Bà Nguyễn Thị Bình: Đấu tranh vì lợi ích tối cao của dân tộc

(VOV) - Theo bà, đó là động lực chính giúp đoàn đàm phán Việt Nam kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực tại Hội nghị Paris.

Toàn văn bài phát biểu tại Lễ mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris diễn ra tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) của bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN), nguyên trưởng đoàn đàm phán CPCMLTCHNMVN:

Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu tại Lễ mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris (Ảnh:Ngọc Thành)

"Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết ngày 27/1/1973 là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, dẫn đến Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là kết quả của cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lâu dài và vô cùng gian khổ, đầy hy sinh thử thách của nhân dân ta, tiến hành trên 3 mặt trận: Quân sự, chính trị, ngoại giao; là kết quả của đường lối độc lập tự chủ cùng với sự tranh thủ đoàn kết quốc tế rộng rãi.

Cuộc đấu tranh về quân sự- chính trị trên chiến trường tạo thế cho cuộc đấu tranh về ngoại giao, cuộc đấu tranh về chính trị- ngoại giao trên quốc tế phối hợp với đấu tranh quân sự- chính tị trong nước, kết hợp sức mạnh của dân tộc với sức mạnh của thời đại, làm tăng thêm sức chiến đấu của quân dân ta.

Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc là cuộc đấu tranh chính nghĩa, phù hợp với lý tưởng và nguyện vọng của nhân dân thế giới. Từ đầu, chúng ta hết sức quan tâm tuyên truyền vận động, làm cho nhân dân các nước hiểu và ủng hộ chúng ta.

Khi trên chiến trường, quân và dân ta giành được những thắng lợi quan trọng, chúng ta đã nâng hoạt động ngoại giao thành một mặt trận đấu tranh “vừa đánh, vừa đàm” nhằm tiến tới một thảo thuận chấm dứt chiến tranh, trên cơ sở đảm bảo các quyền dân tộc cơ bản, đúng như mục tiêu chúng ta mong muốn.

Chúng tôi và một số cán bộ từ nhiều cơ quan chức năng, được phân công tham gia hai đoàn đàm phán ở Hội nghị Paris về Việt Nam: Đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) và Đoàn Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (CPCMLTCHMNVN). Đến nay, nhiều đồng chí không còn nữa, nhưng tôi nghĩ rằng tất cả chúng tôi đều đã hết sức cố gắng và hoàn thành nhiệm vụ. Trong hơn 4 năm 8 tháng, đã diễn ra 174 cuộc họp công khai tại Trung tâm hội nghị quốc tế Kleber- Paris thủ đô nước Pháp, mấy chục cuộc gặp riêng giữa đồng chí Lê Đức Thọ- cố vấn đặc biệt và đồng chí Xuân Thủy- trưởng đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với ông Kissinger- cố vấn đặc biệt của Tổng thống Nixon, Hoa Kỳ.

Thắng lợi của Việt Nam tại cuộc đàm phán Paris là minh chứng tập trung nhân về sự đúng đắn, tài tình và đường lối, sách lược của nền ngoại giao Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam.

Việc phía Mỹ phải chấp nhận đàm phán với sự có mặt của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị 4 bên ở Paris là thắng lợi chính trị- ngoại giao bước đầu trên bàn hội nghị. Qua việc này, vô hình trung Mỹ thừa nhận thực tế ở miền Nam: Các tầng lớp nhân dân, mà đại diện chân chính duy nhất là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, đang đấu tranh chống lại sự có mặt của Mỹ và chính quyền thân Mỹ. Điều này, cũng bác bỏ luận điệu của Mỹ là miền Bắc xâm lược miền Nam.

Tại cuộc đàm phán, hai đoàn VNDCCH và CPCMLTCHMNVN trên cương vị và nhiệm vụ của mình, đã làm rõ trước thế giới lập trường của chúng ta: Mỹ đưa quân vào Việt Nam, gây chiến tranh, Mỹ phải rút quân vô điều kiện khỏi Việt Nam. Mục tiêu trước sau như một của chúng ta là: độc lập dân tộc và thống nhất Tổ quốc. Nước Việt Nam là một, kẻ thù xâm lược đến Việt Nam, người Việt Nam dù ở miền Nam hay miền Bắc đều có quyền và nghĩa vụ chiến đấu chống xâm lược.

Những lý lẽ đanh thép nhưng có tình, có lý nói trên đã tỏa đi khắp các nước, trong dư luận quốc tế, qua các báo chí, vô tuyến truyền hình, các phương tiện truyền thông, khơi dậy một ình cảm mến phục mạnh mẽ của mọi người đối với một dân tộc nhỏ, dám đứng lên chống lại nước lớn để bảo vệ quyền được sống trong độc lâp và tự do.

Một phong trào đoàn kết quốc tế hết sức rộng lớn đã hình thành, bao gồm không chỉ những người cộng sản, cánh tả, mà còn có đông đảm các lực lượng yêu chuộng hòa bình, công lý- những người có chính kiến khác nhau, các tôn giáo, kể cả những người “có thành kiến với Cộng sản”, “không tán thành CNXH”. Và không những chính phủ các nước XHCN, nhiều nước dân tộc chủ nghĩa mà cả một số chính phủ các nước tư bản chủ nghĩa phương Tây… cũng đứng về phía cuộc chiến đấu chính nghĩa của Việt Nam.

