Xin mãi mãi là Thanh niên xung phong
VOV.VN - Ông Ba vẫn luôn ước mình trẻ lại để được bù đắp nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho đồng đội
Mặc dù đã 86 tuổi nhưng ông Trần Tài Ba, nguyên Tổng đội phó Tổng đội thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, hiện đang sống ở hẻm 136/11 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP HCM vẫn đầy nhiệt huyết với công việc chung, đặc biệt là luôn hết lòng giúp đỡ anh em đồng đội, đồng chí từng là thanh niên xung phong. Ghi nhận những đóng góp của ông, mới đây, UBND TP HCM đã vinh danh ông là một trong những tấm gương thầm lặng mà cao cả trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố.
Ông Trần Tài Ba tên thật là Trần Ngọc Ẩn, sinh năm 1929 ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Năm 16 tuổi, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, sau đó, gia nhập Vệ quốc đoàn. Năm 25 tuổi, ông chiến đấu ở chiến trường Campuchia, sau đó tập kết ra Bắc. Năm 1960, ông được điều về miền Nam, công tác tại tổ kỹ thuật Đài phát thanh giải phóng với cái tên Trần Văn Ba. Năm 1965, Đế Quốc Mỹ chuyển từ chiến tranh đặc biệt sang chiến tranh cục bộ, ào ạt đưa quân vào miền Nam, ông Trần Văn Ba được điều sang Trung ương Đoàn làm cán bộ nòng cốt thành lập Lực lượng thanh niên xung phong giải phóng miền Nam.
Trong bối cảnh miền Đông Nam bộ là chiến trường chính, địch gom dân, kìm kẹp gắt gao, thực hiện triệt để chính sách cướp sạch, đốt sạch, giết sạch tàn bạo, ông Ba cùng một số anh em Trung ương Đoàn luồn rừng, vượt suối về khắp các tỉnh miền Nam để tập hợp lực lượng. Lúc đầu, lực lượng thanh niên xung phong giải phóng chỉ có 108 người, nhưng sau đó đã lên tới hơn 5.000 người, có những anh em tuổi đời chỉ 13, 14, đạn chưa biết bắn một viên nhưng cũng hăng hái tham gia. Từ tháng 2/1969, ông Trần Văn Ba được bổ nhiệm làm Tổng đội phó Tổng đội thanh niên xung phong giải phóng miền Nam, phụ trách chính trị. Trong lúc lương thực, thuốc men, đạn dược thiếu thốn, cuộc sống của anh em vất vả trăm bề, ông Ba đã tìm mọi cách để động viên, chăm lo đời sống cho anh em, thậm chí ông còn xắn tay áo xuống suối bắt cá, vào rừng bẫy chim, săn thú, hái rau để cải thiện bữa ăn.
“Ngày xưa đi kháng chiến mà đoàn đi có anh Ba thì anh em yên tâm lắm. Anh Ba chăm sóc từng anh em. Từ anh em ốm đau, cũng như là có hoàn cảnh khó khăn, ác liệt trên đường đi chẳng hạn, thì anh Ba lo tương đối chu đáo. Thì đó là đức tính mà làm cho anh em cảm mến”. Ông Dương Minh Hoàng, cựu đội viên Đại đội C198 kể lại.
Trong lực lượng Thanh niên xung phong giải phóng, phụ nữ chiếm đa số nên điều ông Ba trăn trở và cố gắng thực hiện là làm sao động viên chị em luôn giữ mình trong sáng, yêu đời, lạc quan để vượt qua gian khó hoàn thành nhiệm vụ. Cho tới năm 1973, khi được điều sang chiến trường Campuchia, ông Ba vẫn tự hào rằng mình luôn mẫu mực, không nao lòng trong nhiều tình huống. Đồng đội thương ông, mến ông đã đặt cho ông một chữ “tài” làm tên đệm, đổi tên Trần Văn Ba sang thành Trần Tài Ba.
Mãi mãi là đoàn viên thanh niên xung phong
Năm 1975, khi miền Nam được giải phóng, ông được Đảng và Nhà nước giao đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như tiếp quản hệ thống xăng dầu từ Bắc vào Nam, rồi phụ trách khu vực phía Nam của Bộ Vật tư, làm Phó giám đốc Công ty Kim khí khu vực 2….Nhưng dù ở vị trí nào, ông vẫn trăn trở, đau đáu hướng về thanh niên xung phong. Những năm 1990, ông Ba cùng một số anh em từng là thanh niên xung phong giải phóng tự bỏ tiền túi, lặn lội sang tận Campuchia tìm hài cốt đồng đội. Kết quả là 6 bộ hài cốt nằm ở chiến trường Campuchia được đưa về nước. Do điều kiện kinh tế quá khó khăn, ông Ba đã xin lãnh đạo TP HCM hỗ trợ 20 triệu đồng, đồng thời, ông còn vận động các cơ quan, đoàn thể của thành phố ủng hộ tiền cho Đội tìm kiếm hài cốt tiếp tục hoạt động.
