Số phận một bài thơ

Đến giờ, ngoài hai nhạc sĩ – Văn Thành Nho và Phan Lạc Hoa – các nhạc sĩ Đoàn Bổng, Trần Thanh Tùng… cũng đã phổ “Đêm Sông Cầu” thành bài hát.

Mùa đông năm 1982, tôi đã 10 tuổi quân, mang quân hàm trung úy.

10 năm trước, tôi – một sinh viên năm thứ tư, năm cuối, khoa Vật lý, trường Đại học Sư phạm Hà Nội – cùng với bạn bè, hợp thành một tiểu đoàn tân binh 500 người, rời sân vận động nhà trường, đi bộ trong mưa rào chiều hạ, giữa cây và người Hà Nội ròng ròng đưa tiễn, với quân phục Tô Châu mới toanh, ra ga Hàng Cỏ.

Một khúc Sông Hồng

Tàu tắt đèn, chạy thầm vào ga Bỉm Sơn. Chúng tôi xuống tàu, đi bộ qua những quả đồi miền tây Thanh Hóa, dự một khóa huấn luyện bộ binh, rôì phiên chế vào các đơn vị khác nhau, đợi ngày ra trận.

Nhưng tôi đang kể về mùa đông 10 năm sau đó, mùa đông năm 1982.

Tháng Chạp năm ấy, tôi nhận tin dữ: người con gái tôi yêu bị tai nạn ô tô trong khi làm nhiệm vụ (nàng là học sinh quân sự của một trường quân y) và đang nằm ở Khoa Cấp cứu, Viện Quân y 105.

Tôi tới viện, bác sĩ cho biết, nàng bị chấn động sọ não, gãy vụn xương đòn phải, mẻ côn quay tay phải và rạn xương chậu phải – tất cả đều bên phải. Tôi tới phòng cấp cứu. Nàng vừa tỉnh. Thấy tôi, nàng khóc, nhiều nước mắt hơn cả phụ nữ Hà Nội trong mưa năm xưa tiễn 500 thằng sinh viên bọn tôi ra trận!.

Tôi bảo: “Em đừng khóc! Ra viện, nếu em thành thương binh nặng, ta cũng sẽ cưới nhau ngay”. Nàng gượng cười nhưng nước mắt lại còn nhiều hơn.

Áp Tết, nàng ra viện. Những chiếc nẹp và những mối dây i-nox buộc xương đòn phải của nàng còn làm nàng đau. Đến tận giờ, nó vẫn nằm đấy và nhắc nàng về tai nạn kinh hoàng xưa, mỗi khi trái gió trở trời.

Mồng hai Tết năm ấy, theo kế hoạch, chúng tôi sẽ làm lễ cưới. Đám cưới nhà binh – gia tài sau khi cưới là hai cái ba-lô, một của tôi và một của nàng. Cỗ cưới cũng là cỗ Tết.

Đêm ba mươi, hai đứa tôi ngồi luộc bánh chưng giữa nhà. Đài TNVN phát chương trình ca nhạc giao thừa. Bài đầu tiên là bài “Từ phương anh, từ phương em”, nhạc Văn Thành Nho, phỏng thơ Đỗ Trung Lai. Lê Dung hát.

Chúng tôi cùng cả nhà nghe hát và vô cùng hạnh phúc, vì ca từ Dung hát giữ được rất nhiều lời thơ trong bài “Đêm Sông Cầu” tôi tặng nàng hai năm trước. Dung lúc đó lại đang hát rất hay. Nguyên văn bài thơ như sau:

Anh qua sông Hồng, sông Đuống

Mùa mưa bọt nước đỏ ngầu

Không biết ở nơi em ở

Êm êm một khúc sông Cầu.

Tiếng một con tôm búng nước

Vó bè ai cất sau lưng

Sao trời lọt qua mắt lưới

Rơi đầy xuống cả mặt sông.

Con sông của người quan họ

Suốt đời nước chảy lơ thơ

Em ơi em là cô gái

Từ lâu anh đợi anh chờ.

Em là cô Tấm thảo hiền

Đến giữa đời anh trẩy hội

Tình đã trao nhau êm đềm

Mà vẫn mắt nhìn bối rối.

Sông Cầu khi đầy khi vơi

Chảy ngang qua câu quan họ

Ướt đầm vạt áo bao người

Vạt thương ướt cùng vạt nhớ.

Em nói nhẹ như hơi thở

Anh nghe để nhớ suốt đời

Giữ tình yêu như giữ lửa

Đừng quên, đừng tàn, đừng nguôi.

Tình yêu có từ phương em

Đi qua tháng năm chờ đợi

Tình yêu cũng từ phương anh

Lửa rừng bồn chồn góc núi.

