Xuân sớm trên vùng cao Pá Lông
VOV.VN - Hòa với không khí vui tươi chuẩn bị đón tết cổ truyền của của cả nước, đồng bào Mông ở xã vùng cao Pá Lông, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La cũng chuẩn bị đón tết vừa đầm ấm, vừa thực hiện tốt quy định phòng chống dịch Covid-19.
Bà con trong bản Pá Lông ai ai cũng tranh thủ những ngày gần tết đến xát thóc, tất bật sửa soạn, chuẩn bị lá dong, đồ xôi, giã bánh dày ngày tết. Đối với đồng bào Mông, bánh giầy đã trở thành thứ không thể thiếu trong ngày lễ tết, không chỉ để cúng tổ tiên, mời khách và làm quà biếu khách đến chúc tết, mà còn là món thể hiện sự sum họp gia đình trong những ngày đầu năm mới.
Mặc dù năm 2021 này xã không tổ chức ăn tết, vui xuân như mọi năm, không có các phần lễ hội, trò chơi dân gian…do dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhưng nhà nào cũng đã chuẩn bị cho gia đình mình có một cái tết đầm ấm. Bà Giàng Thị Chí, một người dân ở bản Tìa Tậu cho biết: “Do tình hình dịch bệnh phức tạp, không tổ chức ăn tết to, gia đình chỉ làm mâm cơm cúng ông bà, tổ tiên và mời anh em đến cùng chung vui thôi”.
Tương tự, gia đình ông Mùa Dúa Sái, người dân ở bản Tịa cũng chuẩn bị đầy đủ cho con cháu đón Tết cổ truyền, gặp mặt đầu xuân, chúc nhau những lời tốt đẹp. Đến chiều tối 30 tết, gia đình ông cũng như các gia đình khác bắt đầu mổ lợn, gà để làm mâm cơm cúng ông bà tổ tiên.
“Năm cũ qua đi, năm mới đến, tối 30 chúng tôi mổ gà làm mâm cỗ cúng tổ tiên. Trong mâm cỗ không thể thiếu rượu, gà, bánh giầy. Hôm sau (01 tết), gia đình lại cúng, gọi ông bà, tổ tiên về ăn tết, phù hộ cho con cháu trong năm mới không ốm đau, bệnh tật, phát tài phát lộc”, ông Mùa Dúa Sái cho biết thêm.
Xã Pá Lông hiện có 8 bản, 100% là dân tộc Mông. Do là xã vùng cao cách trung tâm huyện hơn 50 km, đường đi lại khó khăn nên việc giao thương hàng hóa với các khu vực khác còn hạn chế, hộ nghèo và cận nghèo vẫn còn cao, chiếm 81% toàn xã.
Tuy nhiên, chính quyền và bà con đang nỗ lực vượt qua những khó khăn đó bằng việc duy trì trồng ngô lúa trên những diện tích đất tốt để đảm bảo lương thực; chuyển những diện tích đất đồi kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả trên đất dốc và phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm. Vì thế, với diện tích đất nông nghiệp trên 3000 ha, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2020 của xã đạt trên 2.000 tấn, cao hơn so với kế hoạch đặt ra và không còn hộ đói. Chăn nuôi cũng phát triển hơn với đàn trâu, bò, lợn, dê trên 2.000 con và gia cầm gần 9.000 con.
Ông Chá A Và, Chủ tịch UBND xã Pá Lông chia sẻ: Đảm bảo gia đình nào cũng có tết, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trong xã thăm hỏi, động viên kịp thời các gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo, trẻ em mồ côi, người già neo đơn không nơi nương tựa…
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, xã đã chỉ đạo người dân vừa vui xuân đón Tết, vừa phải đảm bảo an ninh trật tự, thực hiện tốt các quy định về phòng chống dịch bệnh. Hết Tết không tụ tập chè chén rong chơi, mà phải bắt tay vào lao động sản xuất, đảm bảo mùa vụ.
"Đảng ủy, UBND xã cũng đã có kế hoạch tuyên truyền đến bà con. Năm nay dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp nên bà con chỉ tổ chức vui tại gia đình để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch. Thứ 2, xã chỉ đạo tất cả ăn tập trung trong một tết, bà con cũng đã chuẩn bị bánh, chuẩn bị đầy đủ các thứ để ăn tết. Đồng thời chỉ đạo công an xã xây dựng kế hoạch bảo vệ tết, đảm bảo an ninh trật tự trước, trong và sau tết an toàn", ông Chá A Và, Chủ tịch UBND xã Pá Lông nhấn mạnh.
Mùa xuân đã về trên rẻo cao Pá Lông. Ở nơi này, chính quyền và người dân đang cùng chung lòng chăm lo Tết đủ đầy, an toàn và tiết kiệm, không ai bị bỏ lại phía sau./.