Trần Đăng Khoa: Bao giờ mới hết những chuyện kỳ cục?
VOV.VN -Việc ban hành những văn bản không hợp lòng dân, vi phạm luật pháp, rồi lại phải hủy bỏ, hoặc chấn chỉnh là một điều đáng tiếc
Những chuyện kỳ cục đó là các văn bản, quyết định ngang trái, không có tính thực thi của một số cơ quan chức năng, gây bất bình trong công chúng, làm suy giảm niềm tin của người dân vào sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, còn người trong cuộc, người thi hành công vụ thì dở cười dở khóc, vì chẳng còn biết xoay sở ra làm sao. Nếu thực hiện đúng theo cấp chỉ huy đã được quy định bằng một văn bản rất cụ thể thì mình lại trở thành kẻ vi phạm pháp luật. Mà nếu không thực hiện thì lại bất tuân lệnh, lại thành kẻ tiêu cực, chống đối cấp trên. Thế mới khổ!
Dư luận bất bình về quy định cấm quay phim, chụp ảnh CSGT đang làm nhiệm vụ |
Trước đây, thời còn trong quân ngũ, tôi có nghe cánh trợ lý chính trị kể cho nhau nghe nhiều chuyện rất buồn cười. Ám ảnh tôi nhất là chuyện một ông Trung đoàn trưởng. Ông ban bố rất nhiều mệnh lệnh. “Văn bản nào trợ lý đưa lên, ông cũng ký cái rẹc”. Ký mà không đọc. Không bao giờ đọc. Thế mới hãi.
Biết tính cẩu thả của ông, cậu trợ lý dân vận nghĩ ra một trò đùa. Mà đùa ác. Cậu thảo một mệnh lệnh rồi trịnh trọng trình lên ông: “Báo cáo thủ trưởng! Tình hình lũ lụt năm nay gay go lắm. Thủ trưởng lệnh anh em chống lũ giúp dân!”. “Ừ đúng! Tốt tốt!” Thế là ông ký. Ký mà không thèm nhìn văn bản. Khi Quyết định xuống phòng Văn thư đóng dấu để phát hành, mọi người mới tá hỏa vì một mệnh lệnh rất rất kỳ cục: LỆNH XUẤT CON GÁI.
Tất cả lính nữ trong cơ quan Trung đoàn bộ đều được “xuất kho”, giải phóng sự tồn đọng cho các chàng “ế vợ”. Ngay cả cô văn thư, một nữ quân nhân trẻ măng vừa nhập ngũ cũng được “phân phối” cho bác lính già góa vợ đang chờ sổ về hưu. Cả cơ quan được một trận cười bò.
Rồi không cười được nữa khi cái lệnh kỳ cục của Trung đoàn ấy lan đến tận Quân khu. Không thể vì chuyện đùa mà có thể xí xóa. Cậu trợ lý dân vận bị kỷ luật. Ông Thượng tá Trung đoàn trưởng bị hạ một sao rồi về hưu non vì cẩu thả vô trách nhiệm.
Xem ra, trong thời chiến, cuộc sống của chúng ta lại rất nghiêm túc và ngăn nắp. Bây giờ, trong thời bình, có nhiều điều kiện để xây dựng một xã hội quy củ, thì đời sống lại bề bộn, buông tuồng. Nhiều người làm những việc trái khoáy, thành chuyện đàm tiếu trong dân chúng, mà rồi vẫn chẳng có ai làm sao cả.
Ngay chuyện ban hành các quy định, văn bản cũng rất lộn xộn. Nói như nhà báo Ngô Thiệu Phong thì gần đây chúng ta được chứng kiến nhiều văn bản rất bi hài. Từ người có ngực lép không được đi xe máy cho tới xe biển chẵn đi ngày chẵn, xe có biển lẻ đi ngày lẻ; cấm đốt mã ở nơi công cộng; thịt sống bán trong 8 giờ; quy định tang lễ chỉ được dùng tối đa 7 vòng hoa; mẹ Việt Nam anh hùng được ưu tiên cộng điểm thi đại học; trẻ em dưới 5 tuổi không được học trường quốc tế; chó, mèo cũng phải “chính chủ”.v.v… Nhiều lắm, không nhớ xuể!
