Festival Huế…cần một nhịp dừng?
VOV.VN -Festival Huế cần một nhịp dừng, xem xét lại tổng thế, bài bản hơn, để bắt đầu từ kỳ sau sẽ đúng Huế, như mong muốn, như tiêu chí, như kỳ vọng...
Bắt đầu lần thứ 1 vào năm 2000, Festival Huế đã tổ chức đến lần thứ 8 và tối (20/4), Festival Huế bế mạc với một thành công về số lượng đoàn nước ngoài tham gia (60 đoàn), 100 chương trình biểu diễn, trình diễn suốt trong một tuần lễ vừa qua, việc đầu tư cũng lớn hơn, hoành tráng hơn các năm, thu hút được lượng khách du lịch đổ về Huế lớn hơn các kỳ trước….
Nhưng tất cả những thành tích đó hình như vẫn không làm thỏa lòng những nhà nghiên cứu văn hóa có trách nhiệm, các nhà quản lý, khách du lịch và đặc biệt là người dân xứ Huế, người ta vẫn phải treo vào nhau câu hỏi, có phải Festival Huế là thế không, như rứa không và đa phần đều chung một băn khoăn dù ở cấp độ khác nhau: Festival Huế…hình như không phải thế.
Màn pháo hoa trong lễ khai mạc hoành tráng của Festival Huế 2014 |
Huế là thành phố duy nhất tại Việt Nam được chọn là thành phố Festival từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ ký vào năm 2007.
Cứ 2 năm một lần, Huế lại tổ chức Lễ hội Festival.
Trong cuộc Tọa đàm xây dựng Thừa Thiên - Huế thành trung tâm văn hóa đặc sắc gắn với phát triển du lịch tổ chức hôm 13/4 vừa qua, đã dấy lên nhiều ý kiến lo ngại về Festival Huế vì nhiều lẽ, cả về công tác tổ chức, nghiên cứu văn hóa, chất lượng các chương trình nghệ thuật, cả về những nhìn nhận, quan điểm về cách thức tổ chức một Festival Huế.
Hiện nay, các tiêu chí căn bản cho Huế đang xa rời dần, thay vào đó mỗi kỳ Festival dù được đầu tư lớn hơn, hoành tráng hơn nhưng chất lượng đang đi xuống, thấy rõ nhất theo các đại biểu dự tọa đàm là Chương trình Lễ khai mạc Festival Huế vừa rồi đã làm người xem, trong đó có các nhà nghiên cứu văn hóa và dân Huế thấy “Trẽn” ( ý là thấy xấu hổ)- chữ dùng của Nhà nghiên cứu Huế Nguyễn Đắc Xuân.
Festival Huế…vì sao không phải thế? Vì sao không như mong muốn? Vì sao không…Huế?
Không phải thế… vì Huế chỉ đúng là Huế khi Huế chậm, Huế tĩnh, Huế huyền ảo, mộng mơ, e ấp và kín đáo qua đền đài lăng tẩm, qua các phố các ngõ, qua các vườn cây, bến đò, qua cách sống, cách nói, các sinh hoạt…chầm chậm thế, sâu lắng thế, tĩnh tại thế…Nhưng các kỳ Festival đã xoay tròn Huế, trấn áp Huế bằng đủ thứ chương trình tạp kỹ, đủ thứ màu sắc lòe loẹt của không gian văn hóa điện tử, làm loãng Huế bằng nhiều cấp độ âm nhạc tiết tấu mạnh, phô diễn, khoa trương, nó làm cho không gian thơ mông của Huế bị náo loạn, bị tổn thương, bị vò xoắn và bi ép duyên văn hóa, ép duyên hội nhập…Kiểu như không thể đưa một cô gái Huế với tà áo tím yểu điệu, dịu dàng với chiếc nón bài thơ nghiêng nghiêng e ấp ấy… lên sàn nhảy.
Bỏ ra 2 triệu,, thực khách được ăn 6 món cung đình với các nguyên liệu Việt Nam |
Thay vì mỗi kỳ Festival Huế là mỗi kỳ nhấn sâu hơn, mê dụ hơn, đằm thắm hơn, đắm đuối với những gì là Huế nhất, chất Huế nhất, thì các nhà tổ chức Festival lại không làm thế, lại bị lôi kéo bởi những cám dỗ của “hiện đại”, “hoành tráng”, “hội nhập”, khiến cho người ta bắt đầu ngờ ngợ nhận ra điều gì không phải Huế ở đây.
