Xuân ấm trên vùng Đà giang

VOV.VN - Cảnh sắc nên thơ mùa nước nổi, ẩm thực độc đáo vùng lòng hồ, cùng nhịp sống sôi động của người dân vùng tái định cư thủy điện Sơn La sau gần 20 năm nhường ruộng vườn, nhà cửa vì dòng điện của Tổ quốc… tất cả đã tạo nên một bức tranh xuân ấn tượng miền sơn thủy hữu tình – huyện Quỳnh Nhai (Sơn La).

 

Đà giang vào xuân là mùa đẹp nhất trong năm - mùa nước dâng. Những bãi bồi phù xa đều chìm trong lòng hồ, chỉ còn sông nước mênh mông trong xanh như ngọc bích, tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình. Bắt đầu từ khoảng tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, mùa nước nổi ở Quỳnh Nhai không chỉ giúp việc giao thương hàng hóa, đi lại của bà con đôi bờ thuận tiện hơn, mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho nghề nuôi cá lồng – sinh kế chính của người dân nơi đây.

Ngược dòng thời gian, cách đây gần 20 năm, huyện Quỳnh Nhai đã thực hiện cuộc đại di dân để xây dựng công trình Nhà máy thủy điện Sơn La - Nhà máy thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á (thời điểm đó); 8.435 hộ dân được di chuyển ra khỏi vùng ngập lòng hồ thủy điện, bằng 2/3 khối lượng công tác di dân trong toàn tỉnh.

Vì dòng điện của tổ quốc, ông Lò Văn Khặn, xã Chiềng Bằng cũng như bao người dân địa phương khi ấy đã nhường đất, nhường ruộng để xây dựng công trình. Di vén tới vị trí cao hơn, ngay cạnh lòng hồ với bao lo lắng, băn khoăn; thế nhưng diện tích mặt nước mênh mông cũng tạo ra những sinh kế mới.

Ông Khặn là hộ đầu tiên ở Chiềng Bằng được Nhà nước hỗ trợ thí điểm xây dựng mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện: “Lúc chuẩn bị di chuyển tới nơi ở mới gia đình tôi cũng băn khoăn, không biết nơi ở mới có ổn định không, nước lên thì đời sống làm thế nào. Thế rồi có lòng hồ thì chúng tôi bắt đầu nuôi cá lồng. Từ ngày nuôi thủy sản, gia đình tôi khấm khá hơn, thu nhập cao hơn trồng lúa trước đây. Hiện, gia đình có 100 lồng cá, thu mỗi năm 12 – 15 tấn, trừ chi phí cũng được 600 – 800 triệu/năm”.

Cũng giống như ông Khặn, bàn tay vốn chỉ quen làm ruộng, trồng ngô, trồng sắn của anh Lò Văn Sơn, xã Chiềng Ơn nay đã dày dặn kinh nghiệm nuôi cá trên lòng hồ. Anh Sơn đang sở hữu 30 lồng cá, cuộc sống mới trên vùng đất tái định cư cũng ngày một khấm khá hơn.

“Trước gia đình tôi ở Chiềng Bằng, sau đó di chuyển vào Chiềng Ơn, không có đất canh tác thì bám sông, bám hồ nuôi cá thôi. Được huyện khuyến khích nuôi trồng thủy sản, gia đình tôi được hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi cá. Nhà tôi nuôi chủ yếu là cá lăng, được thương lái Hà Nội mua với giá từ 100 – 120/kg. Từ lúc nuôi cá lồng cuộc sống cũng khá hơn, có đồng ra đồng vào ổn định cuộc sống”, anh Sơn nói.

Hơn 10.000 ha mặt nước lòng hồ thủy điện Sơn La trải dọc địa bàn 9 xã, là tiềm năng, lợi thế để huyện Quỳnh Nhai phát triển nuôi trồng thủy sản. Toàn huyện có trên 7.000 lồng cá, sản lượng đạt 1.700 tấn/năm. Không chỉ giải quyết được bài toán thiếu đất sản xuất, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, phá thế độc canh cây lúa, Quỳnh Nhai còn có những sản phẩm độc đáo, mang đậm thương hiệu vùng lòng hồ, trong đó phải kể đến cá tép dầu đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao, chả cá sông Đà đạt OCOP 3 sao…

Bà Điêu Thị Hà, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho biết: “Việc triển khai sản phẩm OCOP và các sản phẩm cá sông Đà bước đầu đem lại hiệu quả cho sản xuất, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Quỳnh Nhai. Xây dựng các sản phẩm OCOP cũng giúp cho các sản phẩm nâng cao giá tị, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho bà con. Đồng thời, cũng nâng cao nhận thức cho các HTX, doanh nghiệp, hộ gia đình trong các khâu sản xuất, tiếp cận thị trường”.

