41 xã, phường mới sáp nhập tại TP.HCM sẵn sàng phục vụ người dân
VOV.VN - Ngày cuối cùng của năm 2024, không khí làm việc tại trụ sở UBND các phường của TP.HCM trở nên tấp nập, khẩn trương khi cán bộ, công chức vừa giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân, vừa tranh thủ đóng gói, vận chuyển hồ sơ, đồ đạc để chuyển sang trụ sở mới sáp nhập.
Tất bật trong ngày cuối cùng
Rạch Ông – tên của một con rạch đi qua địa bàn Quận 8, gắn bó với bao thế hệ người dân, nay được đặt tên cho một phường mới sáp nhập từ 3 phường cũ trên địa bàn.
Từ ngày 1/1/2025, phường Rạch Ông chính thức được hình thành từ việc sáp nhập 3 phường cũ là Phường 1, Phường 2 và Phường 3 khiến nhiều người dân nơi đây lẫn lộn cảm xúc vì vừa mới mẻ nhưng cũng rất đỗi quen thuộc.
Bà Hồ Thị Kim Khoa, người dân Phường 2 cũ của Quận 8 chia sẻ người dân ở đây ai cũng gắn bó và có tình cảm với cái tên Rạch Ông hơn là tên phường theo con số 1, 2, 3. "Hầu như quận nào của TP.HCM cũng có tên theo con số 1, 2, 3… Nên khi sáp nhập đổi tên phường gắn với địa danh của địa phương như: Rạch Ông, Bến Nghé, Cầu Ông Lãnh họ lại cảm thấy gần gũi, gắn bó và hay hơn. Điều đó cũng giống như mỗi người có một tên riêng" - bà Hồ Thị Kim Khoa nói
Trên cơ sở sáp nhập của 3 phường trên, phường Rạch Ông có quy mô dân số trên 80.000 dân với diện tích khoảng 1,5 km2.
Ngày làm việc cuối cùng của năm 2024, không khí tại trụ sở UBND phường 3 (Quận 8) sắp tới là phường Rạch Ông trở nên tấp nập, khẩn trương hơn mọi ngày. Ngay từ cổng ra vào, đội ngũ thi công gấp rút tháo dỡ, lắp đặt mới bảng tên trụ sở.
Còn phía bên trong, các cán bộ, công chức cũng bận rộn với việc sắp xếp, bố trí phòng ốc, bàn làm việc, tiếp nhận những thùng hồ sơ, đồ đạc từ 2 phường còn lại sang trụ sở mới.
Tấp nập, khẩn trương, bận rộn hơn mọi ngày là thế nhưng tại trụ sở UBND các phường thuộc diện sáp nhập vẫn duy trì công tác tiếp công dân và giải quyết các thủ tục hành chính cho dân.
Theo bà Dương Thị Loan Thảo, Chủ tịch UBND Phường 2 và từ 1/1 sẽ là Chủ tịch UBND phường Rạch Ông, bộ phận một cửa tiếp nhận và trả kết quả của các phường cũ được đảm bảo, duy trì hoạt động đến 17h ngày 31/12. Sau đó, tranh thủ ngày nghỉ Tết dương lịch, cán bộ, công chức của phường sẽ tiến hành dọn dẹp, bố trí lại trụ sở làm việc sao cho ổn thỏa, chỉn chu, sẵn sàng đi vào hoạt động ngay từ ngày 2/1.
Từ ngày đầu năm mới 2025, 80 phường của TP.HCM sẽ chính thức sáp nhập, hình thành 41 đơn vị hành chính cấp xã mới. Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương, công tác chuẩn bị cho bộ máy hành chính mới đã cơ bản hoàn tất, sẵn sàng đi vào hoạt động phục vụ nhân dân.
Ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch UBND Phường 1 cũ, sắp tới là Chủ tịch UBND Phường 2 mới (Quận 6) cho biết, đơn vị đã xây dựng xong các phương án cho các giai đoạn trước, trong và sau khi sáp nhập.
Theo đó, 3 phường: Phường 1, Phường 3 và Phường 4 của Quận 6 được gộp thành một đơn vị hành chính, lấy tên gọi là Phường 1 mới. Việc sáp nhập nhận được sự đồng thuận, ủng hộ cao của người dân, cán bộ công chức.
Nhằm hạn chế sự xáo trộn, phiền hà đối với người dân sau sáp nhập, ông Nguyễn Ngọc Thành cho biết, bộ phận một cửa của phường cũ vẫn sẽ duy trì hoạt động một thời gian để tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính cho người dân và hướng dẫn họ đến trụ sở đơn vị mới.
