Về bài báo: “Một weekend ở Điện Biên Phủ“
VOV.VN -Ngày nay trên thế giới có cả ngàn cuốn sách viết về trận Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng hầu hết là sách viết sau sự kiện động trời ấy.
Thế nào là một bài bút ký báo chí hay?
Thật khó trả lời, ngoài việc dẫn lại những điều các thầy, cô giáo viết tại các giáo trình đại học. Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ kịp thời, vì vậy như nhiều người nay vẫn nói, thông tin phải nhanh, đúng, trúng, hay.
Riêng tôi muốn đặt đúng, trúng lên đầu, dù vẫn biết có nhanh mới hút được khách, có nhanh mới có thể góp phần định hướng dư luận. Nhanh chậm thời gian là chuyện tồn tại cả triệu, triệu năm trước ngày chúng ta phát hiện ra tốc độ cơ giới, tốc độ âm thanh, tốc độ ánh sáng, tốc độ siêu âm thanh… và gì gì nữa. Rốt cuộc vẫn là “chuyện tương đối” mà thôi.
Tờ báo đầu tiên của nước Pháp, La Gazette de France, số 1 ra ngày 30-5-1631, mà bản gốc ngày nay vẫn mở rộng cho khách chiêm ngưỡng lúc đặt chân vào Phòng đọc Thượng viện Pháp tại Điện Luxembourg, đưa tin nóng nhất lên đầu trang nhất: “Vua Ba Tư với 15 000 ngựa chiến và 50 000 binh sĩ đang bao vây thành phố Diele…”. Cuộc bao vây ấy thực tế diễn ra đã hơn hai tháng trước lúc phóng viên Pháp nhận được nguồn tin, và khi báo La Gazette đến tay bạn đọc, thành phố Diele thất thủ lâu rồi.
Sang thời hiện đại, báo chí chạy đua đưa tin đến bạn đọc sớm muộn hơn nhau vài phút, thậm chí vài giây. Nhà báo lấy đâu ra thời gian kiểm tra xuất xứ nguồn tin mình vừa nhận? Nhà báo Jean-Claude Colombani cựu Chủ nhiệm báo Le Monde có lần than thở: Nhà báo là nạn nhân đầu tiên của siêu bão công nghệ truyền thông. Sức ép thời gian là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng suy thoái đạo đức nghề báo hiện nay.
Chẳng cần phải đợi đến thời tin học, hồi báo in còn là mặt hàng duy nhất độc chiếm thị trường tin tức, một bậc văn hào, hình như là André Gide, đã nói: Bài báo đọc buổi sáng (khi số báo vừa ra) thấy vô cùng thú vị, chiều xem lại đã bớt hay, sang hôm sau thì vứt luôn vào mớ báo cũ chờ biếu bà đồng nát. Phải chăng báo chí không cần quan tâm chuyện trường tồn?
Cách đây dăm năm, kỷ niệm 65 năm ngày báo ra số đầu, báo Le Monde phối hợp với Đài Europe 1 tổ chức tuyển chừng trăm bài bút ký, phóng sự hay hơn cả trong tổng số các bài đã in trên hơn hai mươi vạn số báo Le Monde, mà hầu như số nào cũng có bài “đọc được”.
Một sự lựa chọn gần như bất khả! Một trăm chọn từ hai mươi vạn ứng viên - 5%. Khởi đầu với bài của phóng viên ký H. L. (đến tận bây giờ chẳng ai biết nhà báo H. L. ấy đích thực là ai trên đời, còn sống hay đã trở thành người cõi nào đó) thuật cảnh ông cùng đơn vị quân Pháp chiến đấu chống Đức trên dãy núi Vosges mừng Lễ Giáng sinh năm 1944, đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đầu thiên niên kỷ này, mà toàn là thông tin về những sự kiện động trời, thu hút sự quan tâm của toàn thế giới: Quân giải phóng Trung Hoa tiến vào Thượng Hải năm 1949 và sự kiện Thiên An Môn năm 1989, Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và cảnh người dân Sài Gòn ngóng chờ Quân Giải phóng ngày 30-4-1975, rồi Bin Laden và Cách mạng hoa cẩm chướng, vụ sát hại Tổng thống Chile Salvador Allendé và cảnh treo cổ Tổng thống Irak Sadam Hussein, bức tường Berlin sụp đổ và cuộc chiến chia phần nước Nam Tư, các đường dây buôn ma túy xuyên quốc gia và và… - chưa kể những chuyện thuộc nội tình lúc nào cũng rối rắm của nước Pháp.