Những lần sau này do tuổi cao sức yếu, ông Ba không thể qua Campuchia, nhưng ở trong nước, ông đã đạp xe khắp các tỉnh, thành miền Nam để kiếm hài cốt đồng đội. Bà Đoàn Thị Thanh Xuân, Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong TP HCM cho biết: “So với trước thì bây giờ cuộc sống của anh Ba không phải thiếu, nhưng cũng không giàu hơn ai, nhưng anh ấy lúc nào cũng tiết kiệm, dành dụm để giúp đỡ anh em, chia sẻ với anh em. Những người khác không có được vậy. Ví dụ mỗi căn nhà tình thương anh Ba đóng góp 1 triệu đồng. Mỗi căn nhà anh Ba đều cùng anh em đi tới nơi, chỉ trừ khi nào ngày giao đó anh bệnh anh không đi được thì thôi, chứ còn trên từng cây số, anh Ba đều có mặt. Anh em đồng đội đi tới đâu là anh Ba có ở đó”.
Hiểu được những khó khăn chồng chất của anh em khi trở về địa phương mà không được hưởng bất cứ một chế độ, chính sách nào, ông Ba đã lặn lội khắp nơi, gõ cửa khắp các cơ quan, đoàn thể để xin giúp đỡ. Ông cùng với ông Hai Văn, nguyên Tổng đội trưởng xin thành lập Ban Liên lạc, làm cơ sở bước đầu để anh em đồng đội tìm về hỗ trợ lẫn nhau. Lúc đầu, căn chung cư chật chội của ông ở hẻm 136/11 đường Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1 được tạm dùng làm văn phòng thường trực Ban Liên lạc. Ông còn đi ra Hà Nội tìm gặp Thủ tướng Võ Văn Kiệt, gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhờ giúp đỡ, giải quyết chế độ, chính sách cho anh em thanh niên xung phong. Kết quả là năm 1996, thanh niên xung phong đã được hưởng chế độ giải quyết 1 lần, mỗi người được nhận 1,5 triệu đồng. Không dừng ở đó, mỗi tháng ông đều dành dụm một phần tiền lương hưu ít ỏi của mình để tặng cho 61 người 61 triệu đồng khi họ được nhận nhà tình thương.
“Ban Liên lạc thanh niên xung phong giải phóng miền Nam làm được mấy công trình như thế này. Một là đi tìm hài cốt liệt sĩ thanh niên xung phong, cũng được mấy ngàn đó. Hai là xây dựng khu tưởng niệm thanh niên xung phong ở Tây Ninh. Ba là họp mặt truyền thống thanh niên xung phong một năm một lần. Thứ tư là xây nhà tình nghĩa tình thương đối với thanh niên xung phong. Thứ năm là thực hiện các chính sách xác nhận cho thanh niên xung phong để về làm các thủ tục hưởng chính sách”, ông Trần Tài Ba tâm đắc.
Năm nay ông Ba đã 86 tuổi nhưng vẫn ngày ngày cùng vợ trồng rau, trồng cây thuốc, rồi lại đạp xe đến nhà đồng đội tặng rau xanh, cây thuốc ấy làm quà. Sống giản dị, chân chất trong gia đình yên ấm, ông Ba vẫn luôn ước mình trẻ lại để được bù đắp nhiều hơn, giúp đỡ nhiều hơn cho đồng đội, đồng chí của ông.
Bà Vũ Thị Mến, vợ ông Trần Tài Ba cho biết: “Mấy cô mấy chú nói anh Ba là người sống rất thủy chung và trọn vẹn với anh em. Ông đề nghị với Đảng, với Nhà nước giải quyết tất cả những chính sách, chế độ để anh em được hưởng hết. Ông đề nghị xây dựng quỹ đồng đội, trong đó có xây dựng nhà tình nghĩa, rồi cứ mỗi nhà tình nghĩa của mỗi cô lính của ông, ông cho 1 triệu đồng. Ông ấy đi vận động, Thành ủy, Ủy ban cũng ủng hộ ông ấy nên ông ấy được nhiều tiền. Rồi đi lấy hài cốt của đồng đội ông cũng xung phong đi, ông ấy già rồi nhưng vẫn gương mẫu”.
Ngoài những bằng khen, huân huy chương, huy hiệu mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho ông trong thời gian công tác trước đây, thì nay, Ban Liên lạc thanh niên xung phong giải phóng miền Nam đang đề nghị Nhà nước tặng cho ông Huân chương lao động hạng 3./.