“Binh chủng đặc biệt” nào góp phần làm nên chiến thắng 30/4?
VOV.VN -Văn học nghệ thuật, một lực lượng được ví như “Binh chủng đặc biệt” trong chiến dịch với nhiều thành tích mang ý nghĩa quan trọng.
Văn học nghệ thuật, một lực lượng được ví như “Binh chủng đặc biệt” trong chiến dịch với nhiều thành tích mang ý nghĩa quan trọng đối với các tỉnh thành miền Nam bị tạm chiếm được giải phóng và những ngày đầu giải phóng.
Không có binh đoàn nào, quân đoàn nào, sư đoàn nào tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và đặc biệt trong 5 mũi tiến công trực tiếp vào Sài Gòn mà không có những nhà văn đi cùng. Cho dù họ không trực tiếp chiến đầu, nhưng họ có mặt từ ở phòng tham mưu tác chiến đến tận các đơn vị chiến đấu, và những trang viết của họ luôn song song với bước hành quân, thấm đẫm mùi thuốc súng, kịp động viên tinh thần quyết chiến quyết thằng của các chiến sĩ, quyết trận đánh cuối cùng…
NSND Trọng Bằng đang chỉ huy dàn nhạc giao hưởng ngày 30/4. |
Chiều 30/4/1975 nhà thơ Hữu Thỉnh đã có mặt ở Dinh Độc Lập, ông đi cùng lính tăng- thiết giáp của Binh đoàn Hương Giang, Quân đoàn 2 vào thành phố, khoảnh khắc đáng nhớ đã được ông ghi lại bằng những vần thơ ngay ngày 30/4/1975: “Bữa cơm chiều trong Dinh Dộc Lập, 30/4/1975”:. “Cơm dã chiến nấu bằng bếp điện/ Rau muống xanh như hái tự ao nhà/ Trời còn đầy ắp hoa và pháo/ Nhìn nhau chưa vội mở vung ra/… Độc lập theo tăng vào cổng chinh/ Cờ treo trên đỉnh nước non ơi/ Ta trẻ như cờ ta trẻ lắm/ Ta reo trời đất cũng reo cùng/ Ta no cười nói say đôi mắt/ Bát canh ngày hẹn cũng mênh mông”.
Nhà văn Nguyễn Trí Huân, tháp tùng Quân đoàn 2 giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu, sau đó lên tàu Sông Hồng ra giải phóng Côn Đảo, chứng kiến một cảnh tượng mà sau này đã đi vào các trang viết của ông: … “Tất cả anh em tù chính trị của ta đều mặc quần áo đen, nhưng trên ngực ai cũng có gắn một ngôi sao đỏ, bằng nhiều chất liệu khác nhau: vải, giấy, bìa, thiếc…”. Nhà văn Văn Lê , đã hành quân theo các đơn vị chiến đầu như một người lính thật sự, và ngày 30/4/1975 ông cũng đã “áp sát” Sài Gòn. Nhà thơ Lam Giang - Đại tá, Quân Khu 7, trưa 30/4/1975, ông đang làm nhiệm vụ quân quản tại Ngã Ba Giồng, ngoại vi Sài Gòn, nghe tin Tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, chiều đó ông đã có mặt tiếp quản Trại lính Thông tin ở góc Nguyễn Văn Thoại - Hùng Vương, Q5. Nhà văn Chu Lai - Đại tá, tạp chí Văn nghệ Quân đội, đặc biệt trong chiến dịch Hồ Chí Minh, ông “nằm vùng” ở đất thép Củ Chi, một cửa ngõ vào nội đô Sài Gòn… Và khi về Sài Gòn mừng chiến thắng ngày 1/5, các nhà văn đủ cả Nam, Trung, Bắc như Nguyên Ngọc, Thu Bồn, Cẩm Lai, Nguyệt Tú…đều tụ tập và cùng hành quân xuống Cà Mau…
Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hoa trong chiến dịch Hồ Chí Minh. |
Ngay sau khi Hội nghị BCT TƯ Đảng ngày 18/12/1974, ta mở chiến dịch Tây Nguyên, các nhà điện ảnh quân đội là những người sớm nhất có mặt trên chiến trường. Bám sát cùng Quân đoàn 3, họ đã có những thước phim tài liệu về chiến trường Khu 5, những thước phim “nóng” về các chiến dịch đánh chiếm và giải phóng Tây Nguyên: Buôn Mê Thuột, Pleyku…. Trưa 30/4/1975, họ đã có mặt ở Dinh Độc Lập quay những hình ảnh chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Xưởng phim Quân đội đã có những phim tài liệu như: "Chiến thắng lịch sử 1975", "Cuộc đụng đầu lịch sử", "Mùa xuân toàn thắng". Hãng phim TLKHTƯ cũng nhanh chóng dàn quân "đuổi" theo các cuộc hành quân chiến đấu, để có những cảnh quay kịp thời: “Buôn Mê Thuột ngày đầu giải phóng”, “Trên đường qua Huế giải phóng”, “Quy Nhơn giải phóng”, “Nha Trang tháng tư”, “Ký sự Bến Tre”...
