Mùa xuân đầu tiên
Ra đời sau ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược, “Mùa xuân đầu tiên” đã khiến công chúng yêu nhạc ngỡ ngàng bởi nó đã nói được tình cảm của hàng triệu người dân Việt Nam
Văn Cao - tác giả bài “Tiến quân ca” - Quốc ca của Việt Nam. Văn Cao - tác giả những bài ca “tiền chiến” nổi tiếng: Thiên Thai, Buồn tàn thu, Suối mơ, Cung đàn xưa, Bến xuân... (còn có tên là “Đàn chim Việt”) và những ca khúc kháng chiến bất hủ: Sông Lô, Làng tôi, Ngày mùa, Chiến sĩ Việt Nam, Tiến về Hà Nội... Ông là một cây đại thụ trong nền âm nhạc hiện đại Việt Nam. Nhưng tất cả mạch âm nhạc trong ông dường như bị tắc nghẽn từ năm ông 31 tuổi. Ai ngờ, 22 năm sau - 1976, sau ngày đất nước sạch bóng quân xâm lược, non sông liền một dải, chúng ta vừa vui mừng, vừa ngỡ ngàng khi thấy ông cho ra đời bài “Mùa xuân đầu tiên” - một ca khúc quá xuất sắc, xứng đáng nối tiếp giá trị những bài hát ngày trước của ông.
Rất khác lạ, nhạc sĩ bắt đầu bài hát của mình: “Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về. Mùa bình thường mùa vui nay đã về. Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên, với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông...”. Sao lại nói cách vào bài hát như vậy là khác lạ? Bởi nó được mở đầu bằng tiếng “rồi”. Thường thì phải có cái gì trước đó, mới tiếp tục bằng “rồi”. Song, ở đây, ta thấy rõ: mùa xuân đầu tiên như vừa nói không phải bỗng dưng có, từ trên trời rơi xuống, mà là sự nối tiếp của lịch sử, là kết quả tất yếu của mấy nghìn năm dân tộc ta đánh giặc, giữ nước, là bình thường, đúng quy luật, là kết cục tất yếu đã nhằm tới. Vậy nên tác giả đã bắt đầu bằng tiếng “rồi” như thế, và ông còn nói rõ hơn ở câu thứ hai: “Mùa bình thường, mùa vui nay đã về”. Tuy đó là “mùa xuân mơ ước” nhưng chỉ là “bình thường”. Văn Cao đã nói đúng được ý nghĩa, tình cảm của 50 triệu người Việt Nam khi đó: sự kiện vĩ đại nhất của lịch sử dân tộc là một kết cục tất yếu. Đó là ý nghĩ của người có bản lĩnh, tự tin, không bao giờ tự khuếch trương thành quả dẫu sự thật có lớn lao đến mức nào. Tôi bỗng liên tưởng đến 2 câu thơ rất sâu sắc của Chế Lan Viên như một sự đúc kết về tư thế dân tộc ta: “Người chiến thắng có cần chi phải thét / Ở đất này im lặng cũng xung phong”.
Vâng. Đó là cái “bình thường” từ cái “vĩ đại”, trong cái vĩ đại. Và âm nhạc của cả đoạn A bài hát cũng rất phù hợp với cái “bình thường” trở nên bình thản đó: chậm rãi, từ tốn. Nếu nhớ lại không khí âm nhạc lúc ấy (bối cảnh bài hát ra đời) ta thấy đều chung một âm hưởng sôi nổi, dạt dào, rất hứng khởi như những tiếng tung hô, reo vui (có thể thấy rõ ở một số bài nổi tiếng: “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” của Phạm Tuyên, “Đất nước trọn niềm vui” của Hoàng Hà; “Em có nghe âm vang ngày mới” của Nguyễn An, “Tổ quốc yêu thương” của Hồ Bắc, “Hát về Tổ quốc tôi” của Hữu Xuân; “Tình em biển cả” của Nguyễn Đức Toàn, “Trên đường hạnh phúc” của Văn An).
Riêng “Mùa xuân đầu tiên” của Văn Cao nằm trong số rất ít những ca khúc không sôi động như trên, mà có cái “tông” khác hẳn: trầm lắng, bồi hồi, bâng khuâng. Càng nghe, ta càng thấy có gì đó như nghẹn ngào, cảm động, thậm chí là bùi ngùi, se sắt. Tiết tấu 6/8 dìu dặt, khoan thai, âm nhạc toàn bài gần như không có xáo trộn, ngoại trừ một âm hình gồm nốt móc đơn, có chấm đôi kế tiếp 3 nốt móc kép ở câu nhạc thứ 3 rồi được nhắc lại để củng cố nhiều lần sau đó. Nghe đến đây, ta có cảm giác như những giọt nước mắt rơi. Vâng, đó là nước mắt lăn ra từ sự sung sướng, hạnh phúc tuyệt đỉnh - nước mắt của sự hội ngộ bao người chia ly cách biệt sau bao năm. Còn của cả những gia đình sum họp mà không đầy đủ thành viên bởi có người đã vĩnh viễn nằm xuống trong lòng đất mẹ. Văn Cao cũng đã nói đến những giọt nước mắt ấy: “Nước mắt trên vai anh, giọt rơi ấm đôi vai anh. Niềm vui phút giây như đang long lanh”. Nước mắt long lanh thì rõ. Nhưng sao niềm vui lại long lanh? Bởi những giọt nước mắt đó là niềm vui và niềm vui lớn lao nhất, cũng là sâu sắc nhất thường lại được bộc lộ bằng những giọt nước mắt chứ không phải lúc nào cũng reo vui.
