Xét tuyển đại học 2023: Các trường công bố kết quả xét tuyển sớm
VOV.VN - Thời điểm này, các trường đại học trên cả nước đã và đang công bố điểm chuẩn trúng tuyển đối với các phương thức xét tuyển sớm.
Bởi theo quy định, thí sinh phải đăng ký các nguyện vọng đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày 10 đến ngày 30/7 thì mới đảm bảo trúng tuyển. Thống kê cho thấy, mức điểm chuẩn trúng tuyển theo các phương thức xét tuyển sớm của các trường, các ngành, các phương thức rất khác nhau.
Hiện nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển đối với các phương thức xét tuyển sớm. Đây là các phương thức xét tuyển không sử dụng điểm kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, bao gồm: xét tuyển theo học bạ trung học phổ thông, điểm đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, xét tuyển kết hợp và các hình thức ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng.
Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, với gần 6 nghìn chỉ tiêu tuyển sinh trong năm 2023, hiện nhà trường đã tuyển sinh được hơn 30% tổng chỉ tiêu từ các phương thức xét tuyển sớm. Năm nay, mức điểm chuẩn của 33 ngành đào tạo của trường dao động từ 23 điểm đến 28 điểm, trong đó nhiều ngành trên 27 điểm như Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tài chính, Ngân hàng, Kinh tế, Kỹ thuật điện, Kỹ thuật điện tử viễn thông.
“Học bạ thì cũng như mức khoảng độ 20% đến 30% chỉ tiêu, còn lại thì đa phần là những ngành thì còn lại khoảng hơn hơn 50% chỉ tiêu là xét kết quả thi trung học phổ thông. Do vậy, đối với các em thí sinh thì căn cứ vào chỉ tiêu nguyện vọng của mình để đăng ký cho phù hợp”, ông Chương nói.
Qua thống kê điểm chuẩn mà các trường đã công bố, mức điểm trúng tuyển giữa các ngành, các trường cũng có sự khác nhau, trong đó phương thức xét học bạ, có nhiều ngành thí sinh phải đạt gần 10 điểm 1 môn mới trúng tuyển nhưng có ngành chỉ cần 5 điểm 1 môn cũng trúng tuyển.
Theo ông Thân Thanh Sơn, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển sớm tăng, nên mức điểm chuẩn của trường có xu hướng tăng nhẹ so với năm ngoái ở nhiều ngành. Riêng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ của nhà trường, điểm chuẩn dao động từ 25 đến 29 điểm, trong đó ngành công nghệ thông tin có điểm chuẩn cao nhất với 29,23 điểm.
“Chất lượng nguồn tuyển được ổn định và nâng cao, điều này thể hiện thông qua cái ý thứ nhất là phổ điểm nới rộng hơn từ 25,8 đến 28,93. Ý thứ hai là bình quân của điểm chuẩn theo công thức bằng hoặc nhỉnh hơn so với năm 2022 một chút”, ông Sơn cho hay.
Hiện nhiều trường đại học đã hoàn thành tuyển sinh nhiều đợt với các phương thức xét tuyển sớm. Từ sự gia tăng về số lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển và mức độ điểm chuẩn cho thấy nhu cầu sử dụng các phương thức xét tuyển sớm của thí sinh ngày càng nhiều.
“Điểm chuẩn của đợt 2 tăng hơn so với đợt 1 là 2 điểm, thậm chí có ngành là tăng 4 điểm. Chúng tôi thấy rất mừng vì đây cũng phản ánh một tỷ lệ đầu vào, chất lượng đầu vào phấn khởi hơn so với những năm trước”, ông Nguyễn Phi Long, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Phụ nữ Việt Nam thông tin.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo từ ngày mùng 10 tháng 7, thí sinh bắt đầu đăng ký xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ. Vì thế muộn nhất ngày mùng 8 tháng 7 các trường đại học phải thông báo kết quả xét tuyển sớm cho thí sinh. Tuy nhiên, kết quả trúng tuyển sớm này chỉ là điều kiện cần. Để trúng tuyển chính thức, thí sinh cần đăng ký các nguyện vọng đã đủ đièu kiện trúng tuyển sớm lên hệ thống và cần lưu ý đến những điều kiện khác theo đề án tuyển sinh của từng trường khi đăng ký để tránh trượt oan, hay trúng tuyển vào những nguyện vọng mà mình không mong muốn.