Xuân về nơi đầu sóng tiền tiêu Đông Bắc
VOV.VN - Nơi vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc, nơi vừa là hải đảo vừa là biên cương, mùa xuân dường như đến muộn hơn.
Vừa nghe radio dự báo thời tiết, anh Nguyễn Văn Việt vừa cùng bạn thuyền chất lên tàu nào gạo, nào rau xanh cho chuyến biển cuối năm. Hôm nay là một ngày nắng hanh, biển Cô Tô xanh ngọc nhạt, cầu cảng lao xao những tàu cá chuẩn bị rời bến.
Cười tươi rói, anh bảo, tàu đi tới 29 sẽ về ăn Tết. Như thói quen, anh luôn kiểm tra lại hai lá cờ đỏ sao vàng trên nóc tàu, vững tâm có một điểm tựa giữa muôn trùng khơi. Anh Việt tâm sự: “Nghề lưới xa bờ này tàu bé cũng nhiều cái khó lắm chứ. Nhưng mình phải quyết tâm đi biển thôi, thứ nhất là kinh tế gia đình, thứ hai là biển đảo quê hương mình mà, thiêng liêng thì phải giữ chứ”.
Người ngư dân nói nhẹ tênh, nhưng tôi biết để có những khoang tàu đầy cá là bao ngày biển động sóng cả. Theo chân người đi rừng đã khó, theo chân người đi biển còn khổ cực hơn. Nơi tàu anh lướt sóng là vùng biển tiền tiêu Đông Bắc xa xôi, mỗi năm hứng cả chục cơn bão, áp thấp to nhỏ. Chưa kể nơi đây giáp biên giới biển đường phân định vịnh Bắc bộ, không ít lần gặp tàu cá Trung Quốc xâm phạm. Những khi ấy, không chỉ tránh đụng độ, các anh còn điện về báo lực lượng chức năng.
Tổ quốc có hơn 3.000 hòn đảo thì riêng vùng biển địa đầu Quảng Ninh đã có hơn 2.000, hàng nghìn ngư dân như anh Việt ngày ngày vẫn ra khơi trên vùng biển rộng 6.000 km2 thuộc vịnh Bắc bộ.
Ông Lê Thanh Có, lão ngư đã gần 70 tuổi trên đảo Vĩnh Thực (TP Móng Cái, Quảng Ninh), hòn đảo gần đất liền nhưng cũng gần biên giới biển, nói rằng, hơn ai hết, ngư dân ở đây luôn ý thức gìn giữ chủ quyền biển đảo nơi phên dậu. Vào mùa có hàng trăm tàu thuyền bè mảng của ngư dân Vĩnh Thực, Cái Chiên qua lại, vừa đánh bắt vừa làm “tai mắt” trên biển. “Ngư dân ở đây đi biển không đi quá đường phân định đâu. Phát hiện, nghi ngờ có tàu nào xâm phạm chủ quyền thì báo với biên phòng. Có buôn lậu trên biển phát hiện được cũng báo cáo cho xã, biên phòng cùng phối hợp”, ông Có nói chắc nịch.
Thượng tá Đào Trọng Vân, Chính trị viên Đồn Biên phòng cảng cửa khẩu Vạn Gia trên đảo Vĩnh Thực từ tốn bảo, “tất cả là nhờ vào dân hết đấy”. Nơi các anh đóng quân, cũng như các đồn tuyến đảo khác, dù tuần tra thường xuyên đến mấy cũng chẳng thể rõ từng luồng khơi, con sóng: “Tuyến biên giới biển hoàn toàn khác với đất liền, khó khăn chủ yếu về thời tiết khí hậu. Để bảo vệ được thì phải dựa vào quần chúng nhân dân. Vừa rồi chúng tôi tuyên truyền thành lập 8 đội an ninh tự quản thôn xóm và 2 đội tàu thuyền tự quản ngư trường bến bãi, vận động nhân dân đánh cá bên mình và khu vực chung”.