Đã tuyển thì phải dựa trên chuẩn, mà cái chuẩn trong văn chương đâu phải lúc nào cũng… chuẩn. Nhà báo Eric Fortorino đành viết mấy câu văn hoa nhưng khá chung chung tại Lời giới thiệu Tuyển tập: Nhà báo cần có trong tấm hộ chiếu của mình nhiều nhiều ngàn cây số đường đã qua, mới mong đưa bài bút ký mình viết đạt tới cung cách nghệ thuật hòa trộn trí thông minh và khiếu nhạy bén nắm bắt vấn đề, hàm lượng thông tin phong phú và mức độ siêu việt trong cách vận dụng ngôn từ.
Trong số một trăm bài được tuyển (chính xác 104 bài), chủ đề Việt Nam chiếm năm, bài đầu về cuộc chiến chống Pháp tại châu thổ sông Hồng năm 1953 của Jean Lacouture, bài cuối của Jean de La Guérivière về ngày giải phóng Sài Gòn 30-4-1975
Jean Lacouture khắc họa tình gắn kết của người Việt Nam trong cộng đồng làng xã. Ý này không mới, năm 1936 Pierre Gourou đã có những trang viết xuất sắc về chuyện ấy, khi ông phân tích lũy tre, cổng làng, giếng xóm, những lối đi trong làng quê Bắc Bộ xưa không phải ngẫu nhiên mà có tính trước (nay ta gọi: làm theo qui hoạch). Những ý kiến của Pierre Gourou được các học giả lừng danh cùng thời với ông như Giáo sư Paul Mus, Giáo sư Nguyễn Văn Huyên…, thành viên Trường Viễn Đông Bác cổ, Hà Nội, tâm đắc.
Cái nhìn sắc sảo của phóng viên báo Le Monde năm 1953 là ở chỗ: chủ nghĩa thực dân muốn đặt lên cơ sở hạ tầng vốn có từ xưa ở châu thổ Sông Hồng một cấu trúc mới, gồm những con đường cái lát đá hay tráng nhựa đường cho xe cơ giới tiện lưu thông, bến cảng và nhà máy, kênh đào và dây cột đường dây điện thoại.
Cấu trúc này không cách nào bám rễ vào xứ sở cổ truyền mà chỉ giống như cái sàn gỗ người nông dân Bắc Kỳ vẫn làm và đặt lên trên nền đất ẩm, dùng làm sân khấu múa hát, chạy đàn cúng tế những kỳ lễ hội, xong việc là tháo dỡ cất đi.
“Các chiến sĩ Việt Nam dọc ngang trên các phố Sài Gòn sau ngày thành phố giải phóng, tháng 4 năm 1975” - Ảnh Hervé Glosguen, in kèm bài của J-C. Pomonti. |
Ông nhận ra Quân đội nhân dân Việt Nam ở đồng bằng chủ yếu gồm những anh dân quân lo việc bảo vệ trật tự xóm làng, trở thành anh “Du Kich” (tiếng Việt viết hoa trong bài) rồi anh Bộ đội Cụ Hồ.
Những đơn vị quân đội được điều từ nơi khác đến tăng cường cho đồng bằng Bắc Bộ thì giống như những ngoài loại cây vùng khác di thực vào đồng bằng, những cây này sẽ mau chóng bám rễ sâu xuống đất, trở thành cây bản địa, gắn bó với dân chẳng mấy khác những đơn vị trưởng thành tại chỗ kia. Và ông tiên đoán thất bại khó tránh của Pháp trong cuộc chiến tranh do họ gây nên với mưu đồ áp đặt trở lại chế độ thực dân lên nước này: “Cuộc chiến tranh của Pháp ở vùng châu thổ sông Hồng hiện nay giống hệt trận ma chiến của chú lùn trong câu chuyện cổ xa xưa, tha hồ cho chú múa may vung vẩy trong khi lưỡi kiếm và ngọn thương, những vũ khí lợi hại của chú, đã bị đối thủ tung lưới ra tóm gọn và cuộn chặt vào lưới của họ mất rồi”[1].