“Mùa xuân đầu tiên” có cái thâm thúy, sâu sắc của người từng trải, lại có cả sự hồn nhiên, tươi tắn của tuổi trẻ. Nhưng phải những bạn trẻ hiểu biết, có nhận thức, có suy nghĩ về đất nước, dân tộc, có gu thẩm mỹ cao mới thẩm thấu được bài hát, mới thấy hết giá trị nhân văn và thẩm mĩ của tác phẩm. Ta vẫn thấy một hiện tượng: ngay cả những nhạc sĩ rất giỏi đôi khi vẫn bị rơi vào tình trạng: bài hát chỉ đặc sắc đoạn đầu, đến phần sau, về cuối thấy đuối dần, do cảm xúc cạn phải phát triển âm nhạc bằng kỹ thuật. Nhưng “Mùa xuân đầu tiên” thì trọn vẹn cảm xúc từ đầu đến cuối. Mở đầu bài đã hay, đã rất độc đáo, ấn tượng như đã nói. Càng về sau, càng cuốn hút người nghe hơn, đặc biệt ở đoạn B với những lời ca thật sâu sắc, tưởng như tác giả rút hết ruột gan ra mà viết nên: “Từ đây người biết quê người. Từ đây người biết thương người. Từ đây người biết yêu người...”. Mùa xuân 1976, đó là mùa xuân đầu tiên trong lịch sử dân tộc, cả trăm năm qua Việt Nam mới được trọn vẹn độc lập, tự do, thống nhất. Tất cả đều “từ đây”. Mấy tiếng thật nôm na, bình dị: người biết quê người, người biết thương người, người biết yêu người đâu dễ nói được. Sự toàn vẹn từ “Mùa xuân đầu tiên” trả lại cho con người nhân cách, trả lại cho họ những gì Người nhất. Quả là một tư duy của một nhạc sĩ lớn và không phải bất cứ lúc nào cũng có được.
Khi Văn Cao còn sống, có lần tôi nói với ông: “- Bài “Mùa xuân đầu tiên” khác hẳn những bài hát trước đây của anh. Vẫn là một cô gái đẹp nhưng cô này lạ lẫm. Người đàn ông nào tiếp xúc cũng mê ngay, nhưng không dễ gì chinh phục được trái tim cô ta, kể cả bậc nam nhi tài hoa”. Ý tôi muốn nói ai cũng thích bài hát nhưng không dễ gì hát cho hay, ngay cả ca sĩ trứ danh, vì thú thực, tôi chưa nghe ai hát bài này hay cả.
Văn Cao chỉ cười, khẽ gật gù, không nói gì như phong cách quen thuộc của ông. Tôi lại hỏi tiếp: “- Từ căn nguyên gì mà sau mấy chục năm bỗng nhiên anh lại nghển cổ cất giọng hát lên được một bài đặc sắc, bất ngờ như vậy?”. Lúc này Văn Cao mới nói: “- Cậu là nhạc sĩ đồng thời là nhà lý luận cứ việc cắt nghĩa bởi lịch sử, bởi bối cảnh xã hội, bởi nọ kia tác động đến người sáng tác. Còn mình thì chỉ thấy: lúc đó không thể không viết bài hát. Vẽ, làm thơ chưa thỏa, phải là bài hát mới sướng. Thế là ngồi vào đàn, tuôn ra”.
Lại hỏi: “- Anh viết bài này có lâu không?”. Trả lời: “- Nhanh gần như một mạch. Sau đó, không cần sửa nhiều về âm nhạc, chỉ mất công nghĩ phần lời”. Rồi ông đột ngột hỏi tôi: “Cậu thấy thế nào? Trong số các ca sĩ hát, cậu có để ý không? Ai hát hợp nhất?”. Tôi mạnh dạn thưa: “Tôi nói rồi, bài này như một cô gái đẹp, lạ lẫm nhưng đài các, rất khó tiến gần để chinh phục. Vì vậy, thú thực, tôi chưa thấy ai hát ra được vấn đề của bài”. Văn Cao lại gật gù, có vẻ tâm đắc./.