Xử phạt nặng nhà xe nhồi nhét, chặt chém dịp 30/4-1/5
VOV.VN - Đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xe khách vi phạm.
Nhà xe nhồi nhét, dừng đỗ đón trả khách lộn xộn dọc đường, chạy với tốc độ “rùa bò”… là tình trạng diễn ra phổ biến, đặc biệt là trong những dịp nghỉ lễ, tết. Để đảm bảo cho người dân có được những chuyến xe an toàn trong đợt nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, lực lượng CSGT toàn quốc đã có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp xe khách vi phạm.
Phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Thượng tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT, Bộ Công an về vấn đề này.
Thượng tá Đỗ Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục CSGT trả lời phỏng vấn
PV: Dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 4 ngày, dự báo lưu lượng người, phương tiện tham gia giao thông sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều phức tạp về trật tự an toàn giao thông. Cục CSGT đã có chỉ đạo gì, thưa ông?
Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Đã thành thông lệ, vào những dịp tết, nghỉ lễ dài ngày thì mật độ phương tiện và người tham gia giao thông tăng vọt, tập trung vào các cửa ngõ ra vào thành phố lớn, đô thị, các nhà ga, bến xe, bến tàu, các khu du lịch, địa điểm vui chơi giải trí… Tình trạng này làm phức tạp tình hình trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là việc ùn tắc giao thông tại các cửa ngõ thành phố vào đầu và cuối kỳ nghỉ, ùn tắc cục bộ tại các khu du lịch, nhất là các khu có đường cơ giới độc đạo, hẹp, điểm vui chơi giải trí.
Trên các tuyến giao thông đường bộ, việc gia tăng mật độ phương tiện cộng với tâm lý “xả hơi” của người tham gia giao thông dẫn tới những vi phạm như: Chở quá số người quy định, điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ, vi phạm phần đường, làn đường, sử dụng rượu, bia…; trên đường thủy thì việc lượng người gia tăng sử dụng phương tiện chở khách (đò ngang, đò dọc), tàu du lịch… đều tiềm ẩn nguy cơ dẫn tới tai nạn giao thông, nhất là những vụ tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.
Để phòng ngừa tai nạn, bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia và Bộ Công an, Cục CSGT đã xây dựng và triển khai kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông dịp nghỉ lễ 30/4-1/5, bầu cử Quốc hội khóa XIV và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo đó, lực lượng CSGT huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhằm kiềm chế tai nạn giao thông, hạn chế thấp nhất số vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, giảm các vụ ùn tắc giao thông trong cả nước, ngăn chặn kịp thời, xử lý nghiêm các trường hợp tụ tập, đua xe trái phép...
Đồng thời, thông qua công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, kinh tế, ma túy và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông. Đợt cao điểm này được thực hiện với mục đích phải thực sự có hiệu quả, góp phần làm chuyển biến tình hình trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông trọng điểm. Cục CSGT trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc CSGT Công an các địa phương trên các tuyến đường bộ, đường thủy trọng điểm (trên tuyến QL5, các tuyến cao tốc, khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường thủy Đông Bắc, tuyến sông Đồng Nai…), đảm bảo duy trì hoạt động cao điểm liên tuyến.
Trong đó, trên đường bộ sẽ tập trung kiểm tra, xử lý người điều khiển xe ôtô chở khách, ôtô tải, xe container, xe mô tô vi phạm. Phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. Trên đường sắt tập trung kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt là các đường ngang phức tạp về an toàn giao thông. Trên đường thủy tập trung vào các phương tiện chở khách tại các khu du lịch và các phương tiện vận tải hàng hóa trên sông; kiên quyết đình chỉ những phương tiện thủy không đảm bảo các điều kiện an toàn. Kế hoạch cao điểm này được thực hiện từ ngày 21/4/2016 đến hết ngày 31/5/2016.
PV: Cứ đến dịp nghỉ lễ, tình trạng nhồi nhét khách, dừng đỗ đón trả khách lộn xộn không đúng nơi quy định diễn ra khá phổ biến. Để giải quyết tình trạng này, Cục Cảnh sát giao thông có biện pháp nào, thưa ông?
Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Với việc triển khai thực hiện quyết liệt cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự xã hội trên các tuyến giao thông, trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, CSGT các đơn vị, địa phương tập trung kiểm tra, xử lý xe ô tô khách vi phạm chở quá số người quy định, xe không bảo đảm điều kiện an toàn kỹ thuật, dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định. Phải bố trí phương tiện khác để chở số hành khách vượt quá quy định được phép chở của phương tiện mới cho xe tiếp tục lưu hành. Duy trì phối hợp với các lực lượng Cảnh sát cơ động, Cảnh sát 113, Cảnh sát hình sự tổ chức kiểm tra xử lý nghiêm các hành vi gây mất trật tự an toàn giao thông, đua xe trái phép và các hành vi vi phạm pháp luật khác.