Đà giang mùa nước nổi trở thành điểm hẹn hấp dẫn với những ai muốn trải nghiệm “biển xanh trong lòng núi”. Đó là khung cảnh ấn tượng của mặt hồ trong veo in bóng dãy núi hùng vĩ, những chuyến thuyền ngược xuôi nhộn nhịp khi bình minh; là góc sông Đà lung linh huyền ảo khi hàng nghìn vó đèn bừng sáng trong đêm tối hay trải nghiệm cùng nông dân đánh bắt cá và thưởng thức ẩm thực độc đáo vùng lòng hồ…

Vừa đáp ứng nhu cầu của du khách, cũng để tạo thêm việc làm cho người dân, nhiều mô hình, dịch vụ du lịch trải nghiệm lòng hồ thủy điện Sơn La đã hình thành tại Quỳnh Nhai trong những năm gần đây.

Anh Là Văn Phong, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch Quỳnh Nhai Travel nói: “Hiện, đơn vị chúng tôi kinh doanh 2 mảng chính là tua du lịch lòng hồ thủy điện Sơn La và nuôi trồng thủy sản. Mô hình của chúng tôi đã thu hút rất nhiều đoàn viên thanh niên và sinh viên mới ra trường ở các trường đại học trở về quê hương”.

Quỳnh Nhai đang tập trung các nguồn lực, cùng với các địa phương hiện thực hóa mục tiêu của tỉnh Sơn La là đến năm 2030 xây dựng vùng lòng hồ thủy điện Sơn La trở thành khu du lịch Quốc gia. Đồng thời, phấn đấu cán đích huyện nông thôn mới đầu tiên của Sơn La vào năm 2025.

Ông Cầm Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Nhai cho biết: “Huyện đã huy động các nguồn lực để hoàn thiện kết cấu hạ tầng theo Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt, đảm bảo đồng bộ, kết nối với xã và vùng. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất, phát huy các sản phẩm lợi thế của huyện, hình thành vùng sản xuất nguyên liệu hàng hóa tập trung, quy mô, đảm bảo tiêu chuẩn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến và xuất khẩu. Kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư trên địa bàn, quy hoạch, xây dựng và đưa vào hoạt động cụm công nghiệp, xây dựng nhà máy chế biến trên địa bàn để nâng cao giá trị các sản phẩm hàng hóa”.

Thật khó có thể kể hết được những đổi thay trên vùng đất tái định cư Quỳnh Nhai trong gần 20 năm qua. Chỉ biết rằng, hình ảnh về nhịp sống sôi động, câu chuyện về nơi ở mới với những sinh kế mới khấm khá hơn, cùng nét đẹp của “biển xanh trong lòng núi” đã để lại nhiều cảm xúc cho bất cứ ai có dịp ghé thăm, để rồi “phải lòng” vẻ đẹp đầy sức hút của miền quê thanh bình bên dòng Đà giang./.  

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Khởi sắc vùng quê bên dòng Đà giang
Khởi sắc vùng quê bên dòng Đà giang

VOV.VN - 12 năm về trước, khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Quỳnh Nhai là một trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Mặc dù xuất phát điểm thấp, lại phải di vén dân tái định cư thủy điện Sơn La, nhưng nay, Quỳnh Nhai đã “chuyển mình”, diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc.

Khởi sắc vùng quê bên dòng Đà giang

Khởi sắc vùng quê bên dòng Đà giang

VOV.VN - 12 năm về trước, khi bắt đầu triển khai Chương trình xây dựng Nông thôn mới, Quỳnh Nhai là một trong 5 huyện nghèo của tỉnh Sơn La. Mặc dù xuất phát điểm thấp, lại phải di vén dân tái định cư thủy điện Sơn La, nhưng nay, Quỳnh Nhai đã “chuyển mình”, diện mạo nông thôn nhiều khởi sắc.

Lượng khách du lịch tăng gấp 3, Sơn La đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng
Lượng khách du lịch tăng gấp 3, Sơn La đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng

VOV.VN - Năm 2022, tỉnh Sơn La đã đón khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2021; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước.

Lượng khách du lịch tăng gấp 3, Sơn La đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng

Lượng khách du lịch tăng gấp 3, Sơn La đạt doanh thu hàng nghìn tỷ đồng

VOV.VN - Năm 2022, tỉnh Sơn La đã đón khoảng 3,2 triệu lượt khách du lịch, tăng gấp 3,5 lần so với năm 2021; doanh thu từ hoạt động du lịch ước đạt 2.800 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với năm trước.

Nhiều điểm du lịch tại Sơn La thu hút khách dịp nghỉ lễ
Nhiều điểm du lịch tại Sơn La thu hút khách dịp nghỉ lễ

VOV.VN - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tại tỉnh Sơn La đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch đặc sắc phục vụ người dân và du khách. Nhiều điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ.

Nhiều điểm du lịch tại Sơn La thu hút khách dịp nghỉ lễ

Nhiều điểm du lịch tại Sơn La thu hút khách dịp nghỉ lễ

VOV.VN - Dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 năm nay, tại tỉnh Sơn La đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, du lịch đặc sắc phục vụ người dân và du khách. Nhiều điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong 2 ngày đầu của kỳ nghỉ.