việc lái xe, doanh nghiệp tự ý nâng giá cước theo kiểu "té nước theo mưa" diễn ra lặp đi lặp lại trong những ngày lễ, tết khiến nhiều hành khách không khỏi bức xúc. Về lâu về dài cơ quan chức năng nên có những giải pháp kịp thời để giải quyết tình trạng trên./.