Xét tuyển sớm cần đảm bảo giáo dục ĐH không đi ngược lại với giáo dục phổ thông
VOV.VN - Bộ GD-ĐT đề nghị các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, khi những học sinh đã trúng tuyển sớm sẽ có tâm lý không học nữa dù chương trình còn chưa kết thúc.
Tại Hội nghị Giáo dục đại học tổ chức mới đây, Bộ GD-ĐT đánh giá, công tác tuyển sinh đại học mặc dù đã có nhiều đổi mới, nhưng việc cho phép các cơ sở đào tạo thực hiện tuyển sinh theo nhiều phương thức cũng gây khó khăn cho thí sinh trong quá trình lựa chọn, phương thức xét tuyển sớm chưa thực sự bảo đảm độ tin cậy, khách quan, công bằng cho các thí sinh và giữa các cơ sở đào tạo.
PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, câu chuyện xét tuyển sớm liên quan đến nhiều vấn đề, trong đó có tự chủ đại học, các trường có quyền tự chủ trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên thời gian qua cũng có nhiều ý kiến từ các trường phổ thông về việc nhiều trường đại học khi xét tuyển sớm bằng học bạ chỉ sử dụng kết quả của 5 kỳ học, như vậy học sinh sẽ không tập trung để hoàn thành chương trình phổ thông. Đây cũng là vấn đề cần tìm cách giải quyết hài hòa, để trường đại học vẫn có thể xét tuyển theo nhiều phương thức, nhưng cũng cần đảm bảo rằng giáo dục đại học không đi ngược lại với giáo dục phổ thông.
“Nguyên tắc rất cơ bản là đầu vào của giáo dục đại học phải giúp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông. Nếu như đầu vào của đại học chỉ dành cho đại học, không góp phần vào nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông thì cũng không đảm bảo. Đây là bài toán rất khó, liên quan đến nhiều bên”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn nói.
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng đề xuất bỏ phương thức xét tuyển sớm. PGS.TS Trần Thiên Phúc cho rằng, hiện nay nhiều trường xét tuyển đại học sớm trước khi kết thúc học kỳ, học sinh chưa hoàn thành chương trình THPT. Chưa kể đến việc vẫn có những cán bộ tư vấn thí sinh đặt nguyện vọng trúng tuyển sớm lên đầu khi đăng ký trên hệ thống chung của Bộ GD-ĐT. Dù biết điều này không đúng, nhưng họ vẫn tư vấn cho thí sinh, dẫn đến sự thiếu công bằng, mất cơ hội của thí sinh.
Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TP.HCM cũng cho rằng việc có nhiều phương thức xét tuyển rồi chia phần trăm cho từng phương thức không có cơ sở, gây mất công bằng cho thí sinh xét tuyển ở những phương thức sau.
Phát biểu tại Hội nghị giáo dục đại học tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng cho rằng, ngành giáo dục đang đứng trước thách thức đổi mới công tác tuyển sinh để hô ứng với toàn bộ đổi mới từ giáo dục phổ thông đến giáo dục đại học. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có nhiều đổi mới. Các trường đại học cần có trách nhiệm hơn với giáo dục phổ thông. Việc xét tuyển sớm có tác động tiêu cực với giáo dục phổ thông ở giai đoạn cuối cùng của cấp học này, bởi học sinh đã trúng tuyển sớm sẽ có tâm lý không học nữa.
Bên cạnh đó, sau khi xét tuyển sớm, số lượng thí sinh còn lại để tuyển theo các phương thức khác sẽ rất ít, từ đó đẩy điểm trúng tuyển lên rất cao, tạo ra sự bất công bằng trong cơ hội vào các trường đại học tốt. Bộ GD-ĐT sẽ cân nhắc để đưa ra định hướng vào năm sau.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn lưu ý các trường lưu ý không nên có quá nhiều phương án xét tuyển, việc tuyển sinh càng đơn giản càng tốt, hướng đến tạo thuận lợi cho học sinh và xã hội.
