ASEAN tiếp tục củng cố vai trò trung tâm và xây dựng cấu trúc khu vực
VOV.VN - Việt Nam tham dự Hội nghị với mục tiêu tiếp tục củng cố đoàn kết và hợp tác ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh.
Từ ngày 5 - 10/8/2014 tại Nay Pyi Taw (Myanmar) sẽ diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 47 (AMM-47); Các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao giữa ASEAN với các Đối tác (PMC) bao gồm: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Mỹ, EU, Nga, Canada, Australia và New Zealand; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 15 (APT-15) với ba nước Đông Bắc Á; Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á lần thứ 4 (EAS FMM-4) và Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 21 (ARF-21) với sự tham dự của Bộ trưởng Ngoại giao 27 nước (gồm 10 nước ASEAN và 17 đối tác ngoài ASEAN).
Cũng trong dịp này, sẽ diễn ra các Hội nghị cấp Bộ trưởng trong khuôn khổ hợp tác Mekong và các đối tác gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước vùng hạ lưu sông Mekong lần thứ 7, Những Người bạn của các nước vùng hạ lưu sông Mekong lần thứ 4, các nước lưu vực sông Hằng – sông Mekong lần thứ 7 và các nước lưu vực sông Mekong - Nhật Bản lần thứ 7.
Đây là các Hội nghị cấp Bộ trưởng Ngoại giao quan trọng nhất trong năm của ASEAN và giữa ASEAN với các đối tác chủ chốt. Các Hội nghị sẽ tập trung vào các nội dung chính là kiểm điểm hợp tác ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác thời gian qua và bàn định hướng thúc đẩy hơn nữa các quan hệ này trong thời gian tới, đồng thời tập trung trao đổi về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, nhất là về hòa bình và an ninh khu vực.
Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu tham dự Hội nghị với mục tiêu tiếp tục củng cố đoàn kết và hợp tác ASEAN, xây dựng Cộng đồng ASEAN vững mạnh, liên kết chặt chẽ và phát huy vai trò trung tâm trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và hợp tác ở khu vực; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác, đóng góp vào các mục tiêu và lợi ích chung.
Tình hình quốc tế, khu vực và ASEAN tiếp tục có những chuyển biến sâu sắc
Triển khai các quyết định của Hội nghị Cấp cao ASEAN-24 (tháng 5/2014), ASEAN tiếp tục nỗ lực xây dựng thành công Cộng đồng ASEAN theo đúng lộ trình đề ra vào ngày 31/12/2015; củng cố đoàn kết, phát huy tiếng nói, trách nhiệm và vai trò trung tâm trong các vấn đề chiến lược ở khu vực; tăng cường liên kết và kết nối; mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với các đối tác.
Tuy nhiên, ASEAN đang đối mặt với không ít thách thức trong bối cảnh địa chiến lược đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực. Sự can dự ngày càng mạnh mẽ của các nước lớn tại khu vực, cùng với đó là sự điều chỉnh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực dẫn tới những cạnh tranh và cọ xát chiến lược đặt ra thách thức không nhỏ cho việc duy trì đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN.
Bên cạnh đó, sự gia tăng ngày càng mạnh mẽ của các thách thức an ninh, cả truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên là các tranh chấp lãnh thổ, biển đảo, tiếp tục tác động không nhỏ tới hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực.
Tại các Hội nghị lần này, ASEAN tiếp tục nỗ lực thực hiện Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, đảm bảo hoàn thành đúng hạn và hiệu quả các biện pháp đề ra. ASEAN cũng dành ưu tiên triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC) trên cả ba lĩnh vực là cơ sở hạ tầng, thể chế và con người; cũng như các chương trình thu hẹp khoảng cách phát triển hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng.
Đồng thời, ASEAN tích cực chuẩn bị cho sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. ASEAN đang xây dựng một danh mục các hoạt động kỷ niệm triển khai trong cả năm 2015 nhằm đánh dấu sự kiện có ý nghĩa lịch sử này.
Bên cạnh đó, ASEAN đang xây dựng Kế hoạch Tổng thể về Truyền thông ASEAN phải nêu bật ý nghĩa về Cộng đồng ASEAN, nâng cao ý thức cộng đồng cũng như khuyến khích sự tham gia và đóng góp của người dân.