Robert Guillain[2] còn có nhiều trải nghiệm về châu Á hơn. Về tuổi đời ông lớn hơn Jean Lacouture cả một giáp và đã làm phóng viên Pháp tại châu Á mấy chục năm, bắt đầu từ chiến tranh Trung Nhật. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông sống và làm việc ở Tokyo, lấy vợ người Nhật. Robert Guillain là một trong số ít phóng viên nước ngoài có mặt tại chỗ, và có bài về thảm họa bom nguyên tử Mỹ ném xuống hai thành phố Hiroshima và Nagaski. Ông làm phóng viên mặt trận cho báo Le Monde tại cuộc chiến tranh Triều Tiên trước khi sang Việt Nam viết phóng sự về Điện Biên Phủ.
Ngày nay trên thế giới có cả ngàn cuốn sách viết về trận Điện Biên Phủ năm 1954, nhưng hầu hết là sách viết sau sự kiện động trời ấy. Một mớ là “hồi ký” của các tướng lĩnh Pháp thanh minh thảm bại ấy không phải lỗi riêng của họ, còn các sĩ quan cấp dưới viết hồi ký nhằm biện bạch đơn vị của họ đã chiến đấu hết mình, sở dĩ chúng tôi phải đầu hàng là tại lẽ này lẽ nọ...
Bài của phóng viên nước ngoài có mặt tại Điện Biên Phủ một thời gian, dài ngắn không sao, trong những ngày đêm chiến đấu ấy và thuật lại những điều mắt thấy tai nghe là rất hiếm. Ngoài tài năng và kinh nghiệm của một cây bút già dặn đã đành, sự có mặt tại chỗ của Robert Guillain làm cho bài bút ký của ông nhan đề: “Một week-end ở Điện Biên Phủ” đăng ngày 15 và 16 tháng 2 năm 1954 trên báo Le Monde thêm sống động.
Nếu Jean Lacouture từ trên máy bay nhìn xuống, thấy đồng bằng Bắc Bộ đẹp như một bức tranh nhiều màu sắc gợi cảm hứng thú vị tựa một tác phẩm của danh họa Paul Klee[3], thì Robert Guillain từ trên cao nhìn bao quát vùng Mường Thanh, hạ bút phê luôn: “Gọi trận địa này “lòng chảo” là sai. Hình ảnh đúng hơn, đây là một sân vận động, một sân vận động khổng lồ chiều dài ít nhất 20km, chiều ngang từ 6 đến 8km. Đáy sân vận động là của chúng ta, còn những bậc cấp xung quanh là rừng núi của Việt Minh. Ấn tượng đầu tiên của người nhảy từ trên trời xuống cái sân vận động này là nhất cử nhất động của mình, chung quanh đều nhìn rõ, còn những người trong cái đáy này ngóng về đâu cũng thấy toàn là rừng và núi, núi và rừng”.
“Trận Điện Biên Phủ, mùa xuân 1954”. Ảnh khuyết danh, in kèm bài của Robert Guillain trong tuyển tập. |
Cách đây chưa lâu - ông viết tiếp - cái sân vận động này còn phủ một màu xanh thực vật giống hệt mọi rừng xanh núi xanh vùng này. Sau thời gian hàng nghìn quân Pháp ngày đêm tới tấp chặt hạ đào xới, đã cạo trọc hết, không để sót lại một thứ gì. Không còn một cành cây, một ngọn lá, trừ những khúc cây đồ sộ chẳng có cưa nào cưa cắt nổi, thôi đành để các ông khổng lồ của ngàn sâu ấy nằm chình ình ra đó, làm vật che chắn cho chiến hào của quân ta. Đại tá De Castries, chỉ huy trưởng cụm cứ điểm này nói: “Tôi tạo lập cho mình một đồng bằng, chờ đối phương”.
Mọi sự đều yên tĩnh. Chuyến thăm Điện Biên Phủ của tôi thật sự thanh bình, chẳng khác một kỳ đi nghỉ cuối tuần. Bi kịch là ở chỗ ấy.
Quân ta đổ xuống đây từ ngày 20 tháng 11 năm trước. Gần Lễ Giáng sinh có vài trận đánh nhỏ. Rồi trở lại yên bình. Thi thoảng một vài trận nhỏ của bên này hoặc bên kia tấn công về phía địch, nhằm thăm dò trận địa và bắt một vài tù binh về tra hỏi, nắm tình hình. Thi thoảng moọc chê, đại bác của ta nã đạn vu vơ. Chỉ có thế thôi. Còn lại núi rừng xung quanh thuộc đối phương vẫn hoàn toàn lặng câm và bí ẩn.
