Khai bút đầu xuân: “Cho chữ” là gieo một ý niệm...
VOV.VN - Ngày xưa, những thầy đồ được mọi người tín nhiệm đến "xin chữ" thường phải là người nổi tiếng về hay chữ, đức hạnh, Nho gia...
Theo phong tục, vào dịp đầu năm mới, người ta thường tìm đến những người biết chữ Nho (chữ Hán), biết thư pháp bút lông mực Tàu (tạm gọi là các thầy đồ) để xin chữ.
Thường thì, các chữ như Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh, Tâm, Nhẫn, Đăng Khoa, Đỗ Đạt, Thành Công, Hòa, Thuận, Chí, Trí, Hạnh... được mọi người xin. Các ông thầy đồ cho chữ là theo ý nguyện của người xin, cũng có khi tư vấn nên xin chữ gì để hợp người, hợp cảnh ngộ của họ.
Người xin được chữ rồi thì mang về treo trang trọng trong nhà, nâng niu, mong ngóng cả năm chờ đợi kết quả từ ý nghĩa chữ mà mình đã xin. Cuối năm, nếu đạt được mong muốn thì hỷ hả vì chữ xin linh nghiệm; còn như không, thì ngao ngán, thậm chí đổ lỗi lên người "cho chữ"...
Về phong tục này, thiển nghĩ, nên hiểu như sau:
Tùy theo ý nguyện của người xin chữ, hoặc thầy đồ tư vấn cho chữ, thì chữ được xin-cho ấy, chỉ được hiểu như là một ý niệm đối với người đi xin chữ. Mình xin chữ ấy, là theo mong muốn của chính mình, hoặc hợp với cảnh ngộ của mình. Ý niệm về ý nghĩa và kết quả của chữ ấy, từ ý niệm trở thành ý thức, để tự răn mình, nhắc nhở mình, và vô hình chung, nó định hướng ý nghĩ, hành vi ứng xử, hành động của mình, để rồi năm ấy, có thể đạt được sự mong muốn. Ấy là kết quả tích cực của ý niệm từ việc xin-cho chữ (hay nói một cách khác, là linh nghiệm).
Còn như, người xin chữ không mấy quan tâm, không ý thức, hoặc vì những lý do khách quan và chủ quan khác nhau, thì đương nhiên, chữ ấy đâu có ý nghĩa gì với họ.
Nên nhớ, người cho chữ, không phải là người bói toán, phù phép chi cả, nên họ đâu có lỗi trong việc chữ có linh nghiệm hay không. Đơn giản, họ chỉ gieo vào bạn một ý niệm mà thôi. Được hay không, là tùy thuộc vào ý thức, cảnh ngộ, và hành vi của người đi xin chữ.
Hãy hiểu như vậy, và chỉ khi hiểu được, việc xin-cho chữ đầu năm mới là phong tục đẹp!.../.