Chưa kịp hết kinh hoàng thì đùng cái, lại thêm văn bản số 1042/C67- P3 do Đại tá Trần Sơn Hà, phó cục trưởng Cục CSGT đường bộ - đường sắt, ký ngày 26/4 gửi đến các trưởng phòng CSGT, công an các tỉnh, thành phố nhằm "quán triệt một số nội dung".
Trong các nội dung mà ông Đại tá “quán triệt”, có việc “nâng cao tinh thần cảnh giác, kiên quyết đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ, hoặc quay phim, chụp ảnh hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm khi chưa được phép của CSGT đang làm nhiệm vụ.
Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật”. Kiên quyết “đấu tranh làm rõ với những đối tượng có lời nói đe dọa, lăng mạ hoặc có hành vi chống đối CSGT đang thực thi công vụ” thì đúng rồi, nhưng sao lại cấm người dân “quay phim, chụp ảnh” CSGT khi đang hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm”?.
Và ghê rợ hơn: “Nếu đúng là nhà báo thì tập hợp thông báo cho cơ quan chủ quản; nếu giả danh nhà báo thì tạm giữ, lập hồ sơ chuyển cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật!”.
Xin hỏi ông Đại tá: Pháp luật nào quy định như vậy?
Có lẽ chưa có một văn bản nào mà vừa đưa ra đã gặp sự phản ứng dữ dội của dư luận xã hội, từ báo giấy, báo mạng, mạng xã hội, đến cả các tờ báo chính thống từ Trung ương đến địa phương như cái văn bản này. Nhiều người dân cũng đã lên tiếng. Không ít người cho rằng đây là quy định trái luật và hết sức vô lý.
Nếu “Cảnh sát giao thông làm đúng luật, xử đúng tội, bắt đúng người thì việc quay phim hay không có liên quan gì? Nếu làm đúng thì người dân quay phim cũng chỉ để tuyên dương khen thưởng, vậy có gì là sai mà phải cấm?”, “Cây ngay không sợ chết đứng", nếu CSGT cứ làm tốt thì việc gì phải sợ quay phim chụp hình?”. “CSGT làm đúng, làm xuất sắc thì phải khen thưởng chứ, chẳng hạn như CSGT tham gia bắt cướp là một hành động tốt chẳng lẽ không cho quay phim để biểu dương?”.
Ngược lại nếu làm không tốt thì cũng phải phê phán. “Nếu không phải khu vực quân sự, không có biển báo cấm thì người dân có quyền quay phim và chụp hình thoải mái, không ai có quyền cấm đoán hoặc quấy rầy. Công an làm việc ăn lương từ tiền của dân đóng góp thông qua thuế, nên người dân có quyền giám sát công việc của người mà dân trả tiền bằng lương”. “Nếu có những hành vi tiêu cực, việc quay phim, chụp ảnh sẽ cung cấp những bằng chứng cụ thể nhất để thay cho lời nói "gió bay".
Và cũng nói như một độc giả: “Trong ngành CSGT có rất nhiều tấm gương tốt tận tâm tận tụy nhưng có những cán bộ, chiến sỹ làm xấu đi hình ảnh của người chiến sỹ công an, vì thế mà lòng tin ở dân đã bị ảnh hưởng. Nay lại qui định không cho quay phim chụp ảnh CSGT khi đang làm nhiệm vụ thì chẳng khác gì ngành Công an CSGT đang bao che cho những “con sâu làm rầu nồi canh” và cấm người dân lấy bằng chứng để chống tiêu cực?”. “Chả lẽ CSGT đang gây sách nhiễu cho dân, người dân lại phải xin phép anh ta cho quay phim chụp ảnh anh ta đang nhận hối lộ ư?”
Tôi không thể liệt kê hết tiếng nói của những người dân phản ứng về văn bản này đã công bố trên báo giấy, báo mạng. Nhà báo đoạt Giải thưởng Phát thanh Truyền hình Quốc tế Ngô Thiệu Phong rất có lý khi anh cho rằng, “hình như các anh công an thường mắc bệnh nghề nghiệp, tức là nhìn đâu cũng thấy tội phạm, kẻ xấu. Các anh chỉ chăm chăm vào mấy cái VIDEO clip phê bình mà lại không thấy những VIDEO clip tuyệt vời khác.