Vì lợi ích thiết thân và trước cuộc chiến tranh phi nghĩa bị cả thế giới lên án, nhiều người Mỹ thuộc các giới khác nhau đã đứng lên phản đối chính quyền Mỹ đòi chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước.

Điều đặc biệt quan trọng là trên bàn đàm phán, phối hợp chặt chẽ và kịp thời tình hình trên chiến trường, những đợt tấn công ngoại giao của chúng ta với tuyên bố giải pháp toàn bộ để giải quyết chiến tranh và vấn đề chính trị ở miền Nam Việt Nam và liên tiếp đưa ra những sáng kiến làm sáng tỏ thêm lập trường chính nghĩa và thiện chí của ta, đã góp phần đẩy đối phương ngày càng vào thế bị động và thất bại.

Hoạt động của hai đoàn đàm phán cùng với hoạt động ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân trong nước đã mang lại sự đông tình và ủng hộ về tinh thần cũng như vật chất to lớn và quý báu của thế giới, tiếp thêm sức mạnh cho quân dân ta. Đó chính là sự đóng góp của mặt trận ngoại giao và thắng lợi của cuộc đấu tranh của nhân dân ta. Và quan trọng hơn, Việt Nam được nhân dân các nước tin yêu là một dân tộc giàu lòng yêu nước, ý chí kiên cường, sẵn sàng chiến đấu cho độc lập tự do, bất chấp mọi sy sinh, gian khổ.

Năm 1972, khi tương quan lực lượng trên chiến trường nghiêng về ta, chúng ta đã thể hiện một sách lược lớn. Bằng việc đưa ra giải pháp 7 điểm (1/7/1971) và 2 điểm nói thêm (2/2/1972), sau đó, qua bản dự thảo Hiệp định đồng chí Lê Đức Thọ trao cho Kissinger trong cuộc họp bí mật ngày 8/10/1972, ta không đòi hỏi giải quyết cả gói “quân sự và chính trị” như trước mà tập trung vào việc đòi “Mỹ phải rút quân”, các vấn đề miền Nam sẽ do các bên miền Nam tự giải quyết. Sách lược khôn khéo này thể hiện thiện chí của ta, được dư luận quốc tế nhiệt liệt hoan nghênh và càng thúc đẩy phong trào đoàn kết với Việt Nam đòi chấm dứt chiến tranh.

Ở trong nước, cũng dấy lên một phong trào chính trị rầm rộ, trong đó có “lực lượng thứ ba”- những người không phải của mặt trận, cũng không phải của chính quyền Sài Gòn- đòi phải chấm dứt chiến tranh, thay đổi chính quyền không có sự can thiệp của nước ngoài.

Và như chúng ta đã biết, Mỹ đã phải tìm nhiều cách để không chấp nhận những yêu cầu chính đáng của Việt Nam, muốn bằng “Việt Nam hóa chiến tranh”, thực hiện ý đồ của Mỹ. Chúng ta không quên cuộc không kích tàn bạo bằng B52 trong 12 ngày đêm xuống Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố của miền Bắc cuối tháng 12/1972. Trận “Điện Biên phủ trên không” kết thúc, thắng lợi thuộc về quân và dân Việt Nam. Cuối cùng, Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán, chấp nhận ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ngày 27/1/1973.

Việc ký kết Hiệp định Paris là thắng lợi có ý nghĩa trọng đại của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của tất cả những người có lương tri trên thế giới đã ủng hộ sự nghiệp chính nghĩa của nhân dân Việt Nam.

Hai đoàn đàm phán hết sức vui mừng. Chúng tôi đã thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của của Bộ Chính trị, trong đấu tranh luôn luôn giữ vững lập trường, nguyên tắc trong từng bước đi cụ thể, biết mềm dẻo và linh hoạt- tất cả là nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng: Mỹ phải rút đi hoàn toàn, quân ta vẫn ở lại chỗ, các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam phải được đảm bảo, Việt Nam là của người Việt Nam. Ở đây cuộc chiến đấu không dùng súng đạn nhưng bằng đấu trí, đấu lý và cả ý chí, cũng vô cùng khó khăn và gian khổ. Các cuộc họp đàm phán bí mật là những trận chiến đấu hết sức quyết liệt. Động lực chính giúp chúng tôi kiên trì đấu tranh và hoạt động tích cực đó là vì lợi ích tối cao của dân tộc, là niềm tin tuyệt đối vào thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến của nhân dân ta.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang cho đại diện 2 Đoàn Đàm phán của VNDCCH và CPCMLTCHMNVN (Ảnh:Ngọc Thành)

Kỷ niệm Hiệp định Paris về Việt Nam, đánh giá ý nghĩa của sự kiện lịch sử này, nhân dân ta ghi nhớ sự đống góp của các đồng chí Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ, đồng chí Trưởng đoàn Xuân Thủy và tập thể cán bộ của hai đoàn đàm phán Bắc, Nam- những người trực tiếp chiến đấu trên mặt trận hết sức khó khăn và phức tạp nói trên.