Quân dân cùng đồng lòng, khu vực biên giới biển luôn ổn định. Khi có ngư dân nước bạn xâm phạm, các anh cũng khéo léo xua đuổi, tránh bắt giữ gây căng thẳng. Phối hợp cùng các lực lượng khác, người lính quân hàm xanh luôn làm tốt nhiệm vụ cứu nạn biển, giúp đỡ hàng trăm ngư dân gặp giông lốc, đắm tàu.
Từ Vĩnh Thực nhìn về đất liền đã thấy mũi Sa Vĩ, nơi “đặt nét bút vẽ lên hình chữ S” mờ mờ trong sương. Đây là cửa sông Bắc Luân, nơi có điểm số 1 trên biên giới biển và cũng có cột mốc 1378 cuối cùng biên giới đất liền Việt-Trung.
Chú thích ảnh |
“Cột mốc này cũng nhờ bà con mà xây dựng được đấy”. Thiếu tá Loan Thanh Huỳnh, Chính trị viên phó đồn Biên phòng Trà Cổ tự hào kể. Cột mốc 1378 nằm trên hòn Dậu Gót, nơi nước triều lên xuống ngập 4-5m, cách bờ hàng trăm mét. Năm 2009, để xây mốc phải đào sâu đến chục mét, để khi nước lên mốc vẫn uy nghi giữa biển. “Quá trình vận chuyển nguyên vật liệu phải nhờ thuyền của bà con, nhất là đồng bào Công giáo ở đây hăng hái góp công góp sức. Mốc 1378 là mốc cuối cùng ta xây dựng, nhờ đó mà hoàn thành trước thời hạn”.
Trên bãi triều địa đầu, người Trà Cổ vẫn đang tất bật cào ngao vạng, đào sá sùng. Phía xa, bè mảng của ngư dân trở về nào ghẹ, nào mực tươi rói. Trà Cổ từ một làng chài phên dậu nay đã “lên phố”, khang trang đẹp đẽ. Nhưng, không chỉ có nơi này, theo những con tàu, tôi chứng kiến nhiều xã đảo tiền tiêu Đông Bắc đang dần thay da đổi thịt. Ngư nghiệp, nông nghiệp, rồi nhiều dự án du lịch trên “những bãi biển đẹp nhất Việt Nam” đã giúp người dân làm du lịch cộng đồng, kinh tế bền vững. Không xã đảo nào của Quảng Ninh không có điện lưới quốc gia, không có lớp học, trạm y tế.
Đêm ở đảo, nhìn mặt biển tàu thuyền tấp nập như sao giăng. Dân đảo như anh Việt, ông Có không chỉ mưu sinh mà đang làm giàu trên chính vùng biển quê hương, vững lòng bám biển bảo vệ chủ quyền.
Ngày cuối năm, tôi đứng nơi nền đá vững chãi của cột mốc 1378 nhìn ra phía biên giới biển mà hình dung ra những “cột mốc” đâu đó giữa trùng khơi. Tôi đã đến Cô Tô nơi có dấu chân Bác Hồ, đảo Trần “Trường Sa của Quảng Ninh”, đã đi trên bãi cát trắng trứ danh của Quan Lạn, Ngọc Vừng, nhưng chắc chắn chẳng thể nào đi hết hơn 2000 hòn đảo địa đầu Đông Bắc.
Các đồn biên phòng tuyến đảo đang rộn ràng chuẩn bị quà tết trao bà con. Tết nơi đảo, nơi địa đầu dường như đến muộn hơn, bởi ngoài kia người lính vẫn đang tuần tra gác biển, ngư dân vẫn vượt sóng ra khơi với hy vọng “lộc biển” đầy thuyền. Đảo nào cũng có hoa đào, nhưng nụ hoa vẫn còn e ấp, chờ những người con của biển trở về đón một mùa xuân ấm áp./. Bộ đội Sơn La góp sức gieo chữ nơi biên cương Tây Bắc