Bản lĩnh của Đảng ta

Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam

Hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành nhiều thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Mỗi thắng lợi ấy, không chỉ ghi dấu ấn của tinh thần đại đoàn kết, tập trung trí tuệ và sức mạnh toàn dân tộc mà còn thể hiện bản lĩnh chính trị của Đảng trong mọi hoàn cảnh.

Trước bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng và tình hình thế giới có nhiều diễn biến khó lường, hơn bao giờ hết, bản lĩnh của Đảng cần được củng cố vững chắc và phát huy, bởi “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam”.

Dự thảo “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội” (bổ sung, phát triển năm 2011) trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhận định: “Với những thắng lợi đã giành được trong hơn 80 năm qua, Việt Nam từ một xứ thuộc địa nửa phong kiến đã trở thành một quốc gia độc lập, tự do, phát triển theo con đường Xã hội chủ nghĩa; nhân dân ta từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội; đất nước ta đã thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, có quan hệ quốc tế rộng rãi, có vị thế ngày càng quan trọng trong khu vực và trên thế giới”.

Giành được những thắng lợi vĩ đại đó, là nhờ Đảng Cộng sản Việt Nam có đường lối đúng đắn và bản lĩnh chính trị kiên cường, lãnh đạo nhân dân vượt qua bao khó khăn, thử thách.

Theo các nhà nghiên cứu, hơn 80 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã hai lần dùng chữ “hiểm nghèo” để nói đến tình thế khẩn thiết, đến sứ mệnh trọng đại của mình. Lần thứ nhất vào thời điểm 1945 - 1946. Khi ấy “thù trong giặc ngoài”, nạn “giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm” đe dọa khiến “Tổ quốc lâm nguy”. Nhưng nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, bản lĩnh vững vàng của Đảng và Bác Hồ, nước ta đã vượt qua tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” để giữ vững chính quyền cách mạng, cùng toàn dân bảo vệ nền độc lập non trẻ, đoàn kết một lòng “kháng chiến kiến quốc”.

Lần thứ hai sau đó đúng 40 năm (năm 1986), khi đất nước đã thống nhất được 10 năm. Trong thế bao vây cấm vận, các thế lực thù địch ra sức chống phá, kinh tế xã hội khủng hoảng toàn diện, lòng dân không yên, nhưng Đảng ta đã nhận thức rõ những sai lầm khuyết điểm, dũng cảm tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

Những thành tựu to lớn 25 năm qua đã khẳng định đường lối đúng đắn và sự gắn bó máu thịt giữa “Đảng với dân”; là minh chứng sinh động về bản lĩnh chính trị kiên cường và trí tuệ sáng tạo của Đảng.

Vượt qua “hiểm nghèo” để tiến hành công cuộc đổi mới, Đảng ta nhận được sự đồng thuận, đồng lòng của toàn dân, nhưng cũng gặp phải nhiều thử thách ghê gớm: Công cuộc đổi mới là tự tìm tòi, không rập khuôn, vừa làm vừa học vừa rút kinh nghiệm.

Trong thời kỳ đầu đổi mới, mỗi quyết định của Đảng đưa ra không được phép mắc sai lầm vì kết quả của các quyết định đó liên quan trực tiếp tới sự tồn vong của chế độ, vận mệnh của dân tộc và của Đảng.

Giáo sư - Tiến sĩ Đào Hữu Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh phân tích: thời điểm cuối những năm 80, đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Liên Xô rơi vào khủng hoảng, sau đó sụp đổ đã làm mất đi sự ủng hộ truyền thống đối với Việt Nam. Cùng với đó là bao vây cấm vận; lạm phát ở mức ba con số đã khiến nước ta gặp khó khăn mọi bề. Sự tuyên truyền phản động về tư tưởng của các thế lực thù địch ngày một gia tăng, kêu gọi Việt Nam từ bỏ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng chính thời điểm ấy, Đảng ta khẳng định đường lối nhất quán: Độc lập dân tộc gắn liền với Chủ nghĩa xã hội; tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Đó là bản lĩnh chính trị vững vàng của Đảng.

Xác định chủ trương “Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối”, nhưng không phải thời điểm nào cũng suôn sẻ. Những năm 1997-1998 xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, hơn hai năm qua, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến nhiều nước lâm vào tình trạng suy thoái. Nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia nhanh chóng vượt qua và vẫn đạt mức tăng trưởng khá, xã hội ổn định. Đó chính là sự đồng thuận của toàn dân và bản lĩnh vững vàng của Đảng trước những khó khăn, rất dễ trở thành nguy cơ bất ổn.

Bài học kinh nghiệm mà Đảng ta rút ra từ những khó khăn thách thức đó (như Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội lần thứ XI) là: “Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo phải rất nhạy bén, kiên quyết, sáng tạo, bám sát thực tiễn đất nước; chú trọng công tác dự báo, kịp thời đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình mới”.

PGS-TS Ngô Quang Minh, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: “Nguyên nhân là sức sống kỳ diệu của người dân Việt Nam dễ ứng  phó. Chỉ cần một chủ trương của Đảng là lập tức người dân đón nhận. Ví dụ như khoán 10, khoán 100. Đây là cơ may của người dân Việt Nam...”.

Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI xác định rõ: “Nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ trí tuệ của toàn Đảng và của mỗi cán bộ đảng viên, trước hết của cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; không dao động trong bất cứ tình huống nào. Kiên định đường lối đổi mới, chống giáo điều, bảo thủ, trì trệ hoặc chủ quan, nóng vội, đổi mới vô nguyên tắc”.

Điều đó, một lần nữa khẳng định bản lĩnh vững vàng của Đảng trong việc đề ra chủ trương, đường lối lãnh đạo nhân dân Việt Nam trên con đường đổi mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên