Xịt sơn, khóa bánh, đập kính xe: Chuyện không nhỏ ở Hà Nội
VOV.VN -Khi quỹ đất dùng cho giao thông tĩnh hầu như không có, câu chuyện đỗ xe ở các đô thị lớn, đặc biệt là ở Hà Nội căng thẳng như một cuộc chiến…
Thời gian gần đây, liên tục xuất hiện hình ảnh những chiếc xe ô tô đỗ trước cửa hàng, nhà dân bị khóa bánh, phun sơn. Thậm chí, có nhiều người vì quá nóng giận đã cố tình hủy hoại chiếc ô tô để “cảnh cáo” chủ xe. Điều đáng nói là không phải chủ xe nào cũng đỗ sai, nhiều xe dừng xe đỗ xe đúng nơi quy định nhưng vẫn bị một số người dân hành xử thái quá.
Chiếc xe Ford Ranger bị vẽ sơn vì đỗ trong ngách 49/28 đường Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ảnh KT.
Mới đây nhất, vào chiều 2/7, những người dùng mạng xã hội truyền nhau đoạn clip ghi lại hình ảnh chiếc ô tô hiệu Innova bị đập vỡ kính trước, đập gẫy hai chiếc gương tại khu vực đối diện Fivimart trên đường Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội.
Theo nội dung đăng tải, vào thời điểm trên, tài xế chiếc ô tô Range Rover điều khiển xe về đến nhà nhưng không vào được vì có chiếc xe Innova đỗ chắn cửa.
Thấy chiếc xe ô tô Innova chắn ngang cửa nhà mình, chủ nhà bực tức liền cầm mảng bê tông đập vỡ kính, đạp gãy gương chiếc xe này.
Hành động này cho thấy, nhiều người ứng xử thái quá với những người đỗ xe tùy tiện, bị nhiều người lên án.
Không những bị xịt sơn lên khắp xe, chủ nhân cong nhận được mấy cục gạch đặt trên nắp capo xe kiểu "khủng bố". Ảnh KT. |
Nhiều người sống ở khu vực mặt đường thì cho rằng: vỉa hè lòng đường khu vực vào nhà, họ có quyền tiếp cận và quản lý. Vì thế nếu đỗ xe ô tô trước cửa nhà thì sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và kinh doanh cửa những hộ dân ở mặt đường. Và cứ như vậy xung đột giữa lái xe và chủ nhà sống ở cạnh mặt đường ngày càng trở nên nghiêm trọng. Họ dùng những từ ngữ xúc phạm lái xe, hay thậm chí dán băng dính, vẽ bậy hoặc phun sơn vì bị xe đỗ chắn trước cửa nhà…
Một chủ xe ô tô khác thì bị xịt chữ như thế này khi đỗ xe trước cửa nhà người khác. Ảnh KT. |
Tình trạng những chiếc ô tô đỗ ở những khu vực không có biển cấm, bị người dân hành xử một cách thái quá như thế này diễn ra khá phổ biến, ở các đô thị trên cả nước.
Chị Huỳnh Hương Giang ở quận Long Biên, Hà Nội rất ngại mỗi khi phải lái xe lên các tuyến phố nội thành, vì tìm được chỗ đỗ ô tô ở đây đã khó, nhưng để đỗ được xe còn khó hơn.
Chị Giang cho biết, nhiều hôm đi làm, đánh xe lên phố loay hoay cả tiếng đồng hồ mà không tìm được chỗ đỗ xe. Tiến lên thì nhà này ra bảo, lùi lại cũng không xong vì lại vướng cửa hàng nhà khác.
Không biết phải xử lý như thế nào. |
“Rõ ràng, đường là đường của nhà nước, không phải đường của họ mà đuổi như thế, mình có phải chắn hết cửa của họ đâu mà họ vẫn đuổi mình”, chị Giang nói.
Còn anh Trần Xuân Vinh, một lái xe cho biết, nhiều lần đang đỗ xe ở lề đường, tranh thủ nằm trong xe đợi khách thì thấy người trong nhà ra xe, đập cửa rầm rầm nói đi chỗ khác, không được đỗ ở đây.
“Nhiều lúc bí quá mà người trong nhà ra nói gay gắt, nhất là ra đập cửa, chửi bới. Đường không cấm dừng, cấm đỗ thì mình cứ đỗ bình thường”, anh Vinh cho biết.