"Mỗi cán bộ, công chức đều có xây dựng phương án chuẩn bị cho việc sáp nhập. Cụ thể là rà soát, kiểm tra, thống kê lại từng đầu công việc của khối mình để sẵn sàng bàn giao cũng như tiếp nhận công việc mới. Song song việc bàn giao thì cán bộ, công chức cũng phải tập trung thực hiện những nhiệm vụ quan trọng cuối năm như: chăm lo Tết Nguyên đán Ất Tỵ, công tác tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ 2025 và những công việc cuối năm khác" - ông Nguyễn Ngọc Thành thông tin.
Khẩn trương, tập trung chỉnh lý hồ sơ, tài liệu lưu trữ, kiểm kê tài sản công, sắp xếp, bố trí lại phòng làm việc, hồ sơ, máy móc… để bàn giao hoặc vận chuyển sang trụ sở mới, đơn vị mới là không khí chung những ngày chuẩn bị sẵn sàng ở đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023-2025 tại TP.HCM.
Nhiều chính sách cho người bị ảnh hưởng
Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025, số đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sắp xếp là 80 phường gồm 77 phường thuộc diện sắp xếp và 3 phường liền kề điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn 10 quận. Số đơn vị hành chính hình thành mới sau sắp xếp là 41 phường, giảm 39 phường.
Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan, việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 – 2025 theo Nghị quyết 1278/NQ-NQ-UBTVQH15 là việc khó nhưng TP.HCM đã có kinh nghiệm.
Cụ thể là việc sắp xếp khu phố, ấp, kinh nghiệm sắp xếp lại theo chính quyền đô thị không còn là HĐND, rồi có kinh nghiệm như Quận 3 là sáp nhập phường Võ Thị Sáu và ở Thủ Đức thì có kinh nghiệm về vấn đề sắp xếp lại các đơn vị hành chính của TP Thủ Đức.
Do đó, với lần sáp nhập này, TP quyết tâm và sẽ làm được. Phó Chủ tịch UBND TP đề nghị các địa phương cần thực hiện việc này nghiêm túc, đúng quy trình, quy định. Vấn đề sắp xếp, phân công, bổ nhiệm cần phải gắn liền với công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ quận.
Theo thống kê, trong số 3.137 cán bộ công chức viên chức tại các địa bàn được sắp xếp sẽ chỉ còn 2.115 người được giữ lại, dôi dư là 1.022 người, tức là khoảng 1/3 sẽ không còn làm việc. Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, tinh thần chung là việc sắp xếp dôi dư sẽ theo lộ trình từng nhóm từ nay đến 2029.
"Ưu tiên bố trí sử dụng tại địa phương. Trong trường hợp đủ điều kiện mà địa phương không còn chỗ thì báo cáo lên cấp trên. Ví dụ ở phường còn dư mà số này cần sử dụng, đáp ứng được các yêu cầu tiêu chí của đội ngũ cán bộ cấp quận thì đề xuất đưa lên trên các phòng ban" - ông Võ Văn Hoan cho biết.
Phó Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết thêm, việc sắp xếp theo lộ trình Nghị quyết 35//2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2030 có biên độ 5 năm để sắp xếp, tinh giản dần.
Do đó, TPHCM chỉ gặp một số khó khăn ở giai đoạn từ 1/1/2025 khi có nhiều trường hợp 3 nhập thành 1, 2 nhập thành 1 nên sẽ dôi dư một số cấp trưởng. Số này sẽ theo phương án nhân sự của 10 quận sẽ điều động đến các vị trí khác. Có thể đưa về quận, nơi vị trí việc làm các phòng ban đơn vị đang thiếu, hoặc là tiếp nhận làm công chức, không làm cán bộ nữa.
Tại kỳ họp cuối năm HĐND TPHCM khóa X, các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua nghị quyết quy định về chế độ hỗ trợ thêm đối với trường hợp nghỉ do tinh giản biên chế; nghỉ do dôi dư khi sắp xếp đơn vị hành chính; nghỉ công tác trước tuổi do không đủ điều kiện về tuổi tái cử, tái bổ nhiệm giữ các chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ; nghỉ công tác trước tuổi không thuộc diện tinh giản biên chế trên địa bàn TPHCM.
Đây là việc làm kịp thời để những cán bộ, công chức, người lao động dù tiếp tục cống hiến ở vị trí mới hay dừng lại đều cảm thấy vui vẻ, thoải mái.