Lạ lùng chuyện thày cô thu, cắt dép của học sinh!

VOV.VN - Ngành giáo dục đang ngày càng mắc bệnh hình thức và bệnh thành tích. Mà vùng càng nghèo, bệnh càng nặng thì phải!

1. Tôi có cậu em ham thích phượt, mỗi chuyến đi trong hành trang của nó luôn có mấy túi dựng những đôi dép tổ ong cỡ nhỏ. Những đôi dép sẽ được nó cẩn thận đi vào chân những đứa trẻ vùng sâu vùng xa mà nó gặp trên đường trong đôi mắt trẻ thơ ngỡ ngàng, sung sướng.

Với nhiều đứa trẻ nghèo mà nó gặp, đó là đôi dép mới đầu tiên trong đời- một tài sản lớn đầu tiên và cũng sẽ là ấn tượng đẹp về cuộc sống mà đứa trẻ nghèo đó sẽ lưu giữ mãi.

Nó bảo đi nhiều mới thấy đất nước mình còn nghèo quá. Hình ảnh những đứa trẻ rét run lập cập, quần áo mỏng manh, chân trần không dép, hoặc có thì cũng vá buộc dây rợ loằng ngoằng, ám ảnh khiến nó không vui được trong hành trình.

Và giờ nó và vài người bạn quen qua Facebook tìm thấy ý nghĩa cho mỗi chuyến đi bằng những hành động từ thiện nho nhỏ tự phát: tặng dép, tặng quần áo mà nó gom được từ bạn bè trên các mạng xã hội.


Tặng đồng phục và vở viết cho học sinh ở Bản Tà Han. xã Xuân lạc, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn

Tặng dép tổ ong cho trẻ em nghèo

Tặng cả cho những em đi chân đất gặp trên đường

“Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. Các cụ nói cấm có sai. Mong rằng ngày càng nhiều “thanh nên nghiêm túc” sẵn sàng “Ta ba lô” thay vì online 24/7 làm “anh hùng bàn phím” rồi “xuất bản” những status mất phương hướng.         

2. Sáng nay vừa vào Internet đã thấy vài người bạn than thở về vụ thày cô giáo Trường THPT Vị Thủy Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây, tỉnh Hậu Giang tịch thu và cắt dép của học sinh nghèo vì tội đi dép lê, dép tổ ong đến trường.

Năm học mới, nhà trường ra qui định bắt buộc học sinh phải mặc đồng phục áo sơ mi trắng quần âu tối màu, giày ba ta màu trắng đi học.

Quy định chính thức có hiệu lực vào bắt đầu từ ngày 26/8. Vậy mà khi giờ G chưa điểm, tiếng trống khai trường còn chưa gióng thì trước đó 6 ngày, giáo viên đã đi kiểm tra học sinh và hơn 50% học sinh lớp 10 A9 đi dép lê đã bị giáo viên tịch thu. Các em phải đi chân đất về nhà. Thật may chưa có em nào chảy máu chân vì dẫm phải vật sắc nhọn.

Hậu Giang nào đã phải là tỉnh giàu so với cả nước. Chả nhẽ các thầy cô với khả năng sư phạm và ý thức về nhiệm vụ “trồng người” của mình không biết rằng trong trường có nhiều học sinh có gia cảnh khó khăn, chỉ riêng được theo học đã khó, nên việc mua một đôi giày ba ta cũng không phải là dễ dàng ? (!).

Chưa đến ngày quy định, các thày cô có thể nhẹ nhàng nhắc nhở các em. Hơn nữa, tịch thu thì tịch thu, sao phải cắt dép? Việc phá hỏng một tài sản, dù nhỏ, cũng là một hành động phản giáo dục. Trong trường hợp này còn là sự thiếu nhân văn của các nhà sư phạm. Các em phải đi chân đất, có em đi hơn 2 km về nhà là để “thấm thía” hơn bài học đó chăng.

3. Trong bài viết “Một Việt Nam thực sự” của Blogger Dâu Tây – tên gọi thân mật kiểu Việt Nam của anh chàng Joe Ruelle người Canada, mà tôi từng đọc có tâm sự rằng: “Cảnh đẹp nhất là cảnh trẻ em ở vùng núi mặc đồng phục đạp xe đến trường”.

