Công Phượng và Báo chí
VOV.VN - Chuyện Công Phượng ầm ĩ thời gian gần đây như giọt nước tràn ly và buộc mỗi người phải nghiêm túc xem lại cách làm báo ở ta.
Nếu như có một nhà báo lão luyện ở một nền báo chí nào đó được đánh giá là tự do nhất hành tinh mà sang Việt Nam, đọc báo Việt Nam, chắc cũng phải ngả mũ ngỡ ngàng trước sự “tự do” đến phi thường. Kể cả ở quê hương của quan điểm “người cắn chó là tin” thì cũng sẽ chẳng mường tượng nổi sự xâm phạm trắng trợn của một số báo vào đời sống riêng tư như thế nào.
Nhan nhản các chuyện sao nọ sao kia, chuyện chồng con thế nào, ăn mặc hở hang ra sao, rồi các vụ bắt mại dâm.v.v. được giật những cái tít chẳng thể “hấp dẫn” và kích động hơn.
Chuyện Công Phượng ầm ĩ thời gian gần đây như giọt nước tràn ly và buộc mỗi người phải nghiêm túc xem lại cách làm báo ở ta.
Trong những nền báo chí tiến bộ và dân chủ, những tiêu chuẩn được tôn lên hàng đầu của nguyên tắc làm báo, chỉ sau sự trung thực, có lẽ là sự tôn trọng nhân phẩm và sự riêng tư của cá nhân. Trớ trêu thay, điều này ở ta lại vô cùng “cởi mở”.
Tôi đang có trong tay cuốn sách mỏng 15 trang về chuẩn mực nghề nghiệp của nhà báo Đức. Tôi tạm gọi như thế bởi tên sách là German Press Code do Hội đồng báo chí Đức (German Press Council) biên soạn. Tôi cũng không muốn gọi là “luật” vì những điều khoản này do chính các nhà báo soạn ra, hoàn toàn không có sự can thiệp của chính quyền.
Ngay ở Điều 1 (Section 1) đã có nguyên tắc trung thực và giữ gìn nhân phẩm (Truthfulness and Preserving human dignity) .
Còn Điều 8 (Section 8) là những quyền về cá nhân mà nhà báo phải hết sức thận trọng hoặc không được phép xâm phạm (The rights of the individual).
Trong 16 nguyên tắc mà nhà báo Đức cần tuân thủ thì tôn trọng quyền riêng tư đứng thứ thứ 8, và đây cũng là điều có nhiều hướng dẫn (Guideline) nhất, có tới 8 hướng dẫn kèm theo để cụ thể hơn cách tác nghiệp của nhà báo xem có xâm phạm đời tư ai đó hay không; cái gì được phép, cái gì không và việc nào thì nên cân nhắc.
Việc đăng hình ảnh, tên tuổi, địa chỉ của những cá nhân luôn được xem xét hết sức thận trọng nếu những hình ảnh đó ảnh hưởng tiêu cực tới người ta. Nếu như chưa có sự đồng ý thì có rất nhiều trường hợp mà nhà báo không được phép để lộ danh tính của nhân vật, kể cả ngày sinh, ngày kỷ niệm. Thậm chí đăng tên tuổi, hình ảnh của những người bị kết tội, trong một số trường hợp, cũng phải tính đến việc người đó tái hòa nhập với xã hội sau này.
Có lần đồng nghiệp đã cười nhạo khi tôi đặt vấn đề là tại sao không xóa khuôn mặt của các cô gái bán hoa đi, kể cả khi họ vừa bị công an bắt. Những bức ảnh như thế được tung lên truyền thông khác gì chiếc ba-ri-e ngáng trở con đường trở về làm vợ, làm mẹ của họ trong tương lai?
Khi động chạm tới đời tư của một người nào đó, nhà báo Đức phải thuộc làu những gì mình được làm và những gì phải xin phép cá nhân ấy. Nếu không cẩn thận thì ngay khi báo đăng hoặc phát, nhà báo sẽ nhận được giấy gọi của tòa.
Sự tôn trọng quyền riêng tư cũng chính là để bảo vệ và giữ gìn nhân phẩm (được đưa vào ngay điều 1).
Chúng ta từng lúng túng về trường hợp nhà báo bí mật ghi hình công an ăn hối lộ. Và hôm nay thì cũng chưa có một hướng dẫn nào thật cụ thể, rạch ròi. Tôi có chút băn khoăn về cách điều tra tuổi Công Phượng của một số báo. Vì thế nên dẫn ra đây Điều 4 (tạm dịch là) Giới hạn của điều tra (Limits of research) để chúng ta cùng tham khảo cách mà đồng nghiệp ở Đức khi tìm kiếm thông tin cá nhân như thế nào. Họ luôn nhớ câu này: Không sử dụng những phương pháp tác nghiệp thiếu trung thực, thiếu thành thật để có được những thông tin hoặc hình ảnh liên quan đến một cá nhân (Dishonest methods must not be used to acquire person-related news, information or photographs).
Trong quyển sách hướng dẫn về cách hành nghề báo của Đức này còn rất nhiều điều liên quan đến đời tư, cá nhân, như dành hẳn điều 9 (Section 9) để nói về bảo vệ nhân phẩm (Protection of dignity). Và còn nhiều điểm mà nhà báo Đức phải tôn trọng (hoặc không được phép tiết lộ) như triết học, triết lý, quan điểm, tôn giáo, tập quán, giới tính…của mỗi cá nhân, trong đó đặc biệt chú ý tới người trẻ. Vì đây là đối đối tượng dễ bị tổn thương và tương lai của họ còn rất dài ở phía trước.
Tôi nghĩ nếu tiếp cận vấn đề theo hướng có trong tay đầy đủ các công cụ có tính pháp lý (được tự nguyện thực hiện như một chuẩn mực của đạo đức nghề nghiệp chứ không phải mệnh lệnh hành chính) như thế, thì sẽ không có những chuyện nhảm nhí, nhăng nhít như lộ hàng, khoe vòng nọ vòng kia, ảnh của sao A sao B vài chục năm về trước…, và cả câu chuyện của Công Phượng cũng không đến mức ồn ào như vậy./.