Để chuẩn bị cho giai đoạn phát triển sau 2015, ASEAN đang xây dựng các thành tố chính của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau 2015, dự kiến sẽ trình lên các Lãnh đạo ASEAN thông qua tại Cấp cao ASEAN -25 vào tháng 11/2014. Về tổng thể, Tầm nhìn sau 2015 sẽ kế thừa và phát huy các kết quả đã đạt được, đồng thời đề ra chiến lược dài hạn nhằm phát triển Cộng đồng ASEAN vững mạnh trên cả ba trụ cột trong các thập kỷ tiếp theo, phát huy vai trò của ASEAN đối với hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực và trên các vấn đề toàn cầu.
Bên cạnh đó, ASEAN cũng chú trọng nâng cao hiệu quả của bộ máy thể chế ASEAN nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu liên kết và hội nhập ngày càng cao của ASEAN sau 2015.
ASEAN tiếp tục củng cố vai trò trung tâm và xây dựng cấu trúc khu vực
Bối cảnh địa chiến lược diễn biến phức tạp với sự gia tăng can dự và cạnh tranh của các nước lớn đang đặt ra thách thức cho vai trò trung tâm của ASEAN. Bên cạnh đó, các tiến trình liên kết của RCEP, TPP, tiến trình tự do hóa thương mại APEC cũng gây áp lực cho vai trò hạt nhân và động lực chính của ASEAN trong thúc đẩy liên kết Đông Á.
Vừa qua, theo sáng kiến của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam được các nước ASEAN nhất trí, ủng hộ, Việt Nam đã tổ chức Cuộc họp SOM đặc biệt tại Hà Nội về vai trò trung tâm của ASEAN và định hướng chiến lược về cấu trúc khu vực trong tương lai.
Tại cuộc họp, các nước nhất trí để củng cố và giữ vững vai trò trung tâm, ASEAN cần duy trì đoàn kết để thúc đẩy lợi ích chung của ASEAN như xây dựng Cộng đồng; chủ động có tiếng nói về lập trường và giải pháp cho các vấn đề nảy sinh ở khu vực, xử lý hiệu quả các vấn đề liên quan trực tiếp đến hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực.
Đồng thời ASEAN cần phải củng cố các cơ chế hợp tác nội khối cũng như với các nước đối tác nhằm tăng cường năng lực trong việc ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, trong đó nổi lên các tranh chấp chủ quyền biển đảo, thiên tai, dịch bệnh. Mặt khác, ASEAN cần nâng cao nội lực của khu vực để xử lý hiệu quả các mối quan hệ và đan xen lợi ích của các nước lớn, đồng thời bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích quốc gia và lợi ích chung của khu vực.
Về hợp tác với các đối tác bên ngoài, ASEAN chủ trương tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc quan hệ với các đối tác, khuyến khích các đối tác tham gia và đóng góp xây dựng vào việc duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực, cũng như hỗ trợ ASEAN trong tiến trình liên kết và hội nhập ở khu vực.
Các đối tác coi trọng hợp tác với ASEAN, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, vai trò chủ đạo của ASEAN trong các khuôn khổ ASEAN+1, ASEAN+3, EAS, ARF, ADMM+… Các đối tác cũng cam kết ủng hộ, hỗ trợ ASEAN thông qua việc đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình, kế hoạch công tác đã thỏa thuận, tập trung vào hỗ trợ tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường liên kết và kết nối, hợp tác ứng phó với các thách thức mới nổi…
Việt Nam sẽ nỗ lực phát huy vai trò nước điều phối quan hệ đối thoại ASEAN-EU. Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 20 vừa qua (Brussels, 22-23/7), hai bên đã nhất trí về các định hướng thúc đẩy quan hệ ASEAN-EU trong các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, tăng cường kết nối và hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng. Hai bên đã nhất trí sẽ đưa quan hệ ASEAN –EU phát triển hướng tới quan hệ đối tác chiến lược.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần này sẽ tiếp tục phát huy các kết quả đạt được, khuyến khích EU tích cực hỗ trợ ASEAN xây dựng Cộng đồng và phát huy vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, đóng góp tích cực vào hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực, ưu tiên phát triển các dự án hợp tác trong lĩnh vực kết nối và hợp tác biển.
Dự kiến tại các Hội nghị lần này sẽ có một số văn kiện như Thông cáo chung của Hội nghị AMM-47, Tuyên bố Chủ tịch Hội nghị ARF-21 và Tuyên bố Chủ tịch của các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các Đối tác (ASEAN+1, ASEAN+3, EAS)./.