Này nhé! Đại úy Trần Ngọc Hoàng, cảnh sát giao thông Thanh Hóa, từng bị dư luận lên án nặng nề vì đã nổ súng vào người tham gia giao thông. Thế rồi may mắn sao, một VIDEO clip của một người dân qua đường đã kịp ghi lại cảnh đánh võng gây náo loạn giao thông của hai gã càn quấy không đội mũ bảo hiểm, lại thách thức như chống lại người thi hành công vụ, khiến anh phải nổ viên đạn cao su cảnh cáo. Nếu không có đoạn phim minh oan cho anh cảnh sát giao thông do người dân quay thì biết đâu bây giờ, anh CSGT ấy đã bị giáng chức, đuổi khỏi ngành, thậm chí ngồi tù vì bắn người vô tội đấy”.
Không thể phủ nhận vai trò quan trọng của các chiến sĩ an ninh trong cuộc sống của chúng ta hôm nay. Nhiều người tận tụy sống vì dân. Chết cũng vì dân. Không ít người đã dũng cảm hy sinh vì sự bình yên của những tuyến đường.
Hàng ngày đến cơ quan, qua cầu Chương Dương, tôi vẫn gặp một chiến sĩ CSGT. Anh thường có mặt để điều hành Giao thông trên cây cầu này vào những giờ cao điểm. Đó là Hiệp sĩ Giao thông, Thượng tá Lê Đức Đoàn. Anh là thương binh nặng trong trận chiến săn bắt cướp năm 2005. Trong địa bàn mới của mình, ngoài công việc điều hành giao thông mà anh làm rất tận tuỵ, anh còn cứu được hàng chục người bất hạnh, muốn chọn Sông Hồng kết thúc cuộc đời mình.
Gần đây nhất là một người phụ nữ bụng mang dạ chửa. Chị bị va chạm xe, ngã vật xuống cầu. Mọi người qua đường đều bỏ đi như những kẻ vô cảm. May sao lại đúng ca trực của chàng Hiệp Sĩ Giao thông Lê Đức Đoàn. Anh đã kịp đưa chị vào bệnh viện cấp cứu. Và rồi điều rủi ro nhất, tăm tối nhất của gia đình chị đã không xảy ra. Tất cả những người tự tử và những người bị nạn trên cầu Chương Dương được cứu thoát khỏi lưỡi hái tử thần, đều coi Lê Đức Đoàn như một ân nhân. Anh thực sự là một nhân vật huyền thoại.
Một cựu Đại tá quân đội hiện đã nghỉ hưu còn nói với tôi: Nếu ngành Giao thông hỏi ý kiến nhân dân thì chúng tôi sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ và quyên góp tiền dựng bức tượng anh bên cầu Chương Dương.
Cảnh sát giao thông là đấy. Những con người đẹp như huyền thoại ấy nhiều lắm. Họ vẫn luôn có mặt trên các tuyến đường. Vậy thì sao lại cấm quay phim, chụp ảnh? Việc làm ấy có gì mờ ám như một sự khuất tất.
Cũng may, Bộ Công An đã kịp thời chấn chỉnh ngay. Ngày 23/8/2013, Cục trưởng C67 đã có Công văn số 2315/C67-P6 hủy điểm 2 Công văn số 1042/C67-P3 ngày 26/4/2013 và yêu cầu PC67 Công an các địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc một số việc cụ thể: Tăng cường phối hợp với cơ quan báo, đài để tuyên truyền pháp luật, các hoạt động đảm bảo trật tự, an toàn giao thông của CSGT; tranh thủ sự giúp đỡ của nhân dân tham gia xây dựng lực lượng CSGT.
Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài quay phim, chụp ảnh thì không được ngăn cản (trừ nơi cấm quay phim, chụp ảnh). Trường hợp nhân dân hoặc phóng viên báo, đài cung cấp thông tin, hình ảnh về sai phạm, tiêu cực của CSGT thì Thủ trưởng đơn vị phải tiếp nhận, giải quyết và xử lý kịp thời, nghiêm túc theo đúng quy định.
Đó là một quyết định đúng đắn và cần thiết. Tuy thế, việc ban hành những văn bản không hợp lòng dân, vi phạm luật pháp, rồi lại phải hủy bỏ, hoặc chấn chỉnh là một điều đáng tiếc. Cần hạn chế đến tối đa những vụ việc bất cập như vậy để khôi phục lại niềm tin của dân vào các cơ quan chức năng. Bởi vậy, tôi mới phải bàn lại câu chuyện đáng tiếc này, dù vụ việc cũng đã qua và cũng đã được giải quyết…/.