Thảm hoạ MH17 bị bắn rơi: Phận người mong manh
VOV.VN - Thân phận quá mong manh nên đã có lúc người ta không còn tin vào sự hiện hữu, chỉ coi đời là cõi tạm: Sống chỉ gửi còn thác mới là về.
Trong vòng có mấy tháng mà hàng không Malaysia phải nhận 2 tin dữ. Đó là máy bay MH-370 mất tích, dìm xuống đáy đại dương 253 người, và mới đây, MH-17 lại nổ tung trên bầu trời Ukraine, nơi đang có chiến sự, cướp đi 298 sinh mệnh.
MH-370 mất tích bí ẩn gây đớn đau cho bao gia đình. Tai nạn của MH-17 không dừng lại ở đó, nó còn gây phẫn nộ và sửng sốt cho cả thế giới.
Còn quá sớm để khẳng định nguyên nhân khiến MH-17 bị rơi, nhưng người ta bàng hoàng và căm phẫn vì có sự liên hệ thảm họa trên với chiến sự đang diễn ra. Người ta không chấp nhận con người văn minh ở thế kỷ 21 lại dùng súng đạn với thường dân vô tội. Nhưng chiến tranh là vậy! Thân phận nhỏ bé mong manh của con người, ở một thời điểm nào đó, có thể được đem ra đánh đổi, thậm chí chỉ là để gây sức ép hoặc tạo thế bất lợi… cho một bên, một phía, một phe phái nào đấy.
Hình ảnh hiện trường vụ máy bay MH17 rơi (Ảnh: Reuters)
Loài người đã bước sang thiên niên kỷ thứ 2 với đủ thứ luật lệ ràng buộc ở tầm quốc tế, mục đích để con người thân ái với nhau, để con người ứng xử hài hòa cùng thiên nhiên. Ấy thế nhưng đùng một cái, chỉ vì những lợi ích hẹp hòi, người ta sẵn sàng chà đạp lên mọi thứ luật lệ.
Hùng hục và mê muội lao tới cái đích đủ đầy về vật chất, tiếng là phục vụ con người, nhưng kỳ thực càng đẩy thân phận con người về phía bờ vực của sự diệt vong. Trong huyền sử cũng như trong trí tưởng tượng, người ta đã nói tới sự trừng phạt khủng khiếp của thiên nhiên mà văn minh nhân loại, dù tiến bộ cỡ nào cũng không chống đỡ nổi.
Trong khi đang bất lực trước HIV thì hàng chục chuyên gia hàng đầu thế giới trong lĩnh vực này lại bỏ mạng trên chuyến bay MH-17 vừa rồi khi trên đường tới dự một hội nghị về HIV tại Australia. Có biện minh kiểu gì thì cũng không thể chối bỏ một sự thực là con người, chính chúng ta chứ không ai khác, trực tiếp hay gián tiếp, đang gây hại cho chính mình.
Khi đã nếm đủ hỉ nộ ái ố của cuộc đời, hoặc phải chịu những tổn thất mất mát quá lớn, chúng ta mới giật mình nhận ra thận phận sao mong manh! Để bảo vệ và cứu vớt sự mong manh ấy nên quyền được sống là tối thượng, quyền con người được đề cao ở tất cả các quốc gia. Và trong lĩnh vực tinh thần, tác phẩm gắn với thận phận con người luôn có sức sống bền lâu, thậm chí vĩnh hằng, trường tồn cùng thời gian.
Thân phận quá mong manh nên đã có lúc người ta không còn tin vào sự hiện hữu, chỉ coi đời là cõi tạm: Sống chỉ gửi còn thác mới là về. Tâm linh và tôn giáo có sức sống mãnh liệt, ngoài lý do khoa học chưa đủ khả năng để soi rọi làm sáng tỏ những điều kỳ bí, thì ở thời này, còn một nguyên do khác, đó là vì con người không thể bảo vệ nổi chính mình, thậm chí loài người (vô tình hay hữu ý) luôn tìm cách gây hại cho chính đồng loại của mình-một sự man rợ của thời hồng hoang và là cách ứng xử chỉ có ở loại vật. Do đó người ta cần một đức tin, một thế giới khác làm bệ đỡ tinh thần, là niềm an ủi, là chỗ dựa khi cái thân phận nhỏ bé mong manh này chẳng còn biết bấu víu vào đâu.
Đã xuất hiện nhiều phong trào gắn với chữ “xanh”. “Xanh” là hòa bình (với con người), hòa đồng (với thiên nhiên). Lạ thay! Chữ HÒA ấy đã có trong tôn giáo tự bao giờ. Chữ HÒA ấy là con đường duy nhất để những thân phận bé nhỏ mong manh-là chúng ta đây, có thể tồn tại bình an trên hành tinh này.
Tôi đặc biệt thích hai chữ “giác ngộ” trong Phật giáo. Thích là thích vậy chứ trí tuệ và sự hiểu biết của mình quá mỏng, không thể hiểu sự huyền diệu của vô ngã vô thường, nhưng trong lờ mờ nhận thức, tôi nghĩ chỉ có giác ngộ mới tránh khỏi tham - sân - si, những ma lực đầy quyến rũ và là căn nguyên của chiến tranh, dịch bệnh, thảm họa thiên nhiên…, những đại nạn khiến thân phận con người ngày càng mong manh trước một thế giới đang rất dễ bị tổn thương này./.