Tình yêu có từ hai ta

Chẳng đủ gần mà giận dỗi

Nhà xa mặt trận càng xa

Gặp nhau lần nào cũng vội.

Ngày mai chắc là nhiều nắng

Nên sao giăng khắp trên đầu

Ngày mai chặn miền Ải Bắc

Tựa lưng vào đêm sông Cầu.

Năm sau, khi tôi đang công tác cùng Lê Dung ở Festival Thanh niên Việt – Xô tại TP Hồ Chí Minh thì nhận tin vợ tôi ở nhà sinh cháu gái đầu (Quế Nga). Tôi kể chuyện cho Lê Dung nghe, Lê Dung nhận là mẹ đỡ đầu của cháu và có quà cho cháu. Anh Nho, tôi và Dung còn thân nhau mãi đến sau này.

Tất nhiên, nếu không có những “Đêm Sông Cầu” mà người yêu tôi tặng cho tôi, thì sẽ không bao giờ có bài thơ ấy. Nhưng nếu không có nhà thơ Phạm Tiến Duật, cũng chưa chắc có bài thơ ấy. Số là, năm 1980, tôi chỉ thích viết thơ dài. Anh Duật bảo tôi: “Anh đố chú làm được thơ ngắn. Thơ ngắn mới khó”. Thế là sau đó một tuần, bài thơ ngắn “Đêm Sông Cầu” của tôi được đăng trang 1, báo Văn nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Nhạc sĩ Văn Thành Nho đã phổ thành bài “Từ phương anh, từ phương em” như vừa nói.

Giữa năm 1982, tôi về công tác ở Báo Quân đội nhân dân, một phần cũng vì có bài thơ ấy. Ít ngày sau, hai nhà thơ – nhạc sĩ, Nguyễn Trọng Tạo và Nguyễn Thụy Kha, đến thăm tôi ở báo Quân đội nhân dân. Hai anh kể, đầu năm, hai anh đến thăm nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Anh Hoa xuống đường mua ấm trà đãi bạn. Trong lúc đợi trà ngấm, giở tờ báo gói trà ra, thì đó lại là tờ đầu của số báo Văn nghệ năm 1980, có in bài “Đêm Sông Cầu” của tôi. Đọc thơ, anh Hoa bảo Nguyễn Trọng Tạo: “Tớ có bài hát đối lại bài của cậu rồi”. Nguyên do là, anh Nguyễn Trọng Tạo vừa phổ nhạc rất hay, bài “Làng quan họ quê tôi”, lời thơ của Nguyễn Phan Hách. Nói rồi, Phan Lạc Hoa lấy ghita ra, ngồi phổ luôn thành bài “Tình yêu bên dòng sông quan họ”. “Buồn quá! Hoa mất rồi!”, anh Tạo và anh Kha nói với tôi thế. Anh Hoa đoản mệnh, tôi không được biết mặt!

Lại ít tháng sau, anh Văn Thành Nho đến tôi và thông báo, Nhà xuất bản Âm nhạc in đĩa Thanh Hoa, đĩa nhựa 45 vòng/phút, nhưng với bài “Tình yêu bên dòng sông Quan họ”, lại in sai - Nhạc: Phan Lạc Hoa. Lời: Chu Lai!

Tôi và anh Nho đến NXB Âm nhạc, Giám đốc Nguyễn Lộc xin lỗi, vì “Nếu anh kiện, riêng việc in lại 4 vạn vỏ đĩa ốp-xét 4 màu, giấy tốt, đã đủ cho chúng tôi phá sản rồi!”. Xin lỗi rồi thì thôi. Tôi nhận nhuận bút 30 đồng, đi uống bia với Văn Thành Nho, còn chiếc đĩa in lỗi mà anh Lộc đưa tôi làm kỷ niệm, tôi về tặng cho nhà văn Chu Lai, hàng xóm cũ của tôi.

Đến giờ, ngoài hai nhạc sĩ – Văn Thành Nho và Phan Lạc Hoa – các anh Đoàn Bổng, Trần Thanh Tùng… cũng đã phổ “Đêm Sông Cầu” thành bài hát.

Đó đều là những kỷ niệm đẹp đẽ giữa tôi, nhà tôi và các cháu, với các anh ấy, với cả những người đã hát những bài hát ấy nữa.

Nhưng kỷ niệm đầu tiên, Văn Thành Nho với “Từ phương anh, từ phương em”, qua sóng Đài TNVN, đến với chúng tôi trong đêm giao thừa, như một món quà cưới hơn 30 năm trước, mãi còn trẻ trung cùng tình yêu của chúng tôi./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên