Khó chấp nhận hành động của nạn nhân!
(VOV) - Nếu cứ kéo dài cuộc rượt đuổi, e rằng không ít người đi đường sẽ là nạn nhân từ việc điều khiển xe nguy hiểm…
Một lần, chở đứa con gái 7 tuổi đến nhà người bác ở gần đó, khi lên xe, tôi đã “quên” đội mũ bảo hiểm và bị bé cương quyết bắt đội bằng được. Bé còn “lên lớp” rằng, ở trường cô giáo dạy “Người lớn phải làm gương cho trẻ con, phải nghiêm chỉnh chấp hành luật lệ giao thông”. Tôi cứ tưởng rằng, sau khi mình đã làm theo mệnh lệnh của con gái, thì nó cũng quên mọi chuyện.
Nhưng rồi một lần, vô tình đọc bài văn của con, tôi giật mình vì “tội” của tôi được bé tường thuật lại một cách tỷ mỉ và cuối bài lại còn chua thêm “vì sao người lớn được làm việc không tốt nhỉ?”.
Thì ra, mỗi ấn tượng tốt hay xấu về người lớn, những tưởng trẻ con vô tâm, nhưng đã được nạp lại trong bộ óc non nớt của chúng. Và với mỗi đứa trẻ, những điều thầy cô dạy bảo cũng như những hành động của người thầy luôn là một tấm gương mà chúng luôn soi vào và làm theo. Điều đó gần như là chân lý, khó có gì thay đổi.
Với những điều mà con gái tôi và nhiều đứa trẻ ở thế hệ con tôi đang học ở trường về cách ứng xử của con người với con người, những kiến thức về giao thông, về môi trường, về pháp luật… tôi luôn nuôi hy vọng rằng, sẽ có một thế hệ tương lai làm thay đổi nhiều điều, mà đối với cuộc sống hiện nay, nó đang là vấn nạn. Đó là sự thiếu ý thức của những người lớn khi tham gia giao thông, sự vô trách nhiệm đối với môi trường, kể cả hành xử tàn nhẫn, vô tâm giữa con người với con người trong cuộc sống…
Bạn tôi kể rằng, có lần đi đường, thấy một người đàn ông luống tuổi đang còng lưng đạp xe đạp và bỗng nhiên từ chiếc xe đạp ấy rơi ra đường một bịch ni lông màu đen. Cô phóng xe vượt lên và lễ phép nhắc họ dừng xe nhặt lại chiếc túi vừa bị đánh rơi. Người đàn ông nhìn cô ấy có vẻ ngạc nhiên rồi thản nhiên đáp “Có gì đâu, rác ấy mà”.
Rồi cũng có nhiều lần, tôi thấy có người đi xe máy quên gạt chân chống. Tôi rùng mình khi nghĩ đến những vụ tai nạn bắt nguồn từ sự vô ý này, nên đã nhắc họ. Thay vì cảm ơn, họ không thèm nhìn người đã nhắc mình mà chỉ đưa chân gạt chân chống rồi tiếp tục lưu thông. Và chỉ có duy nhất một lần, tôi được một cậu thanh niên cám ơn về lời nhắc nhở đó. Nhưng suốt cả ngày, tôi cứ lâng lâng một niềm vui khó tả. Có lẽ lời cảm ơn giờ đây đã trở thành quá xa xỉ mà mọi người phải thốt ra khi ai đó giúp mình, nên hành động của cậu thanh niên hôm đó là điều gì đó rất đặc biệt đối với tôi. Tôi cũng như nhiều người, làm việc này, không mong nhận lại lời cảm ơn, nhưng nếu ra đường, chúng ta cởi mở với nhau hơn thì cuộc sống sẽ nhẹ nhàng, vui vẻ biết bao nhiêu.
Lưu thông trên đường ở giữa thủ đô văn minh, chắc mọi người sẽ không hiếm gặp hành động thiếu ý thức của một số người. Họ không thể kiên nhẫn để đợi vài chục giây khi có đèn đỏ, mà vô tư phóng qua nếu không thấy bóng dáng công an. Khi đèn xanh vừa bật lên, người phía trước chưa kịp nổ máy thì người phía sau đã bóp còi inh ỏi, thậm chí văng ra những lời tục tĩu vì sự chậm trễ này… Nhiều người vô tư khạc nhổ mà không cần biết xung quanh có rất nhiều người cùng qua lại. Thậm chí, nhiều ông bố, bà mẹ đằng sau xe chở con trẻ nhưng cũng cố chen lấn, leo lên vỉa hè, vượt đèn đỏ để làm sao con mình không bị trễ giờ học…
Không chỉ dừng lại ở những hành động thiếu văn hóa như vậy, khi tham gia giao thông, nhiều người lớn còn đang gieo rắc vào đầu óc của những đứa trẻ sự coi thường, thách thức với cả pháp luật.
Mà gần đây nhất là việc “cảnh sát giao thông bắn hai người tham gia giao thông” ở Thanh Hóa. Tôi là người tiếp cận nguồn thông tin ngay từ đầu, và cũng như đa số mọi người, khi mới nghe thông tin ban đầu từ hai người tham gia giao thông là anh Lê Văn Ngọc (36 tuổi), giảng viên trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Quảng Xương và anh Tô Thế Kỷ (47 tuổi) đều trú tại xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương, Thanh Hóa, chúng tôi rất phẫn nộ vì cho rằng cảnh sát giao thông quá ngông cuồng, coi thường tính mạng người dân.
Hai nạn nhân còn khai rằng, khi đi xe máy đến đoạn trước cổng chợ Nam Thành (thuộc địa bàn phường Đông Vệ - TP Thanh Hóa) thì bị một người mặc sắc phục cảnh sát giao thông hô dừng xe. Ngay sau đó, cả hai nghe thấy tiếng súng nổ. Anh Kỷ (người ngồi sau xe) liền nói với anh Ngọc (người điều khiển xe) là mình vừa bị bắn vào mặt. Anh Ngọc quay lại phát hiện anh Kỷ máu chảy khắp mặt, chưa kịp định thần, anh Ngọc cũng bị trúng đạn vào bả vai.
Thậm chí, trong lúc làm việc với công an tại hiện trường, giảng viên trung tâm bồi dưỡng Chính trị huyện Quảng Xương là anh Ngọc còn khăng khăng họ không vi phạm luật giao thông, lưu thông bình thường trên đường và đội mũ bảo hiểm đầy đủ.
Nhưng không may cho họ, những người dân gần đó đã có đoạn clip quay lại diễn biến vụ việc thì mới thấy rằng, lời khai của nạn nhân đã “phản” lại họ. Bởi hành động của họ quá ngang ngược, không những không đội mũ bảo hiểm, khi cảnh sát giao thông truy đuổi, họ còn lái xe lạng lách, đánh võng và có hành động khiêu khích…
Khi “trắng, đen” đã tương đối rõ ràng, trái với sự dõng dạc khi lấy lời khai ban đầu, hai “nạn nhân” lại im lặng khi phóng viên và mọi người liên lạc để làm rõ sự việc. Và họ càng im lặng, dư luận càng phẫn nộ. Nhưng sự phẫn nộ của dư luận không nhằm vào người CSGT như ban đầu, mà là trút xuống đầu hai “nạn nhân”.
Tôi cũng không nằm ngoài số đông dư luận, cũng cảm thấy vô cùng thất vọng vì hành động của hai nạn nhân, những người mà lúc đầu tôi đã dành trọn sự thông cảm, thậm chí đứng về phía họ. Nhưng giờ đây, cho dù ý thức được hành động của người cảnh sát giao thông là không nên nổ súng, là quá vội vã khi xử lý tình huống, nhưng thực sự tôi cũng rất băn khoăn và chia sẻ với hành động của anh cảnh sát giao thông.
Trước khi nổ súng, anh CSGT cũng đã bắn cảnh cáo đến 3 lần, nhưng những kẻ ngông cuồng trước mặt không những không dừng xe mà lại càng có hành động thách thức, đánh võng. Nếu cứ kéo dài mãi cuộc rượt đuổi này, e rằng không ít người đi đường sẽ là nạn nhân do việc điều khiển xe nguy hiểm như của hai người này. Vậy thì, trong những trường hợp như vậy, người CSGT phải làm gì, hay là để cho hai “nạn nhân” muốn làm gì thì làm, kể cả việc họ thách thức, coi thường pháp luật?
Việc đúng, sai của người cảnh sát giao thông và hai người đi đường sẽ được các cơ quan pháp luật phân xử. Người có tội ắt phải chịu tội trước pháp luật.
Nhưng chuyện đó không làm tôi suy nghĩ nhiều bằng việc những gì hai “nạn nhân” này đang làm. Anh Ngọc, đường đường là một giảng viên của một trung tâm bồi dưỡng Chính trị, anh đã được bồi dưỡng kiến thức về pháp luật chắc chắn nhiều hơn gấp nhiều lần những người bình thường, thậm chí nhiều hơn cả những người cùng làm nghề giáo. Hơn thế nữa, anh còn được cử ra học tập nâng cao ở Học viện hành chính quốc gia Hồ Chí Minh. Vậy thì những hiểu biết về pháp luật, chắc anh có thừa!.
Và không chỉ vậy, anh còn là một nhà giáo. Những điều anh dạy và những hành động của thầy giáo luôn là tấm gương để cho hàng ngàn, hàng vạn học sinh soi vào. Vậy mà anh lại có những hành động mà khó ai có thể tin rằng: Đó là sự thật.
Ngay cả vị Giám đốc ở trung tâm nơi anh giảng dạy cũng đã phải thốt lên rằng, nếu không có đoạn clip người dân ghi lại, ông cũng không thể nào tưởng tượng nổi giảng viên của trường lại có hành động coi thường pháp luật đến như vậy. Cũng có lẽ vì thế, ngay từ lời kể đầu tiên của anh Ngọc, tôi cũng như nhiều người đã thực sự tin tưởng một cách mù quáng.
Lại càng buồn hơn, ở độ tuổi này, anh cũng đã là cha của những đứa con. Chúng sẽ nghĩ gì khi hình ảnh đẹp đẽ về người bố, người thầy mà bấy lâu nay chúng nuôi dưỡng, là động lực để chúng phấn đấu, bỗng dưng sụp đổ. Và chắc chúng cũng như tôi và nhiều người, không bao giờ muốn tin những hành động như anh vừa làm lại xuất phát từ một người thầy giáo.
Tự nhiên, tôi lại thấy bi quan về những gì người lớn chúng ta đang làm, con trẻ sẽ khó mà thực hiện được những điều tốt đẹp mà chúng đang được học ở trường, ở lớp./.