Xu hướng sinh ít con, nhưng quy mô dân số vẫn tăng
VOV.VN - Mức sinh ngày càng giảm nhưng không có nghĩa quy mô dân số của nước ta đã đến lúc giảm.
Hiện nay, xu hướng sinh ít con diễn ra tại hầu hết các địa phương trong cả nước. Vậy xu hướng này có ảnh hưởng đến quy mô dân số cả nước không và có đòi hỏi chính sách dân số cần có những thay đổi hay không? Phóng viên VOV phỏng vấn ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình - Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, hiện nay có tình trạng ngày càng nhiều phụ nữ chỉ sinh một con, thậm chí còn quyết định không sinh con, điều này có ảnh hưởng như thế nào đến quy mô dân số ở nước ta khi Việt Nam đã đạt mức sinh thay thế năm 2006, sớm hơn dự kiến gần 10 năm?
Ông Dương Quốc Trọng: Mức sinh ngày càng giảm nhưng không có nghĩa là quy mô dân số của nước ta đã đến lúc giảm, mà quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng trong những năm tới. Mặc dù chúng ta đạt được mức sinh thay thế từ 2006, nhưng số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ngày càng tăng lên do tốc độ gia tăng dân số trước đây cao.
ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số kế hoạch hóa gia đình |
Hiện nay ước tính 1,5 phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ thì mới có 1 phụ nữ bước qua tuổi sinh đẻ, cho nên từ nay tới năm 2027 - 2028 thì số lượng sinh đẻ vẫn tiếp tục gia tăng. Bởi thế cho nên, dù đạt mức sinh thay thế, tỉ sinh thô, tổng tỉ suất sinh giảm nhưng quy mô dân số Việt Nam vẫn tiếp tục gia tăng. Tùy theo mức độ sinh mà đạt được quy mô dân số cực đại vào khoảng năm 2040-2050 hoặc 2060.
PV: Việc nhiều người chọn giải pháp sinh ít con là nguyên nhân do đâu, thưa ông?
Ông Dương Quốc Trọng: Người dân sinh ngày càng ít con đó là kết quả của nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết, chúng ta phải khẳng định sự thành công của công tác dân số kế hoạch hóa gia đình. Trong những năm qua, chúng ta đã kiên trì tuyên truyền vận động, giáo dục, thuyết phục người dân sinh 1 tới 2 con, cho nên phần lớn phụ nữ Việt Nam trong lứa tuổi sinh đẻ ngày nay chấp nhận gia đình có quy mô 2 con.
Còn một nguyên nhân mà tôi cho là hết sức quan trọng, đó là sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đây cũng là xu hướng chung của thế giới. Tức là sự phát triển của kinh tế - xã hội ngày càng cao, thì số con trung bình của phụ nữ ngày càng giảm.
Ở nước ta qua nghiên cứu khảo sát, đánh giá vùng nào, tỉnh nào phát triển kinh tế - xã hội cao hơn, thì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ thấp hơn. Gia đình nào có điều kiện kinh tế cao hơn số con cũng ít hơn, người phụ nữ nào có trình độ học vấn cao hơn thì có số con ít hơn, đó là quy luật chung của cả thế giới.
PV: Gần đây có ý kiến cho rằng đã đến lúc cần điều chỉnh chính sách dân số, không nên vận động sinh từ 1 đến 2 con nữa mà vận động mỗi cặp vợ chông sinh nhiều con hơn. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Dương Quốc Trọng: Tôi khẳng định Việt Nam chưa có thay đổi gì về chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. Chúng ta hiện vẫn vận động mỗi cặp vợ chồng chỉ nên có từ 1 đến 2 con. Pháp lệnh Dân số năm 2003, Pháp lệnh Dân số năm 2008 cùng với các văn bản khác vẫn kiên trì mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1 đến 2 con.
Cách đây hơn 50 năm, khi bắt đầu làm công tác dân số kế hoạch hóa gia đình, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam sinh 6,4 con, đến nay trung bình của phụ nữ Việt Nam chỉ sinh có 2 con. Có thể nói, xu hướng sinh ngày càng ít con thể hiện rõ ở tất cả địa phương, vùng miền trên cả nước. Nhưng mức giảm sinh thì lại khác nhau giữa các tỉnh, các vùng miền như các tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên mức sinh còn khá cao, trên dưới 3 con.
PV: Thưa ông, trong dự thảo xây dựng luật về dân số trong thời gian tới, chúng ta có tiếp tục vận động mỗi cặp cợ chồng có từ 1 đến 2 con không?
Ông Dương Quốc Trọng: Vấn đề này còn nhiều ý kiến khác nhau nên chúng tôi chưa nói được rằng sau này sẽ như thế nào. Nhưng hiện nay về chính sách dân số, quy định số con cho mỗi cặp vợ chồng là chưa có gì thay đổi. Trường hợp có thay đổi, chắc chắn sẽ lấy ý kiến của nhân dân. Dân sẽ là người quyết định tất cả vấn đề này.
PV: Xin cảm ơn ông!./.