Xử lý nghiêm tình trạng đốt thực bì để xảy ra cháy rừng
VOV.VN - Bước vào cao điểm nắng nóng gay gắt, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao, tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai phòng chống cháy rừng, xử lý nghiêm tình trạng đốt thực bì để xảy ra cháy rừng.
Khu vực núi Ngự Bình, phường An Cựu, thành phố Huế có những khu rừng thông hàng chục năm tuổi. Đây là một trong những khu vực trọng điểm nguy cơ cháy rừng rất cao. Các thành viên Đội bảo vệ rừng chuyên trách Thiên An, thuộc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lâm nghiệp Tiền Phong thường xuyên tuần tra để nắm tình hình.
Gắn bó với công việc này đã hơn 20 năm, anh Lê Quang Tuấn, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách Thiên An cho biết, xen lẫn trong những cánh rừng thông ở núi Ngự Bình có rất nhiều mồ mả. Người dân thường vào thắp hương, đốt vàng mã vào buổi chiều tối, chỉ sơ ý là dẫn đến cháy rừng.
“Công tác tuần tra, kiểm tra, chúng tôi thực hiện thường xuyên khi có dự báo cháy rừng cấp 4, cấp 5, cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm thì chúng tôi tổ chức các phiên trực 24/24 giờ tại các chòi canh lửa của đơn vị. Ngoài ra, thì có một tổ cơ động thường xuyên tuần tra từ 17h chiều cho đến 22h đêm tại các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy rừng vào ban đêm, để khi phát hiện có cháy thì chúng tôi tiếp cận nhanh, khống chế dập tắt”, anh Tuấn nói.
Nắng nóng kéo dài, các hoạt động đốt xử lý thực bì, đốt hương, đốt vàng mã trong lúc viếng mộ làm tăng nguy cơ cháy rừng. Trên địa bàn thành phố Huế hiện có hơn 8.300 ha rừng, trong đó có hơn 640 ha rừng thông rất dễ cháy.
Ông Lê Nhân Đức, Hạt Trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Huế cho biết, từ đầu năm, đơn vị làm việc với chủ rừng tiến hành xử lý một số thực bì, dọn đường băng cản lửa ở khu vực núi Ngự Bình, Tam Thai phường An Cựu; khu vực núi Động Tranh, Chín Hầm của phường An Tây… tạo đường ranh cản lửa ở những khu vực rừng thông dễ cháy.
“Chúng tôi cũng tăng cường kiểm tra khu vực thường xuyên có người dân thắp hương viếng mộ trong những ngày nắng nóng, đặc biệt là những ngày rằm, thứ bảy, chủ nhật hàng tuần. Tăng cường hướng dẫn người dân khi thắp hương mộ thì đảm bảo không xảy ra cháy lan vào rừng. Ngoài ra, UBND thành phố rất quan tâm yêu cầu các chủ rừng xây dựng hệ thống loa truyền thanh tại các điểm có nguy cơ cháy cao. Qua đó, tuyên truyền cho người dân nêu cao ý thức về công tác phòng cháy chữa cháy”, ông Đức cho hay.
Tỉnh Thừa Thiên Huế có hơn 288.400 ha rừng, trong đó hơn 100.000 ha rừng trồng. Các vụ cháy rừng hàng năm phần lớn xảy ra trên diện tích rừng trồng nên các chủ rừng luôn cảnh giác khi bước vào mùa nắng nóng. Năm 2021, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế xảy ra 32 vụ cháy, thiệt hại 313 ha rừng các loại. Nhiều vụ cháy xảy ra hoặc kéo dài đến tận đêm khuya, gây khó khăn cho các lực lượng chữa cháy.
Ngay từ những ngày đầu mùa khô năm nay, các lực lượng Kiểm lâm, bảo vệ rừng và chủ rừng đã chủ động phối hợp xây dựng phương án phòng chống cháy và chữa cháy rừng, đặc biệt vào thời điểm ban đêm.
Ông Nguyễn Đại Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, lực lượng Kiểm lâm phối hợp với địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách thức đốt thực bì theo quy định, thường xuyên tuần tra, xử lý nghiêm các chủ rừng đốt thực bì không có giấy phép.
“Chúng tôi đã đẩy mạnh việc tuyên truyền trong bà con, đặc biệt, chỉ cho phép và cấp phép đốt thực bì khi thời điểm an toàn, nhiệt độ trên 36 độ C, ở cấp dự báo cháy rừng khoảng trên cấp 3 thì nghiêm cấm xử lý thực bì và dùng lửa ở trong rừng”, ông Tuấn cho biết thêm./.