Xử lý điểm đen và các bất cập trong tổ chức giao thông
VOV.VN - Trước tình hình TNGT và nguy cơ mất ATGT ngày càng phức tạp và khó lường, Ban bí thư Trung ương và Thủ tướng đã ban hành các Chỉ thị về tăng cường bảo đảm TT ATGT trong tình hình mới. Vậy, ngành giao thông đã và đang triển khai xử lý các bất cập trong tổ chức giao thông như thế nào?
PV/VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Lê Hồng Điệp, Trưởng phòng Quản lý, bảo trì Kết cấu hạ tầng giao thông (Cục Đường bộ Việt Nam) xung quanh nội dung này.
PV: Xin ông cho biết công tác khắc phục các điểm đen TNGT, điểm tiềm ẩn mất an toàn giao thông đến thời điểm hiện nay?
Ông Lê Hồng Điệp: Năm 2023 có 14 điểm đen TNGT được phát hiện và đã được khắc phục, hiện chỉ còn 6 điểm đen đang tiếp tục được xử lý, do liên quan đến vấn đề đền bù, giải phòng mặt bằng, nắn chỉnh đường cong. Cùng với đó là 49 điểm tiềm ẩn mất ATGT được phát hiện và đang tiến hành xử lý, tổng số vốn để xử lý 2 nhóm vấn đề này khoảng 561 tỷ đồng, cục Đường bộ VN đang triển khai.
Ngoài ra, liên quan đến nhóm vấn đề tổ chức giao thông, về phía Bộ Công an đã có văn bản gửi Cục Đường bộ VN, chúng tôi đang chỉ đạo các đơn vị tập trung xử lý các điểm mất ATGT tại một số tuyến cao tốc như: Hà Nội – Thái Nguyên, Sài Gòn – Trung Lương; đồng thời chỉ đạo các đơn vị BOT xử lý các tuyến như: Pháp Vân – Cầu Giẽ, Cầu Giẽ - Ninh Bình, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số tuyến khác.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng có ý kiến về việc tổ chức giao thông chưa hợp lý trên một số tuyến đường cao tốc đã đi vào khai thác, việc này Bộ GTVT cũng đã phân công nhiệm vụ cho các Ban QLDA, các chủ đầu tư để xử lý các nhóm công trình chưa bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác.
PV: Như ông vừa cho biết trong 14 điểm đen đã hoàn thành khắc phục một số điểm, những điểm còn lại lộ trình và tiến độ từ nay đến cuối năm liệu có hoàn thành không, thưa ông?
Ông Lê Hồng Điệp: Hiện nay còn 1 điểm đen trên QL3, đoạn huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn do giải phóng mặt bằng khó khăn, Cục Đường bộ VN đã chỉ đạo Khu Quản lý Đường bộ I phối hợp với địa phương.
Nếu thực sự không giải phóng mặt bằng được liên quan đến những hộ dân có hoàn cảnh rất khó khăn, trong khi chúng ta chưa có điều kiện để xây dựng khu tái định cư thì sẽ đưa ra giải pháp điều chỉnh thiết kế theo hướng tăng cường các công trình phòng vệ về ATGT, chứ không nắn chỉnh tuyến nữa.
Đối với dự án Dốc Kun, Hòa Bình là dự án lớn, địa phương đã cam kết bỏ ra 25 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng, còn trung ương sẽ bỏ ra 80 tỷ để thực hiện dự án, hiện nay địa phương đã làm thủ tục phê duyệt kế hoạch đền bù GPMB và công bố cho nhân dân biết.
Theo quy trình của Luật Đất đai thì địa phương phải công bố cho dân trong một thời gian, sau đó sẽ tiến hành áp giá đền bù và chi trả tiền cho nhân dân, trên cơ sở đó sau khi dân nhận tiền xong nhà nước sẽ thu hồi đất và sẽ tiến hành thi công đại trà.
Tuy nhiên những đoạn không liên quan đến việc cần phải mở rộng, GPMB, Sở GTVT Hòa Bình đã đấu thầu và đang tổ chức thi công. Ngoài ra những điểm đen khác sẽ hoàn thành trong năm 2023.
PV: Được biết, vừa qua Cục Đường bộ VN và Cục Cảnh sát giao thông đã phối hợp trong công tác khảo sát, rà soát các điểm đen, điểm tiềm ẩn TNGT cũng như các bất cập trong tổ chức giao thông tại nhiều tuyến QL, cao tốc. Kết quả này giúp ích thế nào trong việc khắc phục các điểm đen và đảm bảo TTATGT?
Ông Lê Hồng Điệp: Hiện nay cả hệ thống chính trị, trong đó có ngành công an và ngành giao thông, các địa phương thực hiện Chỉ thị 23 của Ban bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo TT ATGT trong tình hình mới và Chỉ thị 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TT ATGT đường bộ trong tình hình mới, các ngành đã phối hợp với nhau, trong đó có ngành công an và ngành giao thông.
Kết quả công tác phối hợp cho thấy, hơn 132 ý kiến của ngành công an chúng tôi đã phân loại ra một số ý kiến liên quan đến đường địa phương như: Cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, nút giao đầu Pháp Vân – Vành đai 3, cao tốc Bắc giang – Lạng Sơn, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (của tỉnh Tiền Giang).
Phần còn lại của Bộ GTVT, trong đó Cục Đường bộ VN sẽ tập trung xử lý nút giao Tân Long (cuối đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên), giải quyết vấn đề đèn xanh đèn đỏ tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương, cộng với một số bất cập khác chúng tôi đang tiếp tục giải quyết.
Một phần nữa liên quan đến các dự án đầu tư, các chủ đầu tư đang tiếp tục bổ sung để hoàn chỉnh những nội dung mà Bộ Công an có ý kiến, trên cơ sở đó sẽ bàn giao cho đơn vị quản lý, khai thác. Với những giải pháp quyết liệt và thực hiện xong thì tình hình TTATGT sẽ được cải thiện rất nhiều.
PV: Xin cảm ơn ông.!.