Việc thực hiện cao điểm đã đem lại hiệu quả đáng kể, ví dụ trên tuyến QL5 sau 5 ngày (21/4 – 26/4) thực hiện cao điểm tình hình trật tự an toàn giao thông đã đi vào ổn định, không xảy ra tai nạn giao thông, lực lượng CSGT trên tuyến kiểm tra, xử lý, kết quả đã phát hiện, xử lý 448 trường hợp vi phạm, tước giấy phép lái xe 39 trường hợp, tạm giữ 07 trường hợp, Kho bạc Nhà nước thu hơn 500 triệu đồng.
Tuy nhiên, để giải quyết tốt nhất vấn đề này đối với các xe vận tải hành khách dừng, đỗ, đón trả khách trái phép, chạy quá tốc độ, chúng tôi thấy cần phải áp dụng triệt để hệ thống kỹ thuật, đặc biệt là thiết bị giám sát hành trình 24/24, thiết bị này được kiểm định, các thông số kỹ thuật được in ra là căn cứ để CSGT xử phạt vi phạm mới giải quyết được cơ bản vi phạm trong kinh doanh vận tải.
PV: Khi người dân tham gia giao thông gặp phải tình trạng nhà xe nhồi nhét, chặt chém thì sẽ phản ánh sự việc trên tới cơ quan nào? Cục Cảnh sát giao thông sẽ chỉ đạo lực lượng CSGT các địa phương xử lý dứt điểm tình trạng này như thế nào, thưa ông?
Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Ngày 26/4, Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia đã công bố 9 số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận các thông tin phản ánh về trật tự an toàn giao thông dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5/2016. Theo đó, đã cung cấp những số điện thoại để ghi nhận phản ánh thông tin của người dân về hoạt động kinh doanh vận tải tại các bến xe, nhà ga, cảng thủy nội địa, các bến đò ngang; về giá cước vận tải; phản ánh về những vi phạm của nhà xe, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải; phản ánh về các vụ tai nạn giao thông, tình hình an toàn giao thông (chi tiết đã đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng hoặc truy cập Website Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia, địa chỉ: www.antoangiaothong.gov.vn). Trong quá trình tham gia giao thông, khi phát hiện thấy các trường hợp mất trật tự an toàn giao thông, tai nạn giao thông, người tham gia giao thông có thể phản ánh qua đường dây nóng của Cục Cảnh sát giao thông: 0692.342.608 hoặc có thể phản ánh qua đường dây nóng của CSGT các tỉnh, thành phố (chi tiết xin truy cập Website CSGT).
Như đã nói ở trên, thực hiện cao điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp nghỉ lễ, lực lượng CSGT kiên quyết xử lý các trường hợp phương tiện chở khách vi phạm trật tự an toàn giao thông, tập trung vào các lỗi như: Chở quá số người quy định; đón, trả khách không đúng nơi quy định; chạy quá tốc độ… Ngoài việc bố trí lực lượng, phương tiện cùng với CSGT các địa phương thực hiện cao điểm, Cục CSGT còn tập trung chỉ đạo liên tuyến, làm thay đổi tình hình trật tự an toàn giao thông, phòng ngừa và làm giảm thiểu tai nạn giao thông… Trong dịp nghỉ lễ, lãnh đạo Cục CSGT và các đơn vị nghiệp vụ sẽ trực tiếp xuống các tuyến và các địa bàn giao thông trọng điểm, phức tạp trong cả nước để đôn đốc, chỉ đạo lực lượng CSGT thực hiện nhiệm vụ đạt hiệu quả cao.
PV: Vậy ông có khuyến cáo gì đối với người tham gia giao thông trong dịp nghỉ lễ này?
Thượng tá Đỗ Thanh Bình: Cũng xin lưu ý với người tham gia giao thông dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 cần bố trí, tính toán thời gian phù hợp để ra và vào thành phố, các đô thị, khu du lịch, vui chơi giải trí để tránh ùn ứ cục bộ; khi tham gia giao thông cần tuyệt đối tuân thủ quy tắc giao thông; đã uống rượu, bia thì không lái xe, tuân thủ khoảng cách, khi chuyển làn phải có tín hiệu xin đường, đủ khoảng cách an toàn mới được chuyển làn; cần chú ý quan sát, thuần thục các kỹ năng điều khiển phương tiện và tham gia giao thông có văn hóa.
Năm nay có nhiều người tự điều khiển phương tiện đưa gia đình, người thân đi du lịch tại các điểm trên núi cao, chúng tôi khuyến cáo phải nghiên cứu, sử dụng, điều khiển thành thạo phương tiện, nhất là sử dụng tính năng hỗ trợ xuống dốc của xe số tự động khi đi đường đèo, dốc, cua gấp, nhất là xuống dốc phải giảm tốc độ bằng động cơ thay vì thường xuyên rà phanh để đảm bảo an toàn cho mình và người khác.
PV: Vâng! Xin cảm ơn ông!