“Bài toán con cừu” và “tâm lý bầy đàn”
VOV.VN -Từ lâu, chúng ta đã mặc định bài toán phải có đáp số, dữ liệu ra buộc phải đầy đủ. Đây cũng chính là “khúc gỗ” trong tiềm thức của nhiều người.
1. Vừa qua, trên mạng xã hội và một số trang tin đăng tải bức hình đề toán lớp 2: "Trên tàu có 45 con cừu, 5 con bị rơi xuống nước. Hỏi ông thuyền trưởng bao nhiêu tuổi?".
Bài toán con trẻ dữ liệu một đằng, câu hỏi một nẻo lập tức đứng trong tâm bão dư luận. Người chì chiết những người làm sách cẩu thả. Người trách những người ra đề “có vấn đề”. Và nặng nề hơn, nhiều người lấy đó làm hình mẫu để phán xét nền giáo dục (lúc nào chả thế!).
Đề Toán lớp 2 gây tranh cãi
Phán vài câu cho sướng rồi hẳn nhiên bài toán cũng sẽ lại bị “cư dân mạng” lãng quên bởi những hiện tượng ảo khác. Vấn đề nảy sinh khi nhà giáo ưu tú Phạm Đình Thực - nguyên Trưởng Bộ môn phương pháp dạy Toán Tiểu học của Trường ĐH Sài Gòn “cha đẻ” của bài toán lên tiếng.
Ông giải thích khá cặn kẽ về quá trình ra đề cũng như xuất bản. Rằng những người làm sách đã chủ động đánh dấu (*) để ra dấu bài toán khó. Rồi đáp án phía sau sách cũng ghi rõ “Không giải được vì đề toán sai”. Và đặc biệt, ông nhấn mạnh về tư duy “đổi mới” trong kiểm tra, đánh giá học sinh.
Ông Phạm Đình Thực thật thà: “Thường để cho “yên tâm” và “an toàn”, cả tác giả và Nhà xuất bản ở Việt Nam ít khi mạnh dạn chấp nhận kiểu đề toán ra theo dạng này.” Song ông Thực và NXB đã phá bỏ lằn ranh này để các em học sinh có một cách tiếp nhận khác, cách tiếp cận phản biện và hồ nghi.
Và đáp án
Điều này nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà giáo gạo cội về toán như PGS Văn Như Cương, TS Lê Thống Nhất...
TS. Lê Thống Nhất kết luận về bài toán: Tóm lại, bài toán không sai. Đây là “cái bẫy nhỏ” để một số học sinh “sập bẫy” để từ đó nhắc nhở học sinh cần đọc kỹ từng đề bài khi giải toán, không máy móc theo những bài trước đó.
Nhưng đó là chuyện của những người thầy tâm huyết với toán. Còn dư luận, đó là câu chuyện khác. Họ không chấp nhận đã “sập bẫy” bài toán cấp 2. Và họ tiếp tục quở trách người ra đề “ngụy biện” (?!) Cả những người ủng hộ ông cũng phải nhận những lời “phán xét” không mấy hay ho.
2. Câu chuyện từ thế kỷ trước, các bác sĩ tâm lý phương Tây có làm một thí nghiệm như sau: Họ đặt một thanh gỗ chắn ngang đường đi của một đàn dê. Con dê đầu đàn nhảy qua, liền sau đó, 3 con dê tiếp theo cũng nhảy qua. Những người làm thí nghiệm âm thầm rút thanh gỗ ra khỏi lối đi. Những con dê sau vẫn tiếp tục nhảy ở chỗ những con dê trước đã nhảy mặc dù đường đi thẳng băng, không có vật cản. Đây là thí nghiệm kinh điển về học thuyết “tâm lý bầy đàn”.
“Thí nghiệm con dê” cũng là giải thích chân phương và cặn kẽ về “bài toán con cừu”. Từ lâu, chúng ta đã mặc định bài toán phải có đáp số, dữ liệu ra buộc phải đầy đủ. Nếu không, đó không phải bài toán. Đây cũng chính là “khúc gỗ” trong tiềm thức của nhiều người. Nên người nào dám đi “phá đàn”, họ sẽ không được chấp nhận từ đám đông.
Thầy Thực cũng không phải là nạn nhân đầu tiên của “tâm lý bầy đàn”. Trước ông, cậu bé Đỗ Nhật Nam (7 tuổi) mạnh dạn nói về thành tích xuất sắc (không giống với cách khiêm tốn mà trẻ em phương Đông được dạy): em đạt điểm tuyệt đối Starters, Movers của ĐH Cambridge, 6.5/9.0 IELTS, 940/990 TOEIC... cũng bị “ném đá tập thể”. Hay tệ hơn, cuốn sách “chẳng giống ai” mang tên “Sát thủ đầu mưng mủ” khi ra đời cũng nhận nhiều lời chỉ trích. Làn sóng dư luận mạnh đến nỗi, các cơ quan quản lý còn yêu cầu “ngưng phát hành” cuốn sách...
Trở lại câu chuyện giáo dục, câu chuyện “con cừu”, thuyết “tâm lý bầy đàn” còn có một thí nghiệm nổi tiếng khác của nhà sinh vật học người Pháp Herri Fabre. Trong đó, ông đặt một bầy sâu róm bên cạnh chậu hoa. Những con sâu róm nối tiếp nhau đi theo vòng tròn. Chúng bò quanh chậu hoa nhiều vòng. Sau đó, Herri rắc thức ăn bên trong bồn hoa. Sau gần 10 ngày, đàn sâu róm chết đói hết.
Vì không con nào dám bước ra khỏi vòng tròn luẩn quẩn mà chúng lầm lũi theo nhau bước đi./.