Liệu họ có mở cuộc tấn công trực diện vào hệ thống cứ điểm này hay không?
Ấy thế mà nửa cuối tháng giêng vừa rồi, quân Việt Nam đã áp sát quanh sân vận động. Sức ép của họ khi thì đến từ hướng đông, khi thì từ hướng tây. Có lần ta được tin quân đội Việt Nam chuẩn bị mở đợt tấn công lớn. Hai ngày 25 và 26 tháng giêng, tình hình cực kỳ căng thẳng. Tình báo quân đội quả quyết: địch sẽ mở cuộc tấn công lớn nội trong đêm nay. Hóa ra họ giả vờ thôi. Trong khi một sư đoàn chủ lực của họ lại hành quân về hướng Luang Prabang. Cái khôn khéo của đối phương là ở chỗ ấy. Trong khi giấc mơ của chỉ huy trưởng De Castries và toàn ban tham mưu của ông ta là cố làm sao hút đối thủ tấn công vào lòng sân vận động này.
Mọi sự vẫn yên bình. Bi kịch là ở chỗ ấy.
Với mạch văn ấy, bài bút ký của Robert Guillain càng về cuối càng hấp dẫn.
De Castries đành cho một đơn vị thiện chiến tấn công lên rừng thử xem sao. Báo cáo của chỉ huy đơn vị tiền tiêu ấy qua máy bộ dàm về ban tham mưu quân Pháp đang đều đều bỗng dưng hoảng hốt: “Chúng tôi sa vào bẫy của quân Việt Nam rồi! Quân ta nhiều người đã tháo chạy. Ta chết và bị thương nhiều lắm. Chỉ huy phó của tôi bị họ bắn gục rồi. Họ ở dưới chân quân ta. Họ ở trong các hầm trú ẩn. Họ từ dưới đất bắn vào quân ta. Quân họ xen lẫn vào quân ta!”. Tiếng máy bộ đàm im bặt. Lát sau lại cất lên, xa xôi hơn, yếu ớt hơn: “Các bạn có nghe rõ không? Quân họ tràn ngập quân ta. Tôi nhắc lại: Quân họ tràn ngập quân ta rồi!”.
Pháo và moọc chê Pháp từ lòng chảo bắt đầu nả lên rừng núi, vòng qua đầu đơn vị đang mắc kẹt trong vòng vây của quân Việt. Một chiếc máy bay nhỏ xíu bay là là sát ngọn cây chỉ điểm mục tiêu cho đại bác...
Robert Guillain viết tiếp: Tôi đã một lần nhìn thấy cảnh tương tự thế này tại mặt trận Triều Tiên. Sự phản ứng của quân đội Mỹ nhanh chóng, quyết liệt hơn nhiều. Chỉ sau năm phút, cả một không đoàn ập tới: bom napan, napan, đạn súng liên thanh, tên lửa, napan, napan. Cái gọi là air-strike của Mỹ ghê giớm thật. Tiếp đó pháo binh vào cuộc, kết thúc tất cả những gì nếu có thể gọi là sống còn sau bấy nhiêu loạt đạn súng liên thanh, tên lửa và bom napan xả từ trên không dội xuống, làm bốc lên những cái nấm khổng lồ lửa khói. Còn ở đây? Quân ta có mỗi hai chiếc máy bay khu trục Bearcat nhỏ xíu. Bom napan? Bốn quả tất cả. Tôi có cảm tưởng quân ta lại bắn vu vơ. Mà làm sao tìm được mục tiêu giữa núi rừng dày đặc đang giăng màn ngụy trang che chắn hết mọi thứ trên kia cơ chứ?
Và bài phóng sự kết luận:
“Một week-end ở Điện Biên Phủ. Núi rừng lại ngủ yên trong những đêm thanh bình của người dân tộc Thái. Nhưng tôi chưa bao giờ cảm thấy một nỗi căm hờn ngùn ngụt đến vậy đang vây hãm chúng ta. Một nỗi căm hờn bao vây lòng chảo Điện Biên. Một nỗi căm hờn ngày càng xiết lại từ bốn phía xung quanh quân ta, và vẫn tiếp tục xiết cho đến khi quân đội Việt Nam đạt kỳ được mục tiêu của họ là tiêu diệt tất cả các cụm cứ điểm họ đang bao vây. Tôi sẽ không bao giờ quên cơn thịnh nộ dâng lên từ núi rừng xanh ấy mỗi lần quân ta chạm đến rừng”.
