Xử lý thuốc, sinh phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 tồn dư như thế nào?
VOV.VN - Bộ Y tế kiến nghị cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.
Sáng 11/5, báo cáo về kết quả thực hiện gia hạn, cấp số đăng ký lưu hành thuốc và trang thiết bị y tế tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ Y tế cho biết, Cục Quản lý Dược đã công bố 04 đợt với tổng số 10.572 thuốc (8.204 thuốc trong nước, 2.143 thuốc nước ngoài, 225 vaccine, sinh phẩm) được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31/12/2024. Căn cứ thời điểm hết hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế tiếp tục công bố các thuốc được tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành đến hết 31/12/2024.
Tổng số thuốc có giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc còn hiệu lực tại thời điểm hiện nay khoảng trên 22.000 thuốc. Bộ Y tế cũng đã gia hạn hiệu lực đến 31/12/2024 cho trên 12.500 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và giải quyết được cơ bản tình trạng thiếu trang thiết bị y tế.
Về xử lý vấn đề thuốc, sinh phẩm y tế phòng, chống dịch COVID-19 tồn dư, Bộ Y tế cho biết, ngày 27/4/2023, Bộ đã có Tờ trình Chính phủ số 561/TTr-BYT kèm theo Dự thảo Nghị quyết Chính phủ về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám chữa bệnh. Theo đó, Bộ Y tế kiến nghị cho phép các cơ sở khám chữa bệnh được điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.
Đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc Danh mục Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán thì đơn giá thanh toán bằng giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu nhưng không cao hơn giá thấp nhất tại kết quả trúng thầu còn hiệu lực đang được cơ quan Bảo hiểm xã hội thanh toán (giá tham chiếu) tại thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực. Trường hợp không có giá tham chiếu, Đơn giá thanh toán bằng giá mua vào theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đối với danh mục thuốc, vật tư, sinh phẩm không thuộc Quỹ Bảo hiểm y tế thanh toán thì các cơ sở y tế được phép thu của người bệnh bằng giá mua vào theo quy định.
Số kinh phí các cơ sở khám chữa bệnh thu được thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Tại cuộc họp, Bộ Y tế cũng báo cáo về nội dung tự chủ tài chính bệnh viên. Cụ thể, Bộ Y tế có 35 đơn vị đã được giao tự chủ tài chinh giai đoạn 2022-2025. Hiện còn 57 đơn vị cần thỏa thuận của Bộ Tài chính. Bộ Tài chính đã có văn bản thống nhất giao tự chủ (lần 1) cho Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai; thống nhất giao tự chủ lần 2 cho 08 đơn vị thuộc nhóm 1 và nhóm 2. Bộ Y tế đã ban hành Quyết định về việc giao quyền tự chủ tài chính cho các đơn vị này. Còn 47 đơn vị phân loại tự chủ tài chính thuộc nhóm 3, nhóm 4, Bộ Tài chính đang tiếp tục rà soát và thống nhất với Bộ Y tế.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị, trong tháng 5/2023, Bộ Tài chính phân loại tự chủ tài chính thuộc nhóm 3, nhóm 4 cho 47 đơn vị còn lại của Bộ Y tế.
Liên quan đến “Thông tư hướng dẫn xây dựng giá gói thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập" mà Bộ Y tế đang xây dựng, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Bộ Y tế đã dự thảo, xin ý kiến rộng rãi các Bộ, địa phương. Bộ Y tế đã họp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp, Công an; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, đơn vị liên quan để xin ý kiến dự thảo Thông tư, sẽ sớm báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Về đấu thầu thuốc, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các loại thuốc được sử dụng nhiều thì phải đấu thầu để có giá thành tốt nhất cho người dân. Đối với một số biệt dược giao cho địa phương đấu thầu, do đó Bộ Y tế điều chỉnh ngay danh mục thuốc đấu thầu, đồng thời thay đổi từ đấu thầu tập trung sang giao cho địa phương. Đồng thời, Văn phòng chính phủ sớm có văn bản gửi về cho các địa phương./.