Chủ nhà này còn cẩn thẩn thận hơn khi kiên nhẫn quấn kín cả cuộn băng dính vào xe ôt ô đỗ trước nhà. Ảnh FB. |
Còn những chủ cửa hàng kinh doanh ở mặt đường cho biết, một tháng họ phải thuê địa điểm mất rất nhiều tiền, nếu cứ đỗ ô tô trước cửa như thế này thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
“Ai cũng vậy, đỗ ô tô trước cửa nhà người ta đã không thích rồi, nhà riêng cũng thế mà đây lại là cửa hàng nữa. Mặt bằng phải thuê cao, buôn bán cạnh tranh, xe đỗ phía trước, mọi người thấy vướng ngại vào. Giờ ý thức mọi người thôi, không muốn đâu nhưng mà chật chội quá nên phải thế”, chị Phạm Quỳnh Anh, quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội phân bua.
Còn đây là hình ảnh ngày 2/7 trên đường Trúc Khê, phường Láng Hạ, quận Đống Đa, Hà Nội. Thấy chiếc xe ô tô Innova chắn ngang cửa nhà mình, chủ nhà bực tức liền cầm mảng bê tông đập vỡ kính, đạp gãy gương chiếc xe này. Ảnh FB. |
Còn chị Lê Thị Bình, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội cho rằng, “để xe ở trước cửa nhà sẽ ảnh hướng đến cửa hàng chứ ạ, mà các phương tiện tham gia giao thông qua lại đây sẽ bị ảnh hưởng tắc đường”.
Cứ như thế, câu chuyện đỗ xe, chủ nhà ra đuổi và những xung đột giữa chủ nhà và lái xe về chuyện dừng đỗ ô tô ngày càng trở nên căng thẳng.
Theo anh Nguyễn Mạnh Thắng, chủ diễn dàn otofun, xử lý xung đột này không khó, cách tốt nhất là cả hai bên nên nhường nhịn nhau một chút. Về phía lái xe nên nói chuyện nhẹ nhàng với chủ nhà, trước khi muốn đỗ.
Ít người bình tĩnh như bác chủ nhà đối với xe này. Ảnh FB. |
“Tôi đi làm 1 thẻ căn cước trên đường Phạm Ngọc Thạch không có chỗ đỗ, tôi đã vào 1 cửa hàng gần đó và xin họ đỗ nhờ 1 lát, họ rất vui vẻ. Tôi cho rằng lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, anh Thắng chia sẻ “bí kíp” đỗ nhờ xe ô tô trên phố.
Theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia thì lái xe có quyền đỗ ở những chỗ không cấm đỗ. Nhưng quy định là 1 chuyện, còn người dân phản ứng dựa trên quyền lợi của mình lại là chuyện khác. Và khi ai cũng cho mình đúng, thì chính quyền địa phương cần có giải pháp.
Hà Nội dẹp loạn vỉa hè: Chóng mặt với giá vé gửi xe “chặt chém”
Bí thư Hà Nội: Thu phí gửi xe 500 nghìn/lượt, chính quyền có biết?
Hội sách Hà Nội: Giá sách bằng giá… vé gửi xe
“Nên có những hướng dẫn là nên đỗ như thế nào, trên những phố có thông tin nên đỗ ở đâu thì thuận tiện. Làm như vậy vẫn đảm bảo quyền tiếp cận cho nhà ở, cửa hàng, hài hòa lợi ích của các bên, để giảm những xung đột về lợi ích thì sẽ không có những chuyện như thời gian qua”, ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nói.
Mới đây, trên phố Hoàng Ngân, Hà Nội, một chiếc xe đỗ ở nơi không có biển cấm, nhưng chủ nhà ngay đó búc xúc đã dùng bút xóa vẽ lên toàn bộ xe…Kết quả người vẽ đã phải bồi thường cho chủ xe 13 triệu đồng. Chủ nhà thì phải tốn tiền vì hành xử không đúng, còn chủ xe thì mất thời gian đi sơn sửa lại xe.
Một sự việc tưởng như rất nhỏ những nếu hai bên không tìm được tiếng nói chung có thể sẽ bị đẩy đi rất ra, thậm chí là vào lao lý nếu xô xát dẫn đến hậu quả nghiêm trọng./.