Ngành GD-ĐT “mạnh tay”: Là phụ huynh, tôi thấy băn khoăn lắm!
VOV.VN-Tôi lo ngại, giáo dục cấp Tiểu học có thể sẽ đi xuống nếu như những đổi mới chỉ được các địa phương, trường học và phụ huynh thực hiện theo phong trào.
Bộ GD-ĐT vừa ban hành Thông tư số 30/2014/TT-BGDĐT, trong đó có quy định không dùng điểm số trong đánh giá thường xuyên đối với học sinh Tiểu học và Chỉ thị số 5105/CT-BGDĐT về chấn chỉnh tình trạng dạy thêm- học thêm đối với giáo dục Tiểu học, trong đó có quy định không ra bài tập về nhà đối với học sinh đã học 2 buổi/ngày. Theo lý giải của một cán bộ thuộc Bộ GD-ĐT, việc làm trên được coi là “liều thuốc” mạnh để giải quyết các vấn đề dạy thêm, học thêm không đúng quy định, biến tướng dưới nhiều hình thức hiện nay cũng như đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh Tiểu học.
Là người mẹ có con đang học cấp Tiểu học, tôi cũng như biết bao phụ huynh khác tán thành với những biện pháp “mạnh tay” của ngành GD-ĐT nhằm đổi mới ở cấp Tiểu học. Việc làm này đã và đang được nhiều nước trên thế giới áp dụng hiệu quả. Chẳng hạn như CHLB Đức, việc học tập của học sinh Tiểu học rất nhẹ nhàng. Chỉ thỉnh thoảng hay dịp cuối tuần, nhà trường mới giao một số bài tập, gồm những câu hỏi, tình huống giúp cho phụ huynh và học sinh có thể trao đổi với nhau một cách tự nhiên.
Những bài tập này không nhất thiết phải chấm điểm nhưng có điểm đặc biệt là như một trò chơi, rèn luyện trí tuệ, năng khiếu của học sinh không hề nặng nề, không phải ghi chép nhiều. Qua các bài tập “vừa học vừa chơi” này, các bậc cha mẹ có thể đánh giá năng lực, tư duy học tập của con mình; đồng thời có sự gắn kết, quan tâm hơn giữa bố mẹ và con cái.
Nước Đức cũng rất coi trọng và thu hút nhân tài, đặc biệt là đội ngũ nhà giáo nên mỗi giáo viên dạy ở trường công hay tư đều được trả lương rất cao nên họ yên tâm giảng dạy, tập trung soạn giáo án, bài giảng cho mỗi giờ lên lớp để mỗi tiết học thực sự hấp dẫn và hiệu quả đối với học sinh.
Đấy là chuyện dạy và học cũng như trả lương cho giáo viên ở một nước có nền kinh tế phát triển như CHLB Đức và tôi không dám so sánh với Việt Nam. Nhưng tôi chỉ bàn nếu áp dụng việc không chấm điểm và siết chặt dạy thêm-học thêm ở nước ta. Chẳng hiểu sao, tôi và một số phụ huynh cảm thấy vẫn còn băn khoăn, thậm chí có phần hoài nghi về những “liều thuốc mạnh” của Bộ GD-ĐT khó phát huy hiệu quả như mong đợi nếu chỉ thực hiện theo phong trào, hình thức.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi tôi bỗng chợt nghĩ tới năm 2006, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát động cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục” ở tất cả các trường học nhưng chỉ được một thời gian, vài năm sau đó, tình trạng gian lận trong thi cử vẫn diễn ra công khai trong kỳ thi tốt nghiệp THPT như tại Hội đồng thi trường Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT trong một vài năm đầu ở các địa phương đã được chấn chỉnh sát với tình trạng giảng dạy nhưng cũng chỉ được một thời gian thì tỷ lệ này ở các địa phương lại quay về “quỹ đạo cũ” với tỷ lệ gần như bằng nhau.
Tôi cũng lo ngại rằng, giáo dục cấp Tiểu học có thể sẽ đi xuống nếu như những đổi mới chỉ được các địa phương, trường học và cả phụ huynh thực hiện theo phong trào. Đối với những thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM, nhiều trường học rất đông học sinh, mỗi lớp có từ 50-60 em thì liệu rằng, giáo viên có đủ trách nhiệm, tâm huyết và kiên nhẫn để đánh giá, nhận xét năng lực học tập của từng học sinh một cách khách quan, công bằng không? Và khi áp lực giảng dạy, trách nhiệm cao hơn trong khi đồng lương của giáo viên hiện nay còn thấp, nhiều người không thể “sống” được bằng nghề thì ai dám chắc họ không phải bơn chải bằng việc dạy thêm dưới nhiều hình thức khác nhau? Thậm chí, có những giáo viên chỉ ra bài tập, ôn luyện thi cho học sinh tại những buổi học thêm để buộc phụ huynh phải cho con theo học.
Cách đây 17 năm, Hội nghị Trung ương 2 khóa VIII đã đưa ra chỉ đạo, lương của giáo viên phải cao nhất trong thang bảng lương các ngành sự nghiệp. Thế nhưng, hiện nay, lương của giáo viên đang xếp thứ 14 trong bảng lương các ngành sự nghiệp.
Chính vì lương thấp nên nhiều giáo viên không muốn bám trụ với nghề. Số lượng người còn bám trụ với nghề phải tìm cách dạy thêm để tăng thu nhập. Điều này liệu có phải là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng dạy thêm-học thêm tràn lan, không kiểm soát nổi và cũng là lý do giải thích vì sao chương trình học tập của học sinh hiện nay bị nhồi nhét quá nhiều?
Còn đối với phụ huynh, tôi cũng chưa thực sự tin tưởng rằng, tất cả đều dành thời gian quan tâm đến con cái, chịu khó phối hợp với giáo viên và nhà trường để theo dõi việc học tập và rèn luyện kỹ năng sống của con một cách tốt nhất. Hối hả theo guồng quay của cuộc sống và kiếm kế mưu sinh, có những bậc làm cha mẹ đã hoàn toàn phó mặc việc giáo dục con trẻ cho nhà trường. Thậm chí, nhiều người còn khuyến khích, động viên cô giáo dạy thêm để con họ được nâng cao kiến thức hay để họ có chỗ để gửi con mỗi khi phải đi công tác, làm ăn xa nhà…
Bàn qua, nói lại, phải chăng tôi và một số phụ huynh còn quá nghi ngờ vào hiệu quả của những đổi mới ở cấp Tiểu học? Hay ngoài những giải pháp “mạnh” từ phía ngành Giáo dục, chúng ta cần phải có thêm những “liều thuốc” hữu hiệu hơn, kiên quyết không chạy theo dạy thêm- học thêm một cách thiếu khoa học, biến tướng dưới nhiều hình thức từ các trường học và cả từ chính những phụ huynh như tôi?./.