Có lẽ bởi cảnh đó bao gồm nhiều nét đẹp thuộc nhiều lĩnh vực cuộc sống.

Cảnh đó không dừng lại ở một bức ảnh mà đẹp chúng ta hay thấy ở các cuộc thi, nó gợi cho chúng ta liên tưởng về tuổi thơ, tuổi trẻ, niềm hi vọng, việc học hỏi, sự chăm lo của xã hội và xa hơn là niềm tin vào tương lai… Lý tưởng thì là thế!

Dâu ơi là dâu, bể ơi là bể, có biết câu chuyện về những bộ đồng phục đang làm đau cái đầu các vị phụ huynh từ miền xuôi đến miền ngược không?

4. Anh bạn đồng nghiệp, một chuyên gia bình luận bóng đá, có con gái năm nay vào lớp hai, hôm nay bỗng chuyển sang bình luận về giáo dục trên trang cá nhân: “Xuất phát từ mục tiêu tốt đẹp là xóa khoảng cách giàu nghèo, tạo bình đẳng cho các học sinh, đồng phục học sinh lại đang thành chỗ kiếm cho các trường và gánh nặng cho các bậc phụ huynh”.

Đồng nghiệp này cũng như nhiều phụ huynh khác đóng tiền may đồng phục xong sẽ phải ra tiệm đặt may một bộ như thế bằng chất vải khác vì bộ đồng phục của Trường chất lượng kém và chất vải nylon không phù hợp với khí hậu và sức khoẻ học sinh.

Sau vụ trường tiểu học ở một vùng quê nghèo ở Hà Nội định may đồng phục học sinh theo kiểu vest Hàn Quốc gồm áo sơ mi dài tay, nơ đeo cổ, quần âu dài, áo veston... có giá hơn 600 ngàn đồng, bằng giá bán cả tạ thóc, thì lại đến vụ giáo viên cắt dép học sinh vì không đúng…đồng phục.

Ngành giáo dục đang ngày càng mắc bệnh hình thức và bệnh thành tích. Mà vùng càng nghèo thì bệnh càng nặng thì phải.

….

Ai đổi dép không? – tiếng rao bất chợt vọng vào khi tôi đang viết những dòng này. Ừ nhỉ, ở giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội, nghề đổi dép nhựa cũ lấy dép mới vẫn tồn tại./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nỗi buồn mang tên Nguyễn Ánh 9
Nỗi buồn mang tên Nguyễn Ánh 9

VOV.VN - Liệu lời xin lỗi của tác giả ca khúc nổi tiếng “Buồn ơi, chào mi” có phải chính là cái giá cay đắng cho lời nói thật?

Nỗi buồn mang tên Nguyễn Ánh 9

Nỗi buồn mang tên Nguyễn Ánh 9

VOV.VN - Liệu lời xin lỗi của tác giả ca khúc nổi tiếng “Buồn ơi, chào mi” có phải chính là cái giá cay đắng cho lời nói thật?

Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"
Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"

VOV.VN - Căn nguyên của hiện tượng sư tử đá nhan nhản thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến.

Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"

Sư tử đá ngoại lai vào chùa Việt qua đường "cung tiến"

VOV.VN - Căn nguyên của hiện tượng sư tử đá nhan nhản thực ra nằm ở “vùng tối” của sự thiếu hiểu biết về văn hoá của những người cung tiến.

Sách mới, đồng phục đẹp... có làm nên học sinh giỏi?
Sách mới, đồng phục đẹp... có làm nên học sinh giỏi?

VOV.VN - Hàng năm, một khối lượng sách giáo khoa mới được in ra, gây lãng phí không ít tiền của

Sách mới, đồng phục đẹp... có làm nên học sinh giỏi?

Sách mới, đồng phục đẹp... có làm nên học sinh giỏi?

VOV.VN - Hàng năm, một khối lượng sách giáo khoa mới được in ra, gây lãng phí không ít tiền của