Các Festival đang dậm chân tại chỗ, thậm chí thụt lùi…Đến kỳ Festival thứ 8 này thì Huế Festival đang đi xa quá rồi một Huế có thực của cuộc sống.
Festival Huế phải đúng nghĩa với Festival Huế, tức là nó phải…Huế, nó dẫn dụ khách du lịch vào các ngóc ngách của đời sống văn hóa, đời sống tâm linh Huế, nó ẩn trong các hoạt động của người dân Huế- khác chăng là các đạo diễn, các nhà tổ chức khéo léo cài đặt giữa thực và trình diễn, nhưng vẫn giữ được hồn vía, cốt cách, bản sắc của riêng Huế.
Festival Huế trước hết là thuộc về người dân Huế, họ chính là nhân chứng, họ chính là diễn viên, họ chính là cốt cách, họ chính là người chủ của Festival bằng cách riêng của họ, tài năng của họ, cá tính của họ, lối sống của họ, chính đó mới thực sự tạo ra nét hấp dẫn Huế.
Một trong những lý do làm cho các kỳ Festival Huế tuột khỏi sự kiểm soát văn hóa vùng miền, bị tha hóa dần bởi văn hóa hỗn hợp, bị đẩy quá xa với tiêu chí ban đầu là vì những nhà tổ chức đang hướng ngoại nhiều hơn hướng nội, đang bỏ đi một tài nguyên Huế quý giá là các nhà nghiên cứu Huế, nghệ nhân, nghệ sĩ, mà hăm hở đi lôi kéo, mời mọc, tìm kiếm văn hóa vùng miền khác, tưởng thế là xôm tụ, tưởng thế là Festival, nhưng chính nó đã làm vỡ trận những vành đai văn hóa có vẻ như “bảo thủ”, có vẻ như” hoài niệm” nhưng đó mới là Huế, mới là thứ mà khách thập phương cần để tìm về.
Huế vẫn phải hội tụ mời gọi nhiều vùng miền văn hóa khác cùng về trong dịp Festival, cái đó rất đáng khuyến khích, nhưng các hoạt động đó phải được cài đặt đúng chỗ, đúng nơi trong không gian Festival Huế để làm phong phú thêm chương trình tuần lễ hội chứ nó không thể quyết định chương trình lễ hội. Đó là chưa nói tới việc lựa chọn các đoàn, nhóm nghệ nhân, nghệ sĩ trong nước và quốc tế cần tinh luyện hơn, chuyên nghiệp hơn, chứ không phải là những tiết mục tầm tầm, tham gia như tham gia văn nghệ quần chúng.
Kho tàng, nhịp sống văn hóa, cách thức các lễ, dấu tích lịch sử Huế đủ sức để các nhà tổ chức, các ekip thực hiện khai thác 100 năm nữa vẫn không hết, vẫn mới mẻ, tại sao lại cứ phải quanh quẩn mãi với cái khung ca nhạc tạp kỹ nhàm chán đến như thế?
Còn nhiều nữa những băn khoăn, những lo lắng, những tâm sự về Festival Huế, chỉ mong Huế giữ được Huế, Huế mãi là thế, như câu ban tặng của Tổ chức văn hóa thế giới: LUÔN LUÔN MỚI. Mới chắc chắn phải được hiểu là luôn cho khách thập phương và cả người Huế nữa luôn mới về cảm xúc với Huế, cảm xúc vì một Huế nguyên vẹn, trầm mặc và sâu thẳm như câu hò trên sông Hương Giang….
Festival Huế cần một nhịp dừng, xem xét lại tổng thế, chậm hơn, kỹ hơn, bài bản hơn, với sự tư vấn hỗ trợ mạnh mẽ của các nhà văn hóa, các các nghệ sĩ tài năng và tâm huyết, để bắt đầu từ Festival Huế lần thứ 9 hai năm tới đây, sẽ bắt đầu một Festival đúng Huế, như mong muốn, như tiêu chí, như kỳ vọng….
Lại nhớ câu thơ của Thu Bồn:” Nón rất Huế mà đời không phải thế/Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng…”./.