Bài phóng sự của Robert Guillain đăng hai kỳ báo Le Monde giữa tháng 2 năm 1954. Còn phải chờ gần hai tháng nữa mới đến cái ngày lịch sử “7 tháng 5”, chiều hôm ấy “tại Mường Thanh, quân đội Pháp ra hàng như nước chảy” - đầu đề bài phóng sự của Trần Cư (báo Quân đội nhân dân ấn hành tại chỗ, ngày 10-5-1954).
Văn phong mỗi người một cách. Gần hai mươi năm sau Điện Biên Phủ, Hiệp định Paris năm 1973 có hiệu lực, quân đội Mỹ buộc phải rút khỏi Việt Nam, Jean-Claude Pomonti[4], phóng viên báo Le Monde tại Đông Nam Á từ 1968 đến 1974, múa bút cách khác. Bài báo mở đầu bằng mấy dòng đạo ngữ in đậm: “Chiến tranh Việt Nam chưa kết thúc, Nixon thậm chí còn cho mở những đợt ném bom dữ dội xuống Hà Nội và Hải Phòng, tuy nhiên mọi người đều hiểu “ít’s all over”. Miền Nam Việt Nam đang tham dự “sans un regard” sự ra đi của người Mỹ, trong khi một số cố vấn và đại tá Mỹ về hưu chuyển sang nghề kinh doanh vẫn tiếp tục nhâm nhi ly rượu sâm banh của họ và tiếp tục hy vọng, biết đâu nhờ một sự thần kỳ nào đó, may ra tất cả câu chuyện kia có thể kéo dài thêm một ít nữa chăng”. Bài ký chấm hết sau mấy câu: “Ngày thứ năm ấy, tất cả bọn họ cùng lên đường về nước, với hơn hai triệu tấm huân chương chiến công, nhiều hơn tổng số huân chương quân đội Hoa Kỳ được tặng thưởng trong Chiến tranh thế giới thứ hai, cùng năm mươi ngàn chiếc quan tài và vô vàn máy bay chiến đấu, vận tải, trực thăng tan xác, mà chẳng ai buồn thốt lên câu hỏi: Chúng ta từng muốn gì ở đất nước này? Có cần chăng phía người Việt Nam bày tỏ lời bình? Mà để làm gì cơ chứ! Lúc này chẳng ai quan tâm đến câu chuyện ấy. Một khi ngôn ngữ đã bất đồng[5], rốt cuộc chỉ còn có lặng im là hơn. Cố tình lánh mặt nhau nữa là khác”.
Hai năm sau, Jean de Guérivière rút tít bài bút ký viết tại chỗ, trước khi bước lên máy bay rời miền Nam Việt Nam tránh bom rơi đạn lạc: “Sài Gòn chờ những người chiến thắng” (báo Le Monde số ra ngày 30-4-1975).
[1] Jean Lacouture sinh năm 1921, lúc viết bài này ông mới ngoài 30 tuổi.
[2] Robert Guillain, tên đầy đủ là Florent Antoine Guillain, sinh năm 1908, mất năm 1998.
[3] Paul Klee (1879 - 1940) họa sĩ Đức nổi tiếng với những tác phẩm độc đáo, Giáo sư Viện hàn lâm Mỹ thuật Dusseldorf.
[4] J-C. Pomonti sinh năm 1940, làm phóng viên báo Le Monde thông tin về cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam từ 1968 đến 1974. Do có nhiều bài báo vạch trần sự thật, ông bị chế độ Sài Gòn trước 1975 cấm cửa. Năm 2010, ông cùng nhà nhiếp ảnh Nicolas Carnet sang Hà Nội dự Lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội trở về, cho xuất bản cuốn “Hanoi: Regards” (Nxb. La Fremillerie, 2011), trong khi Nicolas Carnet tổ chức một cuộc triển lãm ảnh vừa chụp về Hà Nội.
[5] Bất đồng giữa Mỹ và chính quyền Sài Gòn hồi đó.