“Các trường đại học tự chủ và tự chủ trong vấn đề tuyển sinh, nhưng không có nghĩa thích làm gì thì làm. Tự chủ nhưng vẫn trong khuôn khổ quy định. Bộ GD-ĐT có thể tăng một số “khung”, chế tài để điều tiết việc tuyển sinh năm sau. Tự chủ đại học nhưng cũng cần đề cao trách nhiệm xã hội”, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh.
Trao đổi về nội dung này, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết, trong những năm vừa qua, Bộ GD-ĐT cũng đã nhận thấy, các phương thức xét tuyển sớm có mang lại cơ hội trúng tuyển tốt hơn cho thí sinh, tuy nhiên cũng gây ra lượng thí sinh ảo cho rất nhiều trường đại học trên cả nước. Đồng thời việc xét tuyển sớm cũng tạo ra xu hướng khiến số lượng chỉ tiêu dành cho phương thức xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT giảm. Đây cũng là một trong những lý do làm cho điểm chuẩn trúng tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT có xu hướng tăng cao.
“Bộ GD-ĐT nhận thấy cần xem xét lại phương thức xét tuyển sớm trên góc độ tính công bằng giữa các phương thức, liệu có đảm bảo nguồn đầu vào công bằng giữa các phương thức hay không. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu để có phương án điều chỉnh quy chế tuyển sinh từ năm 2025 theo hướng đảm bảo công bằng, minh bạch, quyền lợi của thí sinh”, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy cho biết.
Các trường điều chỉnh phương án tuyển sinh năm 2025 thế nào?
Nói về định hướng tuyển sinh trong năm tới, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho biết, Bộ GD-ĐT đã đưa ra một số định hướng cho việc tuyển sinh năm 2025, đơn cử như việc xét tuyển sớm sẽ có những thay đổi nhất định. Từ quy định của Bộ, các trường sẽ điều chỉnh cách thức, quy trình tuyển sinh trong năm tới.
“Thời điểm này chưa thể nói chắc chắn sẽ có những phương thức nào trong năm 2025, song về tinh thần chung vẫn sẽ giữ ổn định và chắn chắn vẫn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT. Riêng với Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, việc tuyển sinh năm 2025 đã được bàn thảo từ rất sớm. Trong năm tới, các tổ hợp xét tuyển có thể thay đổi đôi chút. Kỳ thi tốt nghiệp THPT chỉ còn lại 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn, thí sinh sẽ lựa chọn thêm 4 môn, như vậy các trường đại học cũng sẽ phải tính toán về tổ hợp xét tuyển và phương thức xét tuyển”, PGS.TS Nguyễn Đức Sơn thông tin.
Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội lưu ý học sinh lớp 12 cần theo dõi rất kỹ những thông tin tuyển sinh của các trường cũng như lưu ý đến những điều chỉnh về mặt chính sách của các trường và Bộ GD-ĐT.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng Ban Đào tạo ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, năm 2025 là năm đầu tiên học sinh THPT học theo chương trình GDPT mới tốt nghiệp, Bộ GD-ĐT đã ban hành phương án tuyển sinh mới, ĐH Quốc gia Hà Nội đã điều chỉnh phương án bài thi đánh giá năng lực để thí sinh có nhiều lựa chọn hơn phù hợp với chương trình học phổ thông. Bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn gồm 3 phần nhưng một phần cho thí sinh lựa chọn 3 trong 5 môn học. Năm 2025 lần đầu tiên ĐH Quốc gia Nà Nội đưa môn Ngoại ngữ vào bài thi đánh giá năng lực để học sinh có nhiều lựa chọn. Căn cứ vào năng lực của mình, yêu cầu của các cơ sở giáo dục đào tạo khác, thí sinh có thể đăng ký thi bài thi đánh giá năng lực với những môn học phù hợp để đạt kết quả tốt nhất trong quá trình xét tuyển đại học 2025.
PGS.TS Nguyễn Anh Tuấn cũng lưu ý thí sinh sẽ thi tốt nghiệp THPT năm tới cần sớm định hướng rõ nhu cầu học tập của bản thân, căn cứ vào các quy định của Bộ GD-ĐT cũng như các trường đại học để lựa chọn phương thức xét tuyển phù hợp nhất, tập trung học tập để đạt kết quả tốt nhất.