Xử lý vi phạm ứng xử của công chức Hà Nội không có vùng cấm
VOV.VN -Việc xử lý cán bộ công chức Hà Nội vi phạm ứng xử không có vùng cấm, được thực hiện công khai, minh bạch và công bằng.
Năm 2017, nhiều hành vi ứng xử của cán bộ, công chức Hà Nội khiến dư luận bức xúc. Điển hình khi dư luận dậy sóng trước cách cư xử của Phó Chủ tịch quận Thanh Xuân “điều” chủ tịch phường và công an ra trông xe để ăn bún. Rồi cán bộ phường Văn Miếu gây khó dễ cho người dân khi đi làm giấy chứng tử….
Lãnh đạo Hà Nội cho rằng, trong xử lý vi phạm cách ứng xử của cán bộ công chức không có vùng cấm. |
Tại hội nghị tổng kết công tác mặt trận năm 2017 mới đây, ông Nguyễn Văn Sửu–Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Hà Nội cho hay: “Những thái độ, ứng xử trong cán bộ công chức của Hà Nội gây búc xúc trong dư luận vừa qua mà báo chí nêu chúng tôi đã xử lý rất nghiêm túc và đang tiếp tục làm. Không thể để Hà Nội văn minh thanh lịch lại có cán bộ công chức ăn nói, ứng xử không đúng mực”.
Là đơn vị được Hà Nội giao thí điểm triển khai việc thực hiện chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, ông Trần Huy Sáng – Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: “Trong quá trình xử lý không có vùng cấm. Đặc biệt, Thành ủy và UBND TP.Hà Nội đã có chỉ đạo xử lý rất nghiêm đối với những trường hợp vi phạm. Hành vi vi phạm được thực hiện công khai, minh bạch và công bằng”.
Ông Sáng còn cho hay, ngoài việc chấn chỉnh nghiêm, đến nơi đến chốn, Hà Nội còn thực hiện giám sát sát sao.
Thậm chí vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội của HĐND TP.Hà Nội đã nhờ một số phóng viên cài camera nhỏ ở ngực đi xuống cơ sở như những người dân để “phỏng vấn” thực tế.
“Nói chung, thái độ và cách ứng xử của cán bộ công chức từ cấp cơ sở đã thay đổi khá nhiều. Tất nhiên phải có một quá trình, tuy nhiên với cách làm của Hà Nội trong thời gian qua đã có hiệu quả và là kinh nghiệm để phát huy trong những năm tới”, ông Sáng cho biết.
“Thống kê cho thấy, hiện nay chưa có đối tượng nào bị phát hiện mà vi phạm đến lần thứ 2”, ông Sáng khẳng định.
Nói về cách ứng xử của cán bộ công chức, ông Sáng cho rằng, ngoài việc thực hiện đúng quy định ứng xử được ban hành thì một vấn đề quan trọng là nâng cao đời sống của cán bộ công chức.
“Để cho họ ý thức được rằng công việc đang nuôi sống họ. Nó phải đồng bộ gồm trách nhiệm, kỷ cương cùng với cuộc sống ổn định để họ tập trung công việc, chức trách do Nhà nước giao. Khi cán bộ công chức không phải bon chen với cuộc sống thì phần nào cũng làm thay đổi thái độ ứng xử theo xu hướng tích cực”./.
Tiêu chuẩn, điều kiện thi nâng ngạch công chức năm 2018
Bình Định xử lý 50 công chức chưa đạt chuẩn khi bổ nhiệm
Lương công chức TP.HCM tăng khoảng 1,8 lần vào năm 2020
Công chức và kỹ sư xây dựng đánh nhau trên máy bay