Đặc biệt, Hãng Phim truyện VN cử 4 đội phim thuộc vào loại "thiện chiến", đa tài nhất, 4 đạo diễn theo 4 cánh quân tiến vào Sài Gòn, một đoàn gồm Đạo diễn Đặng Nhật Minh và hai nhà quay phim Dương Đình Bá và Thẩm Võ Hoàng, Tô Thi làm biên kịch. Ba đoàn kia là đoàn Hải Ninh - Hoàng Tích Chỉ, đoàn Trần Vũ - Bành Bảo và đoàn Bùi Đình Hạc - Lưu Xuân Thư.. Và phim cũng “thần tốc” như bước chân hành quân, hàng loạt phim tài liệu, phim truyện ra đời, chiếu ngay trên truyền hình và cả ở những vùng mới giải phóng, ở các đơn vị quân giải phóng: "Tháng 5 - những gương mặt" - Đặng Nhật Minh, "Qua cầu Công Lý" - Trần Vũ, "Sài Gòn tháng 5.1975" - Bùi Đình Hạc, "Thành phố lúc rạng đông" - phim truyện của Hải Ninh. Đài Truyền hình VN, còn “nhanh” hơn với đúng phương châm “hòa hợp hòa giài dân tộc”, họ đã lấy ngay người thật, việc thật làm nên phim truyền hình 2 tập: “Cô Nhíp”- đạo diễn Khương Mễ, biên kịch Nguyễn Trí Việt, nói về người nữ giao liên Nguyễn Trung Kiên, thuộc Tiểu đoàn FK6, Phân khu Sài Gòn - Gia Định, dẫn đường cho đoàn xe tăng Binh đoàn Tây Nguyên đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất. Phim đặc biệt có các diễn viên của điện ảnh Sài Gòn như: Mộng Tuyền, Lý Huỳnh, Bắc Sơn, Thuỳ Liên tham gia diễn xuất…
Khi giới showbiz thành... nhà văn?
Đầu tháng 3/1975, khi chiến dịch Tây Nguyên đang diễn ra, Cục Chính trị Miền(CCT) triệu tập lãnh đạo các đoàn nghệ thuật quân giải phóng về “tập huấn” chuẩn bị lực lượng và phương án để biểu diễn văn nghệ khi Sài Gòn được giải phóng. 11h30 ngày 30/4/ 1975 chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, CCT tiếp quản cơ quan Tâm lý chiến của chính quyền Sài Gòn ở số 2Bis đường Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai). Các lãnh đạo CCT là nhạc sĩ Xuân Hồng và ông Lê Thế Thưởng (Phó phòng Tuyên huấn CCT), cùng nhạc sĩ Vũ Thành, Trưởng đoàn Văn công Quân giải phóng của CCT tổ chức ngay cho các đoàn văn công tập kết về Sài Gòn để hoạt động. Ngoài đoàn văn công của CCT, còn có nhiều đoàn khác từ miền Bắc vào như Đoàn Văn công Giải phóng, Đoàn Ca múa miền Nam, Đoàn Ca múa Trung ương, Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị, và còn có cả Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam…
Thời gian đầu bên cạnh việc ổn định trật tự của các tỉnh thành mới giải phóng, lĩnh vực văn học nghệ thuật cũng rất được chú trọng. Nó như một mặt trận mà văn nghệ sĩ là chiến sĩ thuộc “Binh chủng đặc biệt” góp phần không nhỏ vào ý nghĩa chiến thắng toàn diện của chiến dịch Hồ Chí Minh.
Hy vọng sẽ có một hội thảo đánh giá hết ý nghĩa, giá trị của “Binh chủng đặc biệt” này trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nói chung, trong chiến dịch Hồ Chi Mính nói riêng, để trân trọng và phát huy giá trị trong nền văn học nghệ thuật VN như một “di sản” cho các thế hệ kế tiếp./.