Chúng ta ghi ơn sự quan tâm lãnh đạo của các đồng chí trong Bộ Chính trị, đồng thời không quên vai trò quan trọng của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ. Nhưng trên hết là đánh giá công lao của các chiến sĩ và đồng bào suốt 20 năm đấu tranh. Bao nhiêu người con ưu tú của đất nước đã ngã xuống trên tiền tuyến lớn.

Chúng ta hiểu rằng, nếu không có Tết Mậu Thân 1968, không có cuộc giải phóng tỉnh Quảng Trị và 81 ngày đêm chiến đấu ác liệt xung quanh Thành cổ Quảng Trị, không có trận Điện Biên phủ trên không, không có miền Bắc- hậu phương lớn hỗ trợ cho tiền tuyến lớn phía Nam… thì không có Hội nghị Paris về Việt Nam. Và đương nhiên, không có Hiệp định Paris năm 1973, không thể có Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ngoài ra, chúng ta không thể không kể đến hàng triệu, hàng triệu người trên thế giới ở châu Âu, châu Á- Phi- Mỹ Latinh, châu Đại Dương, phong trào phản chiến ở Mỹ bằng nhiều hình thức đã góp phần vào thắng lợi của nhân dân ta. Nhân dân Việt Nam mãi mãi ghi nhớ những tình cảm, sự ủng hộ quý báu của bạn bè khắp nơi trên hành tinh của chúng ta.

Tôi muốn nhắc đến phong trào đoàn kết với Việt Nam của nhân dân Pháp, với sự tham gia nhiệt tình, mạnh mẽ của Đảng Cống ản Pháp, nhiều đảng phái chính trị khác, các đoàn thể nhân dân thanh niên, phụ nữ, công đoàn, những nhà trí thức, tôn giáo… và cả Chính phủ Pháp cũng đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho hoạt động của Hội nghị Paris.

Đặc biệt, tôi muốn tỏ lòng biết ơn Hội người Việt Nam yêu nước ở Pháp đã hết lòng giúp đỡ hai đoàn đàm phán, làm cho chúng tôi luôn luôn cảm thấy có một phần quê hương ở bên cạnh.

Hôm nay, tại Lễ kỷ niệm trọng thể này, chúng tôi, những người được may mắn thay mặt cho nhân dân ta, ký vào văn bản Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam- một văn kiện lịch sử trọng đại của dân tộc- bày tỏ lòng biết ơn Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã tin tưởng và giao phó cho chúng tôi một nhiệm vụ vô cùng quan trọng và hết sức vẻ vang.

Cảm ơn tất cả các đồng chí trong nước và đồng bào nước ngoài- đặc biệt là ở Pháp, đã giúp đỡ chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ. Và qua đây, chúng tôi đã được rèn luyện và trưởng thành.

Xin trận trọng cảm ơn tất cả các đại biểu, các đồng chí đã lắng nghe"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

"Bài học sâu sắc của Hội nghị Paris vẫn còn sáng mãi"
"Bài học sâu sắc của Hội nghị Paris vẫn còn sáng mãi"

(VOV) -Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh điều này trong bài viết nhân Kỷ niệm 40 năm Hội nghị Paris về Việt Nam.

"Bài học sâu sắc của Hội nghị Paris vẫn còn sáng mãi"

"Bài học sâu sắc của Hội nghị Paris vẫn còn sáng mãi"

(VOV) -Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh điều này trong bài viết nhân Kỷ niệm 40 năm Hội nghị Paris về Việt Nam.

Đại biểu quốc tế trồng cây kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris
Đại biểu quốc tế trồng cây kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris

(VOV) -Lễ trồng cây diễn ra tại Công viên Hòa Bình (Từ Liêm- Hà Nội) biểu thị khát vọng về một nền hòa bình bền vững.

Đại biểu quốc tế trồng cây kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris

Đại biểu quốc tế trồng cây kỷ niệm 40 năm Hiệp định Paris

(VOV) -Lễ trồng cây diễn ra tại Công viên Hòa Bình (Từ Liêm- Hà Nội) biểu thị khát vọng về một nền hòa bình bền vững.

Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris
Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

(VOV)- Sáng 25/1, Lễ mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris diễn ra trọng thể tại Hà Nội.

Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

Mít tinh trọng thể kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris

(VOV)- Sáng 25/1, Lễ mít tinh cấp Nhà nước kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định Paris diễn ra trọng thể tại Hà Nội.

Chủ tịch nước: Những bài học lớn từ Hội nghị Paris lịch sử
Chủ tịch nước: Những bài học lớn từ Hội nghị Paris lịch sử

(VOV) -VOV online giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris.

Chủ tịch nước: Những bài học lớn từ Hội nghị Paris lịch sử

Chủ tịch nước: Những bài học lớn từ Hội nghị Paris lịch sử

(VOV) -VOV online giới thiệu toàn văn phát biểu của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại Lễ kỷ niệm 40 năm Ngày ký Hiệp định Paris.